7 trường hợp không nên tập thể dục sau khi sinh con

Tú Linh,
Chia sẻ

Nếu gặp phải những hiện tượng này sau khi sinh con, bạn cần phải ngừng ngay việc tập thể dục của mình.

Tập thể dục sau khi sinh con là một việc làm mà rất nhiều bà mẹ muốn thực hiện. Có rất nhiều lý do bà mẹ đưa ra khi theo đuổi chuyện này: 

Chị Huyền Thương (Ba Đình, Hà Nội) là một ví dụ. Ngay từ sau khi sinh con, việc đầu tiên chị tìm đến đó là tới những phòng tập gym. Chị làm trong lĩnh vực thời trang, với chị phom người, dáng người là điều vô cùng quan trọng, chị biết con cái là của trời cho song dáng người cũng rất cần thiết, dáng người đẹp vừa để tự tin trở lại công việc và hai là tự tin trước chồng mình. 

Còn chị Tâm Lan (Võ Thị Sáu, Hà Nội) lại tìm đến tập thể dục như là một cách để xả strees sau cả ngày vật lộn trông con, chị cho rằng: "Tập thể dục sẽ mang lại cho mình một sức khỏe tốt hơn cả và điều này sẽ khiến mình thoải mái hơn". Các chuyên gia y tế luôn khuyên chị em nên tham gia tập thể dục trước và sau khi sinh con bởi lợi ích mà tập thể dục mang lại là rất nhiều.

Đối với phụ nữ đẻ thường thì sau khoảng 2 tháng mới nên bắt đầu tập thể dục để lấy lại vóc dáng, nên tập từ từ dần dần những động tác đơn giản nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe và sức chịu đựng của bản thân, sau đó mới dần dần tập với cường độ tăng dần, tránh tập quá sức ảnh hưởng tới cơ thể.

Đối với phụ nữ đẻ mổ thì thời gian có thể tập thể dục có thể kéo dài hơn so với bình thường tùy theo sức khỏe và sự hồi phục của vết mổ. Khi mới tập tránh tập những động tác căng cơ bụng khiến ảnh hưởng tới vết mổ, còn nếu vết mổ lâu lành thì đợi thêm một thời gian ưnã hãy bắt đầu tập thể dục. Những động tác thể dục cần nhẹ nhàng từ tốn, tránh tập những động tác căng cơ bụng mạnh mẽ gây ảnh hưởng tới vết mổ.

Tuy nhiên nếu sau thời gian đã được khuyến cáo trên, nếu bạn vẫn gặp phải các vấn đề dưới đây thì cách tốt nhất là nên hoãn tập thể dục thêm một thời gian nữa:

Sốt

Tập thể dục khi bạn đang không được khỏe, bạn bị bệnh hoặc bị nhiễm trùng là một ý tưởng hoàn toàn điên rồ. Sốt là một dấu hiệu cảnh báo sức khỏe của bạn đang gặp vấn đề và cần phải được nghỉ ngơi, việc tập thể dục sẽ không khiến bạn khỏe lên ngay được mà ngược lại điều này càng khiến bạn thêm mệt mỏi.

7 trường hợp không nên tập thể dục sau khi sinh con 1
Nếu cảm thấy mệt mỏi, bạn cần phải ngừng ngay việc tập thể dục của mình (Ảnh minh họa)

Khi bạn thấy trong người không được khỏe

Các chuyên gia y tế ở đại học Harvard cho rằng bạn nên tránh xa những hoạt động tập thể dục sau khi sinh nếu bạn gặp phải những hiện tượng buồn nôn, cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, ngất xỉu hoặc khó thở.

Các vấn đề về bàng quang

Nếu bạn gặp khó khăn đi đi tiểu hoặc đau khi đi tiểu thì bạn cũng nên tạm gác lại hoạt động này. Nếu sau 4 - 6 tuần, bạn vẫn bị rò rỉ nước tiểu, bạn cần phải tránh tập thể dục cho đến khi bạn đã được bác sĩ thăm khám và cho lời khuyên. Bởi nếu không cẩn thận, việc luyện tập sẽ khiến các vấn đề về bàng quang của bạn trở nên nghiêm trọng hơn.

Vẫn đau sau mổ đẻ

Những trường hợp chị em mổ đẻ luôn được các y bác sĩ khuyên nên chú ý vận động nhẹ nhàng song nhiều người lại vẫn cố gắng tập thể dục với cường độ cao những mong lấy lại nhanh vóc dáng. Chị em nên nghỉ ngơi thời gian đầu và trước khi tham gia vận động thể dục nên tham khảo ý kiến bác sĩ. 

Chân của bạn gặp vấn đề

Nếu bạn ấn vào các vị trí trên chân thấy có điểm đau, điểm đỏ tấy, sưng thì bạn cần chú ý bởi đây có thể là một dấu hiệu cho thấy bạn đang bị huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT). Đây là một chứng bệnh có liên quan đến tình trạng máu đóng cục trong các tĩnh mạch nằm sâu bên trong cơ thể của bạn, thường gặp nhất là các tĩnh mạch ở chân. Đó là một lý do để bạn phải gặp bác sĩ hoặc nữ hộ sinh của bạn, nếu bạn bị chứng bệnh này, bạn cần tránh tuyệt đối tập thể dục. 

Đau tức ngực

Nếu ngực của bạn bị căng sữa, đau, đỏ hoặc sưng lên, bạn có thể có viêm vú hoặc viêm tuyến sữa. Bạn nên tránh tập thể dục khi các dấu hiệu cảnh báo sau khi sinh này có mặt.

7 trường hợp không nên tập thể dục sau khi sinh con 2
Trước khi tập thể dục, bạn cần lắng nghe ý kiến của bác sĩ (Ảnh minh họa)

Đau

Nếu bạn chỉ đơn giản là cảm thấy không khỏe hoặc bị đau ở đâu đó trong cơ thể, bạn cần tránh xa tập thể dục. Nếu cơn đau không kéo dài, bạn có thể hỏi bác sĩ của mình về những lý do. 

Tóm lại, trước khi tập thể dục, bạn cần lắng nghe ý kiến của bác sĩ hoặc lắng nghe tiếng nói của cơ thể mình để biết sức mình hiện tại như thế nào và bạn cần phải nắm rõ được tập thể dục thế nào là an toàn cho chính bản thân mình. 



Việc tập thể dục đúng cách rất tốt cho mẹ và bé, tuy nhiên, có những lầm tưởng về tập thể dục khi mang thai gây không ít lo lắng, phiền toái cho bạn
7 trường hợp không nên tập thể dục sau khi sinh con 3
Chia sẻ