Bé con nhất quyết "không chào"

,
Chia sẻ

Bé Bi nhà chị Hà ở nhà líu lo như chim sáo. Ra đường gặp người lớn, bé lại "im thin thít". Mẹ nhắc bé chào, bé lấy tay che miệng lại và lảng ra chỗ khác.

“Bất lực”… dạy bé chào hỏi
 
Chị Mai (Khâm Thiên - Hà Nội) than phiền với đồng nghiệp ở cơ quan: “Bé nhà em sắp tròn 2 tuổi rồi. Ở nhà, khi chỉ có bố, mẹ, em dạy gì bé cũng nghe. Bé biết chào bà, chào ông, chào bác… Nhưng khi đi ra ngoài, gặp người lớn, bé rất lỳ và không chịu chào hỏi ai”. Có lần, chị đã nhốt con ra ngoài ban công một mình, nhưng bé vẫn không chịu chào ông bà nội. Bố giận quá, mắng con, đánh con, con chỉ khóc nhưng nhất quyết “không mở mồm”.
 

Bé Bi nhà chị Hà (Hải Châu - Đà Nẵng) ở nhà líu lo như chim sáo. Ra đường gặp người lớn, bé lại “im thin thít”. Mẹ nhắc bé chào, bé lấy tay che miệng lại và lảng ra chỗ khác. Chị lúc nào cũng bị mẹ chồng mắng vì cái tội “không biết dạy con”.
 
Gia đình anh Nam (Đông Anh - Hà Nội) lại dở khóc, dở cười với hai cô con gái. Hai bé gái nhà anh, một 4 tuổi, một 6 tuổi hoàn toàn trái ngược nhau. Bố mẹ vẫn “bất lực” về việc dạy cho cô chị tự chào hỏi khi gặp người quen. Còn cô em gặp ai cũng chào, kể cả người lạ hay người quen. Khi đi ngủ, bé đến tận nơi nắm tay và chúc từng người trong gia đình ngủ ngon.
 
Ra đến ngoài đường, cô em luôn miệng: “Cháu chào bà, cháu chào chú…”. Có khi bé còn thắc mắc: “Sao con chào mà chú chẳng nói gì cả”, và chạy lại chào cho đến khi nhận được lời chào đáp trả thì mới thôi. Thỉnh thoảng, cô chị cũng bắt chước em. Thấy em chào, chị cũng chào theo. Nhưng trường hợp đó rất hiếm.

“Giải pháp” nào cho bé?

Khi bé gặp người, lúc đầu bé không chào. Bố mẹ đừng vội “kết tội” bé là không ngoan. Cũng có thể là do bố mẹ đã “nhanh mồm, nhanh miệng" quá, toàn trả lời hộ con nên tạo cho bé thói quen ỷ lại.


Bố mẹ hãy dần dần nhắc nhở, khuyên bảo bé nhưng đừng mắng bé. Một thời gian sau, bé sẽ hình thành được thói quen: gặp người lớn là biết chào.
 
Các bố mẹ hãy thử áp dụng những cách sau:

- Đến tuổi đi học, bố mẹ đừng ngần ngại cho bé đi mẫu giáo. Học ở trường sẽ giúp bé hình thành nhiều kỹ năng như chào hỏi, tự làm một số việc…

- Gặp người lớn, bé chưa chịu chào. Bố mẹ hãy khoanh tay và chào thật to: “Con chào ông”, “Con chào bà”, “Cháu chào cô/dì/chú ạ”. Bé sẽ học tập và bắt chước bố mẹ đấy.

- Hãy chào bé trước. Bố mẹ đi đâu về, gặp bé cũng sẽ nói: Mẹ/Bố chào con. Nếu bé không chào lại, nhắc nhở bé: Cún ngoan cũng chào mẹ/bố đi chứ. Bé được người lớn chào, sẽ cảm thấy mình thật quan trọng và được đối xử như với người lớn. Từ đó, bé sẽ hình thành thói quen chào hỏi.
 

- Khi gặp người lớn, bé không chào. Bố mẹ hãy nhắc nhở bé ngay lập tức, để bé không quên. Tránh trả lời hộ bé khi có ai hỏi chuyện bé.

- Bố mẹ hãy lồng ghép việc dạy bé chào thông qua các thói quen và sở thích của bé. Ví dụ những bé thích được nghe mẹ kể chuyện, mẹ có thể kể cho con nghe: Có một cô bé nhím xinh đẹp, được các bác gấu, bác nai… yêu quý. Vì nhím đi đâu gặp ai cũng chào hỏi. Nhưng sau cô bé nhím hư, mải chơi, không chịu chào hỏi ai cả. Từ đó, bác gấu, bác nai… không còn yêu cô bé nhím nữa… Chắc chắn, bé nghe xong câu chuyện, lần sau gặp người lớn bé sẽ chào để được mọi người yêu quý.

Các nghiên cứu đã cho biết rằng, ở lứa tuổi từ 2 - 3 tuổi, bé thích làm theo tùy hứng của mình. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn luôn chú ý khuyên bảo, nhắc nhở con để giúp bé hình thành thói quen. Khi bé đã lớn hơn một chút, rất khó uốn nắn con vào nề nếp.

Bảo Châu

Chia sẻ