Bé ngủ nằm sấp, bú tí cũng nằm sấp

,
Chia sẻ

Bé Ti đã tròn 2 tuổi nhưng lại có thói quen... nằm sấp. Đợi con ngủ, mẹ Ti lật cho con nằm thẳng lên, một lát, con lại quay úp sấp người.

Từ khi biết lật, bé Ti còn có thói quen nằm úp, chổng mông lên khi bú. Mẹ Ti băn khoăn không biết việc nằm sấp này có lợi hay hại cho con. Bà ngoại thì bảo nằm sấp cho Ti khỏi giật mình, cũng tốt. Bác Hà lại phản đối không nên cho con ngủ úp sấp, chẳng tốt cho sức khỏe tẹo nào. Mẹ Ti phải nhanh chóng chỉnh lại tư thế ngủ cho con.

Đây cũng là băn khoăn của nhiều bố mẹ, không biết con nằm ngủ ở tư thế nào là tốt nhất?

Tư thế nằm ngủ của bé là rất quan trọng cho sự phát triển của cơ thể và sự thông minh, tránh được một số bệnh có thể xảy ra cho bé.

Khi ngủ con nằm sấp, con cũng có một số ưu điểm như: Con sẽ có cảm giác an toàn hơn, có một điểm gì để tựa, bấu víu khi ngủ.

Với tư thế nằm sấp, dịch hòa tan của dạ dày không thích hợp nằm ở thực quản – nguyên nhân dẫn đến sự nôn trớ sẽ được từ từ di chuyển xuống phần ruột non, giúp hạn chế sự nôn trớ ở bé.

Nằm sấp giúp bé nhanh phát triển hơn, do thường xuyên phải tập luyện các động tác như lật người, xoay người, ngẩng đầu, bên cạnh đó, chân tay của bé cũng cứng cáp hơn.

Tuy nhiên, với tư thế ngủ sấp, úp mặt thường xuyên lại ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe của con.

Ngủ sấp có thể dẫn đến sự nghẹt thở. Với trẻ dưới 1 tuổi và trẻ sơ sinh, phần đầu to và nặng, trong khi sức đỡ của gáy chưa được phát triển tương ứng, bé chưa thể tự linh hoạt xoay trở, rất dễ bị những vật dụng như chăn, gối chặn 2 lỗ mũi dẫn đến nghẹt thở.

Nằm ngủ sấp khiến con ra nhiều mồ hôi hơn. Nếu mẹ không chú ý lau mình cho bé thường xuyên sẽ dẫn đến bị cảm.

Với trẻ em, tư thế nằm sấp khi ngủ trong một thời gian dài khiến xương mặt dễ bị biến dạng ảnh hưởng đến thẩm mỹ do xương mặt và vòm họng của chúng chưa phát triển đầy đủ. Nếu nằm nghiêng bên trái, tim bị đè lên ảnh hưởng đến tuần hoàn và với người có bệnh dạ dày thì bệnh lâu khỏi, thậm chí có thể nặng thêm.

Bé ngủ hay nằm sấp là không tốt cho sức khỏe bởi vì khi nằm sấp sẽ ảnh hưởng đến đường hô hấp của bé.

Khi hít vào thở ra lồng ngực và bụng của bé không thể nở ra và co lại như bình thường. Thở không tốt có thể dẫn đến thiếu oxy và tuần hoàn của tất cả các cơ quan khác.
 
Nằm  ngủ sấp dễ khiến bé bị ngạt thở
 
Chỉnh lại tư thế ngủ của con
 
Khi con đã ngủ say, mẹ có thể chỉnh lại tư thế ngủ cho cháu khi cháu đã ngủ say. Hãy để cháu nằm ngửa khi ngủ là tốt nhất, với các gợi ý như sau:

Thử đặt bé nằm sát vào cũi hoặc mé trong của giường sao cho khoảng cách giữa bé và cũi là nhỏ nhất, đồng thời, bạn hãy dùng một cái gối nhỏ chặn bên phần thân còn lại của bé. Như vậy bé sẽ không có cơ hội lật người khi ngủ.

Dùng một miếng lót chặn dọc theo thanh chắn của cũi, tiếp giáp với chỗ bé nằm, giúp hạn chế trường hợp bé dùng tay, bám vào thành cũi và lật úp người trong lúc ngủ.

Tranh thủ chơi với bé lúc bé thức, bạn có thể đặt bé nằm sấp để chơi đùa với bé. Đặt bé nằm sấp trên một mặt phẳng và đưa cho bé một món đồ chơi nhỏ để trước mặt bé để bé phải dướn người lấy đồ chơi. Cách này giúp bé tự điều khiển được các vùng cơ cổ - chuẩn bị cho bé học bò, ngồi sau này. Càng cho bé thực hành nhiều, khả năng điều khiển các vùng cơ vùng đầu, vùng cổ của bé càng tốt.

Tuy nhiên, mẹ cũng chú ý tư thế ngủ còn tùy thuộc vào yếu tố bệnh lý. Nếu bé bị bệnh tim nặng, viêm khí phế quản, hen phế quản nên chọn tư thế nửa nằm nửa ngồi sẽ cảm giác đỡ hơn. Người bị bệnh viêm gan cấp tính có triệu chứng đau âm ỉ vùng hạ sườn nên chọn tư thế nằm ngủ nghiêng về bên trái...
 
Bảo Châu
Chia sẻ