Bác sĩ chia sẻ cách phòng ngừa táo bón cho trẻ

Saga,
Chia sẻ

Những chia sẻ của PGS. TS. BS. Nguyễn Anh Tuấn – Phó Chủ nhiệm Bộ môn Nhi, Đại Học Y Dược TP. HCM sẽ giúp phụ huynh hiểu hơn về chứng táo bón ở trẻ.

Chứng táo bón kéo dài rất thường gặp ở trẻ em, chiếm khoảng 3-5% nguyên nhân trẻ đến khám tại phòng khám. Trẻ táo bón kéo dài không những gặp khó khăn khi đi tiêu mà còn ảnh hưởng đến giấc ngủ và gây suy dinh dưỡng cho trẻ. Do đó, phòng ngừa táo bón là một việc làm hết sức cần thiết.

Để táo bón không còn là nỗi lo của cả nhà

Làm sao để nhận biết bé bị táo bón?

Táo bón là khi bé đi tiêu thưa thớt (dưới 3 lần mỗi tuần) hoặc đi tiêu khó khăn và gây ra sự khó chịu, căng thẳng khi đi tiêu (phân cứng, rặn đau, ngồi lâu, tiêu khó khăn, đôi khi chảy máu hậu môn,…). Ước tính hầu như bé nào cũng có ít nhất 1 lần bị táo bón, nhưng chỉ thoáng qua rồi hết. Những bé bị táo bón kéo dài vài tuần lễ được gọi là táo bón mạn tính và cần những sự chăm sóc toàn diện từ chế độ ăn, chế độ sinh hoạt, trấn an tâm lý và sử dụng thuốc.

Ngoài việc đếm số lần đi tiêu trong 1 tuần và xem tính chất phân như đã nói ở trên, các bé bị táo bón còn có nhiều biểu hiện khác, đôi khi bị lầm với các rối loạn khác. Các bé có thể biểu hiện chướng bụng, đau bụng, hoặc biếng ăn, chậm lên cân. Đôi khi có bé lại bị chẩn đoán nhầm là tiêu chảy vì phụ huynh tình cờ phát hiện có ít phân lỏng dính ở đáy quần của bé mà bé hoàn toàn không hay biết (triệu chứng này gọi là són phân hay ỉa đùn, là một biểu hiện của tình trạng táo bón kéo dài). Ngoài ra, một số bé có biểu hiện “nín nhịn”, không chịu đi tiêu như ngồi xổm, gồng cứng người, bắt chéo 2 chân, hay đỏ mặt hoặc bấu chặt vào mẹ, v.v…

Tuổi nào ở trẻ em thường mắc táo bón?

Có 3 thời điểm táo bón dễ xảy ra với các bé: (1) lúc chuyển từ chế độ ăn lỏng sang đặc (ăn dặm), (2) lúc bé tập ngồi bô một mình (tuổi biết đi), và (3) lúc bé bắt đầu đến trường (mẫu giáo, tiểu học).

Làm sao để bé hết táo bón?

Việc điều trị táo bón trước tiên đòi hỏi cha mẹ phải hết sức kiên nhẫn vì táo bón không hết nhanh như các bệnh cảm sốt thông thường và các bé cũng ít chịu hợp tác tốt. Điều trị táo bón phải kết hợp giữa sự thay đổi chế độ ăn uống, thói quen đi tiêu, hoạt động thể chất với việc dùng thuốc, nếu có. Đôi khi việc điều trị táo bón phải cần đến chuyên gia tâm lý nữa.

 

Tập luyện thói quen đi tiêu hàng ngày là một điều quan trọng, vừa giúp bé có phản xạ đi tiêu, vừa giúp loại bỏ phân không để ứ quá lâu trong trực tràng. Hàng ngày bé nên được tập đi tiêu một hay nhiều lần vào những giờ nhất định nào đó, nếu sau 15 phút bé không cảm thấy mắc cầu thì thôi, lặp lại vào hôm sau. Hãy khen nếu bé chịu vào nhà vệ sinh hoặc ngồi bô đi tiêu và kịp thời có những phần thưởng nho nhỏ khi bé tự đi tiêu được.

Đối với bé nhỏ dưới 6 tháng tuổi, các phụ huynh có thể massage bụng cho bé mỗi ngày. Chọn lúc bé chưa bú, bụng còn trống, lý tưởng nhất là sau khi tắm. Đặt bé nằm ngửa, chúng ta xoa dầu massage vào tay và massage bụng của bé, quanh rốn và theo chiều kim đồng hồ. Động tác này có thể giúp bé đi cầu thường xuyên hơn.

Chất xơ và nước uống là 2 yếu tố quan trọng khác. Các thức ăn chứa nhiều chất xơ như trái cây, rau tươi và các loại bột ngũ cốc nguyên cám (các loại bột ngũ cốc ăn sáng, bánh mì đen,…) cần nên hiện diện trong bữa ăn hàng ngày của bé. Trẻ em lại ít chịu ăn rau quả nên là một trở ngại lớn, cần phải có sự hỗ trợ, khuyến khích của cha mẹ. Nước chín, nước ép trái cây là những loại nước hữu ích trong việc điều trị táo bón. Bé cần được uống đủ nhu cầu nước mỗi ngày, nhất là ở những nước có khí hậu nóng như nước ta.

Khuyến khích bé hoạt động thể lực, tránh ngồi yên một chỗ cũng là một biện pháp giúp tăng cường nhu động ruột, tránh táo bón.

Khuyến khích bé hoạt động thể lực

Nếu việc thay đổi chế độ ăn, thói quen sinh hoạt nêu trên vẫn chưa mang lại hiệu quả cần thiết thì khi bé bị táo bón, thuốc là biện pháp cần thiết để mang lại thành công cho việc điều trị. Một loại thuốc chứa hoạt chất lactulose được các Bác sĩ ưa dùng cho trẻ em vì đã chứng minh được tính hiệu quả và an toàn. Lactulose giúp làm mềm phân, dễ đi tiêu và còn giúp duy trì các vi khuẩn có lợi trong đường ruột của trẻ.

Để tham khảo thêm thông tin liên quan đến táo bón ở trẻ em, hãy truy cập www.taobontreem.com.

Tài liệu tham khảo:

1. Bardisa-Ezcura and Guideline Development Group. BMJ. 2010; 340:c2585;

2. Greg Rubin and Anne Dale.BMJ. 2006; 333:1051;

3. Constipation guidelines of the Committee of the NASPGHAN. J Pediatr Gastroenterol Nutr 2006; 43(3):e1-13;

4. Biggs WS and Dery WH. Am Fam Physician. 2006; 73:469-477;

5. Tabbers, et al. JPGN. 2014; 58:258-274;

6. Ballongue J, et al. Scand J Gastroenterol. 1997; 32(Suppl 222):41-44;

7. Robert Wyllie, et al. Section 2; Chapter 12: p131. Pediatric Gastrointestinal and Liver Disease (Fourth Edition). 2011.

Chia sẻ