Bà bầu siêu âm bao nhiêu lần là đủ?

T. H,
Chia sẻ

Mặc dù chưa có kết luận chính xác nhất về chuyện siêu âm có ảnh hưởng gì đến sự phát triển của thai nhi hay không nhưng các bác sĩ chuyên khoa khuyên các mẹ khi mang bầu đừng từ chối siêu âm.

Trong nhóm 5 đứa con gái chúng tôi chơi với nhau thì Thanh là đứa kết hôn sau cùng. Nhưng nó lại là đứa "nhạy" nhất vì vừa cưới được 2 tuần đã nhận được tin vui có bầu, trong khi chúng tôi đứa thì vài ba tháng mới có, đứa thì đến cả năm nay chưa thấy gì. Từ ngày có thai, chúng tôi cũng ít gặp Thanh hơn, vì cứ cuối tuần lên kế hoạch gặp nhau là thế nào Thanh cũng từ chối vì... còn phải đi siêu âm. Người ta cả tháng mới đi siêu âm một lần, còn Thanh thì cứ mỗi tuần đi một lần, tuần nào rảnh rỗi còn đi những 2-3 lần mà vẫn không thấy chán. Cõ lẽ vì mãi mới lấy chồng có con nên có vẻ Thanh rất sốt sắng lo cho em bé, vừa lo em bé không biết có lớn không, vừa muốn nhìn thấy em bé mà gần như không tuần nào Thanh không đi siêu âm. Cứ nghe ai mách ở đâu có bác sĩ giỏi là Thanh phải đến siêu âm cho bằng được, cho dù ở đâu các bác sĩ cũng kết luận: Em bé bình thường.

Trái ngược với Thanh, Thảo lại là người rất ít siêu âm em bé trong suốt kì mang thai em bé đầu lòng. Thảo bảo: "Cần gì phải siêu âm nhiều, bác sĩ bảo chỉ cần siêu âm 3 giai đoạn 12 tuần, 22 tuần và 32 tuần là được. Hơn nữa, mình ăn tốt, không mệt mỏi, bụng lại to hơn những chị em bầu bí khác trong phòng thì lo gì em bé không lớn...". Bàng quan hơn, Thảo còn cho rằng: "Những tình huống xấu xảy ra với em bé như trên mạng là xảy ra với người khác thôi chứ không phải với mình đâu, nên không phải lo, không siêu âm làm gì cho mất thời gian".


Việc siêu âm trong khi mang thai là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các mẹ. Mặc dù chưa có kết luận chính xác nhất về chuyện siêu âm khi mang thai có ảnh hưởng gì đến sự phát triển của thai nhi hay không nhưng các bác sĩ chuyên khoa vẫn khuyên các mẹ khi mang bầu đừng nên từ chối việc siêu âm. Siêu âm là một trong những phương pháp chẩn đoán trước sinh nhằm giữ an toàn cho bà mẹ, em bé. Tác dụng chính của siêu âm là để phát hiện sớm những dị tật, biến chứng nếu có của thai nhi. Sau này, khi nhiều dịch vụ siêu âm phát triển, những bức hình của em bé trong bụng mẹ còn được chụp ra hoặc quay thành video để cha mẹ giữ làm kỷ niệm.

Trước đây, theo ý kiến của nhiều bác sĩ chuyên khoa thì việc siêu âm để biết em bé phát triển như thế nào cũng là tốt, nhưng trong suốt thai kì không nhất thiết phải siêu âm liên tục một tuần một lần hoặc một tháng một lần. Các mẹ chỉ cần siêu âm tối thiểu ở những thời điểm sau:

- Khi phát hiện trễ kinh: Siêu âm để xem có thai hay không, thai nằm trong hay ngoài tử cung, thai bình thường hay bệnh lý như thai trứng, số lượng thai, xem có những khối u của tử cung và buồng trứng hay không.

- Tuổi thai từ 11-13 tuần sáu ngày: Siêu âm đo độ mờ da gáy thai nhi. Dựa vào đó bác sĩ tiên lượng được nguy cơ hội chứng Down của thai kỳ.

- Tuổi thai 21-25 tuần: Siêu âm khảo sát hình thái thai nhi. Thời điểm này có thể quan sát kỹ các phần của thai nhi. Từ đó phát hiện được những dị tật bẩm sinh nếu có.

- Tuổi thai 32-36 tuần: Siêu âm đánh giá sự phát triển thai nhi có phù hợp với tuổi thai hay không, xác định ngôi thai, vị trí bánh nhau, lượng nước ối.

- Đến ngày sinh: Một lần nữa xác định tình trạng thai, ngôi thai, ước lượng cân nặng thai nhi, lượng nước ối, vị trí nhau, từ đó tiên lượng cho cuộc sinh dễ hay khó.

Ngày nay, y học tiến bộ, hình ảnh siêu âm sẽ giúp các bác sĩ chẩn đoán về tình trạng thai nhi tốt hơn rất nhiều, dễ dàng phát hiện các dị tật thai nhi ở những tuần thai sớm nhất có thể. Vậy nên, số lần siêu âm thai không giống nhau ở các thai phụ. Ngoài những thời điểm buộc phải siêu âm là (sau khi trễ kinh, 11-13 tuần, 21-25 tuần, 32-36 tuần), những thai phụ nào có những dấu hiệu bất thường thì phải đi siêu âm liên tục hơn và phải theo chỉ định của bác sĩ.

Chia sẻ