Bé yêu cũng biết giúp việc nhà

Thanh Ngọc,
Chia sẻ

Ngay từ khi lên hai, bé đã có thể giúp bạn một số việc vặt. Đó cũng là cách để bé thêm tự tin vào bản thân và tự hào vì mình là một thành viên có ích. Hãy cùng aFamily chia sẻ một vài bí quyết nhé.

Chọn việc phù hợp với độ tuổi

Lên hai tuổi, bé đã có thể giúp bạn xếp và dọn bàn ăn, với những đồ không dễ vỡ. Rồi bé sẽ có thể giúp bạn bật và tắt đèn, treo áo khoác và mũ lên khi đi ngoài đường về... Lên ba, bé có thể dọn quần áo bẩn vào giỏ để mẹ đem giặt, treo gọn quần áo đang mặc dở. Từ 4 đến 5 tuổi, bé có thể phụ bạn làm bếp, đập trứng, rửa rau, xếp bát đũa cho từng người, dọn bát ăn xong vào chậu rửa... Hãy lặp đi lặp lại những “nhiệm vụ” đó, bé sẽ tiến bộ dần và sẽ trở nên tự lập.

Bạn cần kiên nhẫn

Bé cần 20 phút mới thu dọn được hết những đồ xếp hình ư? Bạn hãy nghĩ lại xem, liệu ngày xưa ở độ tuổi của bé, bạn có thể khéo léo như vậy? Đừng so sánh bé với những em bé khác, cũng đừng dán nhãn rằng “con đúng là thằng bé hậu đậu”, điều đó chỉ làm tan vỡ sự nhiệt tình của bé. Bé cần được tập luyện.

Để bé làm theo cách của bé

Bạn không thích cách bé lau bàn? Bé dường như chẳng làm theo bạn khi gấp quần áo? Đừng bắt bé làm theo cách của bạn. Bé không ở độ tuổi của bạn và... bé không phải là bạn! Mỗi người có một cách riêng của mình, nhất là những gì thuộc về bé, hãy để bé tự do trong không gian của mình! Ngược lại, những gì chung, bạn cần giải thích để bé hiểu rằng, đặt như vậy, làm như vậy là để tiện dụng cho tất cả mọi người.

Cần phải chi tiết

Thay vì ra lệnh cho bé theo kiểu “con dọn đồ chơi đi”, hãy nói rõ cho bé: “Con xếp đồ chơi xếp hình vào cái giỏ kia đi, rồi cất vào góc cạnh giường ấy.”

Thật tâm lý

Tuổi lên ba lên bốn là độ tuổi khá phức tạp. Trong tâm trí dường như bé bao giờ cũng muốn phản kháng, ý nghĩ đầu tiên phải là “không, không”, cho dù không phải lúc nào bé cũng thấy như vậy là đúng. Để bé ít dùng từ “không”, bạn cũng hạn chế những từ “không” nhé. Thay vì con không được đi ra ngoài, hãy bảo bé “con vào buồng và tìm quyển sách ở đâu nhỉ?” Những mệnh lệnh cũng êm dịu hơn: “nửa tiếng nữa mình ra công viên chơi, thế là đủ thời gian để con dọn đồ hàng đấy.”

Những công việc trong không gian cổ tích

Bạn hãy sáng tạo và phát minh ra những câu chuyện nhỏ: “tối nay, các em búp bê cần phải đi ngủ sớm, cho các em vào nhà nào, sắp mưa rồi.” Rồi một cuộc đi tìm kho báu, ai sẽ thu được nhiều của cải nhất nào, cùng thi trong hai phút nhé!

An ủi bé

Bé vô tình làm vỡ chiếc cốc, bé khóc? Hãy đặt mình vào vị trí của bé: bé muốn giúp bạn, nhưng bé thất bại, không những thế, còn gây “tai họa”... Nói để bé hiểu không có gì nghiêm trọng cả, lần sau bé cần cẩn thận hơn, đừng làm cái gì mình chưa biết chưa quen. Cho bé ngồi ở một chỗ an toàn gần đó, chỉ cho bé rằng bạn dọn dẹp những mảnh vỡ như thế nào, vì sao phải đi dép để phòng còn vụn thủy tinh sót lại. Khen ngợi bé khi bé đi lại rất khéo và khi bé biết nhắc nhở mọi người trong nhà cẩn thận. Bé sẽ tự tin trở lại và có thêm kinh nghiệm.

Giá trị của công việc

Đừng xem việc giúp mẹ như một sự trừng phạt, hay đơn thuần chỉ là trách nhiệm cá nhân. Nên để bé thấy việc bé làm có ý nghĩa với cả gia đình. Hãy giao cho bé những việc chung, thay vì những việc chỉ liên quan đến bé. Lau bàn, dọn bàn, lau kính, dọn quần áo, trồng cây... Bé sẽ tìm thấy niềm vui và ý nghĩa trong lao động.

Cho bé thấy rằng tất cả mọi người cùng tham gia

Bé sẽ dễ dàng nghe lời và giúp bạn việc nhà hơn, nếu đó trở thành một thói quen chung của cả nhà, khi tất cả người lớn đều tham gia. Cũng không phải đơn giản đối với những gia đình có ông bố “lười”, nhưng hãy tâm sự với ông bố, giao cho ông bố những việc đơn gian và dễ làm nhất, chỉ cho bé thấy những việc bố thường làm, và cùng bé khen ngợi khi bố có những “tiến bộ”.

 

 Thanh Ngọc

Chia sẻ