Bé hay bị giật mình khi ngủ

,
Chia sẻ

Bé nhà em gần 4 tháng tuổi, nặng hơn 7 kg. Gần đây cháu ít ngủ ngày, nếu ngủ mỗi giấc chỉ khoảng 30 phút là cháu bị giật mình tỉnh giấc rồi quấy khóc.

Ban đêm cháu cũng ngủ không say, hay tỉnh giấc. Nguyên nhân tại sao nhờ bác sỹ tư vấn giúp. Phan Đăng Nhân - dangnhan_ht@... (Đức Thọ - Hà Tĩnh)

Trả lời:
 
Không biết bé nhà mình là bé trai hay bé gái? Nếu là bé gái thì bé gần 4 tháng tuổi mà đã nặng hơn 7kg là có dấu hiệu thừa cân, còn nếu là bé trai thì cân nặng như vậy là vừa. Cha mẹ cũng cần đo cả chiều cao để xem bé đã phát triển cân đối chưa?

Từ 3 tháng tuổi, trẻ bắt đầu thức ngày lâu hơn và ngủ nhiều hơn vào ban đêm so với khi mới sinh nên việc dạo này bé nhà bạn ngủ ít hơn vào ban ngày cũng là điều bình thường, không nên quá lo lắng. Tuy nhiên, việc ngủ ít hay nhiều còn tùy thuộc vào từng bé bởi mức độ hoạt động của các bé rất khác nhau.

Thời gian ngủ vào ban đêm của các bé cũng khác nhau, trung bình bé chỉ ngủ khoảng 5 tiếng rồi thức giấc để ăn hoặc tỉnh giấc do bé khó chịu vì ẩm ướt khi vệ sinh. Cha mẹ có thể huấn luyện để giấc ngủ của bé dần đi vào quĩ đạo.

Đây cũng là độ tuổi mà bé có thể để bé quấy vài phút mỗi khi thức giấc. Một số trẻ quẫy đạp, quấy khóc khi đang cố đưa mình trở lại vào giấc ngủ, dân gian vẫn gọi đó là ‘gắt ngủ’. Khi đó, bạn có thể cho bé ăn nếu bé đói. Nếu bé quấy khóc quá lâu thì mới dỗ dành bé còn không, hãy cứ thử để bé một mình. Về lâu dài điều đó sẽ giúp bé tự phát triển kỹ năng đưa mình ngủ trở lại mà không cần sự trợ giúp của bạn.

Về việc bé ngủ hay bị giật mình, thực tế ở trẻ em do các tế bào thần kinh chưa được biệt hóa nên phản ứng của vỏ não có xu hướng lan tỏa, bất kỳ 1 kích thích nào cũng có thể gây ra 1 phản ứng toàn thân. Chính vì vậy mà trẻ em hay bị giật mình, phản xạ này sẽ dần hoàn chỉnh và giảm dần đi.

Để xử lý, bạn có thể đặt bé nằm nghiêng hoặc nằm ngửa khi ngủ và có chèn gối 2 bên cho bé, bé có cảm giác an toàn như có mẹ nằm cạnh và sẽ đỡ giật mình hơn.

Giúp bé có giấc ngủ ngon, cha mẹ không nên cho bé ngủ trong trạng thái hưng phấn như đùa nghịch khi trò chuyện cùng cha mẹ. Khi ngủ để bé trong phòng yên tĩnh, thông thoáng, không nóng bức, không sáng quá.

Bạn nên tiếp tục theo dõi giấc ngủ của con, nếu đã làm đủ cách bé vẫn bị thiếu ngủ triền miên thì bạn nên đưa con đi thăm khám để tránh ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ.

Lan Anh
(Tổng hợp)
Chia sẻ