Bàn chuyện dạy con tự lập nhân chuyện 3 nữ sinh rủ nhau cùng chết

Theo PLTPHCM,
Chia sẻ

Từ việc 3 nữ sinh rủ nhau cùng chết, các bậc phụ huynh cần tự kiểm điểm cách dạy con tự lập.

Trong giai đoạn không còn là trẻ con nhưng chưa thành người lớn, trẻ cần sự quan tâm chăm sóc của gia đình, nhà trường và rào chắn bảo vệ của cộng đồng xã hội.

Sự kiện ba học sinh lớp 7 ở Đắk Nông tự tử là mất mát đau xót đáng tiếc. Nguyên nhân cụ thể còn chờ kết luận của cơ quan chức năng song với những thông tin hiện có, những kinh nghiệm gì cần rút ra cho cộng đồng xã hội, nhà trường và gia đình? Chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của các chuyên gia.

TS tâm lý THẠCH NGỌC YẾN, chuyên viên tư vấn Trung tâm CTXH trẻ em TP.HCM:

Cha mẹ, thầy cô cần gần gũi trẻ

Phụ huynh cần quan tâm trong việc chăm sóc con lứa tuổi lớp 4, lớp 5 và những năm đầu cấp hai. Có người vì bận bịu, có người nghĩ con mình đã lớn nên lơ là. Đó là một lối suy nghĩ chưa đúng. Đành rằng phải dạy cho trẻ cách tự lập ngay từ nhỏ nhưng không thể thiếu quan tâm đối với trẻ. Nên cho các cháu học gần nhà. Ban đầu đưa các cháu đi rồi để các cháu đi học một mình, bố mẹ âm thầm theo sát, sau một thời gian mới để trẻ tự đi lại. Nhưng vẫn phải quan tâm và kiểm soát các hành vi của trẻ bởi lứa tuổi đó đã bước vào giai đoạn khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì, dễ bị tác động bởi môi trường bên ngoài, phim ảnh xấu trên mạng. Buông trẻ ra để trẻ tự lập chứ không phải đẩy trẻ ra đời để trẻ tự quyết định mọi hành vi.


Dạy con tự lập ngay từ nhỏ nhưng không thể thiếu sự quan tâm đến trẻ. Ảnh: HTD

Ngày nay, trẻ ít có điều kiện thử thách, thiếu kỹ năng ứng phó với những thất bại đầu đời. Nhiều cơ sở, nhiều người đã đưa giáo dục kỹ năng sống như là một phương pháp, một lối thoát. Tuy nhiên, giáo dục kỹ năng sống là một phạm trù khá rộng để giúp trẻ ứng phó với những thất bại, nên ngoài giáo dục kỹ năng sống, cần phải gần gũi hơn với trẻ, bố mẹ cần phải ngọt ngào, nhẹ nhàng trao đổi cũng như biết ôm con khi trẻ cần. Có lúc trẻ có thể cảm thấy khó chịu nhưng trong sâu lắng của trẻ vẫn cần được sự ôm ấp từ những bậc làm bố, làm mẹ. Bố mẹ cần tránh tình trạng đua chen với cuộc sống một cách quá mức mà không có thời gian dành cho trẻ. Đành rằng cuộc sống ai cũng cần mưu sinh, cần đua chen, nhà nghèo mưu sinh, đua chen kiểu nhà nghèo, nhà giàu mưu sinh, đua chen theo kiểu nhà giàu. Tuy nhiên, phải cần nhìn lại giá trị sống đích thực để biết chăm lo hơn cho con cái, đừng để hối hận khi phải nói hai chữ “giá như”.

Trong trường hợp này, việc các em tìm đến cách viết nhật ký “Những bí mật không thể bật mí” để trải lòng là dấu hiệu cho thấy các em bế tắc, không biết thổ lộ với ai. Sự việc và ý định tự tử của các em kéo dài khá lâu, không phải ngày một, ngày hai nên nếu gia đình, thầy cô sớm nhận ra vấn đề, giúp các em tự biết cách hóa giải thì hậu quả đáng tiếc đã không xảy ra.

Thời gian gần đây, các ca tự tử đều dính dáng nhiều tới giáo dục, phải chăng cần phải chăm sóc tốt hơn cho lực lượng sư phạm để các thầy cô có nhiều thời gian gần gũi với các em hơn cuộc sống mưu sinh thường nhật. Không thể chấp nhận chuyện chai nước nghi có độc được các bạn đổ rồi mà các thầy cô không biết, không nghe báo cáo. Phải chăng em còn ngần ngại khi chia sẻ, còn thầy cô quá ít thời gian gần gũi với học sinh.

Ở lứa tuổi của các em rất cần sự gần gũi quan tâm, đừng hù dọa hay thách thức các em bởi các em rất dễ liều lĩnh theo kiểu “tôi chết cho mọi người biết”. Cần phải biết rằng đối với nhóm trẻ thích bùng nổ, nếu có vấn đề khó khăn về mặt tâm lý, các em thường thích đánh nhau hay bỏ nhà ra đi để tự giải tỏa cảm xúc. Còn đối với nhóm trẻ học giỏi, ít nói, hiền ngoan, các em thường chọn cái chết hay tự hành hạ bản thân mình trước những thất bại nhằm giúp ai đó tự bừng tỉnh ra. Nhiều em học giỏi, có cá tính thường chọn cái chết để chống đối lại những quyết định của người lớn.

Các em cũng cần được hướng dẫn cách giúp đỡ nhau và biết cách kêu gọi sự giúp đỡ của người lớn. Các bạn học của ba nữ sinh chưa ý thức và chưa biết cách hành động đúng mức để giúp bạn. Ngoài việc giành vứt chai nước nghi có thuốc độc, cần phải báo lại cho thầy cô, phụ huynh học sinh để sớm tìm hiểu nguyên do. Nếu các thầy cô sớm phát hiện ra ý định tự tử của các em học sinh ngay từ lần đầu tiên thì có thể sự việc đã khác.

Ở một tầm rộng hơn, cần có sự quan tâm, bảo vệ của toàn xã hội với các em bằng các định chế và định hướng cụ thể. Thí dụ, một bài học lớn cần phải rút ra đối với người lớn đó chính là cách quản lý các loại thuốc Tây, thuốc trừ sâu đối với trẻ. Bởi việc dễ dàng sở hữu các loại thuốc này cũng gia tăng điều kiện cho các em dễ dàng tìm đến cái chết. Bố mẹ không nên để các loại thuốc độc trong nhà, nếu có phải cất kín. Tuyệt đối không nên sai khiến trẻ đi mua các loại thuốc trừ sâu. Người bán cũng không nên bán thuốc trừ sâu hay các loại thuốc độc khác cho trẻ.

Ngày nay, báo chí, các trang mạng xã hội, Internet thường đưa những hình ảnh đánh nhau, tiêu cực, thậm chí có những trang còn dạy cách tự tử, chết giả khiến trẻ học theo với một tâm lý “thử xem sao”, “bạn dám chết, sao mình không dám”… khiến trẻ học theo và làm thử nên khi đưa những thông tin mang tính định hướng như thế cũng cần cân nhắc kỹ càng. Đưa nhiều thông tin quá mà không có định hướng, chọn lọc sẽ khiến trẻ dễ học theo mà thôi.

LÊ KHANH, chuyên gia tâm lý trẻ em:

Nếu lắng nghe, có thể nhận biết được

Nếu thường xuyên quan tâm và để ý đến trẻ, ta có thể nhận biết dấu hiệu trẻ đang có ý định tự tử hay bất bình thường về tâm lý: Trẻ thường thay đổi cách ứng xử, ví dụ từ một đứa trẻ bình thường ngoan ngoãn bỗng tỏ ra bất cần, khó chịu, hay cãi lời người lớn và thường bỏ đi lúc người lớn đang nói chuyện hoặc ngược lại, từ một đứa trẻ bướng bỉnh trở nên ngoan ngoãn, luôn nghe lời và làm theo bất kỳ những gì người lớn cần. Ngoài ra, trong ngôn từ của trẻ thường có những câu cô đơn, buồn chán và hay oán trách một người nào đó. Mặt khác, trẻ ít trao đổi, nói chuyện với gia đình và ít tiếp xúc với mọi người, tự tạo cho mình một khoảng cách, một không gian riêng. Những đứa trẻ thường muốn tìm đến cái chết đa phần là do khó thích nghi với sự thay đổi trong cuộc sống hằng ngày, bị sốc với những hành động, ứng xử của người lớn.

Chia sẻ