Bé nói ngọng

,
Chia sẻ

Con trai em 3 tuổi, cháu rất hay nói nhưng khổ nỗi lại nói ngọng. Cả nhà không có ai nói ngọng cả, em đã chú ý sửa cho bé nhưng vẫn không được.

Xin bác sỹ tư vấn giúp em phương pháp để rèn luyện cho con hết nói ngọng? Em xin cảm ơn.

Thanh Huyền (thanhhuyentran@yahoo...) - Hà Nội

Cháu mới 3 tháng tuổi, đang tập nói và hầu hết trẻ nhỏ ở tuổi này đều nói ngọng, thậm chí nói lắp do chưa phát âm được chuẩn vì vậy gia đình không nên quá lo lắng, xong cũng không được chủ quan. Thực tế, có nhiều bậc phụ huynh chủ quan, thấy con nói ngọng ngịu nghe lại đáng yêu nên không để ý sửa cho các cháu. Lâu dần trẻ nói ngọng thành quen rất khó sửa, ảnh hưởng đến giao tiếp của trẻ, nhất là khi trẻ đến tuổi đi học, bị bạn bè chọc cười do nói ngọng, khiến trẻ tự ti... không tốt cho sự phát triển của trẻ.


Cả gia đình không có ai nói ngọng do vậy có thể loại trừ khả năng con trai bạn nói ngọng do ảnh hưởng từ bố mẹ, ông bà hay người giúp việc... Tuy nhiên cũng cần lưu ý, nếu bố mẹ để cưng nựng trẻ mà phát âm không chuẩn như: mẹ xương, mẹ xương (mẹ thương), con ngụ nào (con ngủ nào), ô chế à (ô thế à)... sẽ làm bé không nghe được âm chuẩn, dễ bắt chước.

Nhiều trẻ bị nói ngọng có thể do khiếm khuyết về cơ quan phát âm như bị hở hàm ếch, bị liệt một phần lưỡi và một số dị tật của hàm răng, ngắn lưỡi bẩm sinh... Nếu loại trừ được các yếu tố này thì việc cháu nói ngọng chẳng qua là do phát âm chưa chuẩn, chưa nói được những từ khó, bị líu lưỡi lại, nghe chưa chuẩn. Trẻ ở tuổi này không chỉ nói ngọng vần L, N mà có thể nói ngọng rất nhiều vần. Ví dụ: 'cái kéo' trẻ có thể nói thành 'tái téo', 'cô chú' thì nói thành 'cô cú'... Điều này diễn ra ở rất nhiều trẻ nhỏ.

Tuy cháu còn nhỏ nhưng chị có thể uốn nắn, rèn luyện để dần dần bé hết nói ngọng và phát âm được chuẩn:

- Từ 0 đến 3 tuổi, trẻ cần được nghe người lớn xung quanh nói rõ ràng, rành mạch, chậm rãi, câu chữ không quá dài và nhấn nhá truyền cảm.

- Nói chuyện nhiều với bé, đọc truyện cho con, nhấn mạnh dạy con phát âm các từ bé hay nói ngọng. Tăng dần sự phức tạp của câu chữ khi dạy bé. Theo dõi sự tiến bộ của bé.

- Yêu cầu bé không hấp tấp khi nói, dạy bé cách giữ cảm xúc bình tĩnh khi nói vì khi đó trẻ mới nói tốt được

- Nhẹ nhàng sửa sai cho bé, không chê bai, quát nạt khi bé nói sai sẽ làm bé căng thẳng, khó tiếp thu.

- Khen ngợi khi bé phát âm chuẩn để kích thích bé thích thú học nói.

Thâm mến!

Lan Anh
(Tổng hợp)
Chia sẻ