Bé bị vàng da dễ mắc chứng tâm thần vận động

,
Chia sẻ

Trẻ bị vàng da sau khi sinh vài ngày là hiện tượng sinh lý bình thường. Nhưng trong một số trường hợp nếu không phát hiện sớm để điều trị kịp thời sẽ gây dị tật cho trẻ.

Trẻ sau khi sinh vài ngày có triệu chứng vàng da là hiện tượng sinh lý bình thường do các hồng cầu thai nhi bị phá huỷ để thay thế bằng hồng cầu trưởng thành. Tuy nhiên, một số trường hợp vàng da do chất bilirubin tăng quá cao thấm vào não sẽ gây dị tật cho trẻ nếu không được phát hiện sớm.

Điều trị muộn, hậu quả nặng nề

Sản phụ Hà Phương, nhà ở phố Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội mới sinh con gái tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội được 2 hôm. Khác với việc quấn tã thật kỹ cho em bé của các sản phụ cùng phòng, chị Hà Phương chốc chốc lại vạch áo, vén tã của con lên để kiểm tra xem da của con gái có bị vàng hay không.
 
Theo chị Hà Phương, cách đây 5 năm, chị sinh con gái đầu lòng. Do sinh thường, lại khoẻ mạnh nên chỉ sau 3 ngày, gia đình chị xin xuất viện về nhà để tiện chăm sóc. Tuy nhiên, qua một đêm ngủ ở nhà, sáng hôm sau chị phát hiện vùng da ở cổ, ngực của con ngả màu vàng, lòng trắng của mắt cũng hơi vàng.
 
Do chủ quan, chị không cho con đi khám. Đến khi da em bé ngả sang màu vàng ruộm, người mệt mỏi, bỏ bú, chị Phương mới đưa con đến Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khám thì đã quá muộn. Lượng bilirubin tăng cao thấm vào não khiến con gái chị bị di chứng về tâm thần vận động, không biết lẫy, bò, đi đứng mà chỉ nằm một chỗ.

Cũng tại Khoa Sản dịch vụ - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, sản phụ Bùi Thu Hiền (Long Biên, Hà Nội) nước mắt ròng ròng khi bác sĩ kết luận con gái chị bị vàng da nặng và phải thay máu. Trước đó, khoảng 3 ngày sau khi sinh, bác sĩ khám và phát hiện bé bị vàng da nên cho lên phòng chiếu đèn (ánh sáng của đèn biến bilirubin thành chất không độc và loại chất này khỏi cơ thể qua đường tiêu hóa, nước tiểu- PV). Tuy nhiên, sau 1 ngày đêm điều trị tích cực, chất bilirubin vẫn không đào thải hết khỏi cơ thể của bé buộc các bác sĩ phải lựa chọn phương pháp thay máu.

Theo BS Nguyễn Minh Nguyệt, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, vàng da sơ sinh là hiện tượng sinh lý bình thường do các hồng cầu thai nhi bị phá huỷ để được thay thế bằng hồng cầu trưởng thành. Thông thường, sau sinh từ 3- 5 ngày, trẻ sẽ có biểu hiện vàng da. Đa số các trường hợp vàng da ở trẻ sơ sinh thường nhẹ và tự khỏi sau từ 7- 10 ngày, do lượng bilirubin được đào thải qua phân và nước tiểu. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp vàng da nặng do chất bilirubin tăng quá cao thấm vào não, khiến trẻ bị di chứng về tâm thần vận động hoặc tử vong nếu phát hiện muộn.
 
Ánh sáng của đèn neon sẽ biến chất bilirubin thành chất không độc
và thải qua đường nước tiểu. (Ảnh: CT)

Bú mẹ nhiều, trẻ bớt vàng da

Một trong những nguyên nhân luôn được các bác sĩ sản phụ cảnh báo về việc phát hiện muộn vàng da ở trẻ sơ sinh là do tập quán các bà mẹ thích nằm phòng tối vì sợ em bé chói mắt. Với độ sáng lờ mờ, các bà mẹ khó có thể phát hiện vàng da sớm ở trẻ em. Theo BS Đức Trí, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM, nhiều trường hợp nằm phòng tối nên không phát hiện sớm trẻ bị vàng da, khi phát hiện ra thì trẻ đã bị vàng da lan tới tận lòng bàn tay, bàn chân. Hậu quả là những em bé này sẽ phải chịu di chứng về tâm thần hoặc nặng hơn là tử vong.
 

Hàng ngày cần quan sát màu da trẻ dưới ánh sáng mặt trời để phát hiện vàng da. Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay, khi có một trong các dấu hiệu sau: Vàng da sớm trong 1 – 2 ngày đầu sau sinh; vàng da qua rốn, vàng da tới lòng bàn tay, bàn chân; vàng da kèm bú kém, bỏ bú, gồng người; vàng da kéo dài trên 15 ngày.

Cũng theo BS Đức Trí, với những trường hợp vàng da sớm trong 1 – 2 ngày đầu sau sinh hoặc vàng da nặng lan tới bàn tay, bàn chân cần được đưa đến cơ sở y tế kịp thời, vì đây không phải là vàng da sinh lý bình thường. Với những biểu hiện vàng da sớm này, thông thường sẽ không tự khỏi sau 1 tuần mà phải được điều trị tích cực bằng các biện pháp như chiếu đèn hoặc thay máu nếu trẻ bị vàng da quá nặng như: Vàng da đến lòng bàn tay, chân, bỏ bú, gồng mình. Trong trường hợp này, việc thay máu sẽ lấy nhanh chóng bilirubin ra khỏi cơ thể trẻ.
 
Để phát hiện sớm vàng da ở trẻ sơ sinh, các chuyên gia y tế khuyến cáo nên quan sát màu da toàn thân của trẻ nơi có đủ ánh sáng. Trong trường hợp da trẻ màu hồng hoặc màu đen, khó nhận biết vàng da thì ấn nhẹ ngón tay cái lên vùng da vài giây, sau đó buông tay ra. Nếu trẻ bị vàng da, sẽ thấy được màu da vàng thật sự ở nơi ấn ngón tay.
 
Nếu bị vàng da nhẹ ở mặt và thân, xuất hiện sau ngày thứ 3 sau sinh, trẻ vẫn bú tốt, sẽ tự khỏi sau từ 7- 10 ngày. Trong trường hợp này, cách điều trị tốt nhất là thường xuyên đặt trẻ gần cửa sổ, nơi có ánh nắng dịu của mặt trời. Hoặc cho trẻ bú nhiều lần trong ngày vì sữa mẹ giúp đào thải nhanh chất bilirubin qua đường tiêu hoá. Và tiếp tục theo dõi diễn tiến vàng da ở trẻ hàng ngày ít nhất từ 7- 10 ngày sau sinh.
 
Nếu trẻ vàng da sớm trong từ 1- 2 ngày sau sinh, da vàng sậm lan xuống tay chân thì cần phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
 
Theo Chí Thành
Gia đình
Chia sẻ