Áp lực đầu đời

,
Chia sẻ

Khi đón con, mẹ được cô giáo thông báo sẽ chọn con vào “đội tuyển” đi thi bé khỏe bé ngoan, nhờ phụ huynh về nhà “ôn tập” thêm theo đề cương.

Mẹ nghe mà mát ruột, bởi trong lớp chỉ có ba bạn được chọn. Ở lớp, ngoài giờ sinh hoạt chung, con còn phải dành thời gian để “luyện thi”. Về nhà, theo lời cô dặn, mẹ cũng bắt con “ôn bài” thêm cho thuộc lòng.

Cu Bi của mẹ vốn có khiếu về âm nhạc. Nghe nhạc quảng cáo, nhạc phim hoạt hình hay nhạc phim chiếu trên tivi… chỉ cần vài lần là con đã thuộc, có thể hát theo (con còn hát karaoke được mấy bài hát thiếu nhi, hát rất đúng giai điệu dù chưa biết đọc chữ). Đi học, cô dạy bài thơ, bài hát nào là về nhà con hát, đọc lại cho cả nhà nghe (chỉ có điều con còn bị ngọng một số chữ).

Nhưng, đề cương thi có thêm một số bài hát, bài thơ mới nên mẹ phải “dò bài” thêm cho con trước khi đi ngủ. Gần hai tháng trời, hai mẹ con tập trung cao độ cho kỳ thi nên mẹ ít đưa con đi chơi công viên…

Để bù đắp cho con, mẹ hứa sẽ cho con đi chơi cả tuần.

Ngày thi cũng đến. Con mặc bộ quần áo mới, ngồi chỉnh tề cùng các bạn đủ lứa tuổi, chờ đến lượt thi. Mẹ đứng dưới hội trường, không dám để con thấy, sợ con sẽ đòi mẹ. Con ngồi xem các bạn thi chăm chú. Khi nghe gọi tên, con nhanh chân bước lên sân khấu, bốc thăm, trả lời câu hỏi cô đọc. Mặc dù giọng nói con phát âm chưa chuẩn, còn ngọng nghịu, nhưng con đã hoàn thành phần thi thật xuất sắc.

Chiều đón con về, cả nhà xúm vào hỏi thăm xem con “thi cử” thế nào, con mắc cỡ nói “Bi hết thi rồi”. Tối, con bóp bóp trán kêu nhức đầu. Mẹ sờ trán thấy con sốt nhẹ, vẻ uể oải, mệt mỏi, không dậy chơi đùa như mọi ngày. Mẹ lo quá, đưa con đi khám. Sau kiểm tra kỹ bác sĩ nói con bị “dồn ép bài vở” nên mệt mỏi chứ không có bệnh gì. Thì ra, bấy lâu nay ngày nào cũng “ôn thi” nên con căng thẳng đầu óc, bị áp lực tâm lý.

Mẹ thương con trai quá, mới tí tuổi đầu mà đã phải chịu “áp lực thi cử”. Để bù đắp cho con, mẹ hứa sẽ cho con đi chơi cả tuần, con nghe thế mừng lắm, cứ rối rít cảm ơn mẹ. 

Theo Phunuonline
Chia sẻ