6 quan điểm sai lầm về việc học của trẻ mầm non

Admicro - Tố Uyên,
Chia sẻ

Cùng tham khảo 6 quan điểm sai lầm về việc học của trẻ nhỏ trong một công trình nghiên cứu và thực nghiệm hơn ba thập niên mang tên "Phương án 0 tuổi".

Ngày nay các bậc cha mẹ do chỉ có từ một đến hai con nên đã đầu tư rất nhiều cho con. Tuy nhiên nhiều phụ huynh vẫn quan niệm hãy đợi cho con đến 3 tuổi rồi mới đi học, trẻ còn nhỏ thì biết gì mà học, giải thích làm sao trẻ hiểu được, hoặc đi học sớm là đánh cắp tuổi thơ của trẻ... Dưới đây là đúc kết 6 quan điểm sai lầm về việc học của trẻ nhỏ trong một công trình nghiên cứu và thực nghiệm hơn ba thập niên mang tên "Phương án 0 tuổi".

1. Sai lầm về độ tuổi trước khi đi học.

Nhiều bậc phụ huynh cho rằng những đứa trẻ chưa đến độ tuổi đi học thì trách nhiệm của cha mẹ là làm sao để cho con ăn no ngủ kĩ, khỏe mạnh và vui tươi, mà hoàn toàn không biết rằng trẻ nhỏ có khả năng tiếp thu kiến thức rất nhanh, chúng có thể giải quyết những vấn đề khó khăn như học đứng thẳng và đi lại, điều khiển chân tay, nhận biết vạn vật, nắm vững ngôn ngữ, phát triển các phẩm chất tâm lý. Hơn nữa, khoảng 95% các khái niệm tri thức mà con người học được trong cả cuộc đời được học trước 5 tuổi. Vì vậy cha mẹ cần phải nhìn nhận lại trẻ nhỏ.
 
6 quan điểm sai lầm về việc học của trẻ mầm non 1

2. Sai lầm về lý giải.

Việc giáo dục sau tiểu học cần phải lấy việc lý giải ký ức làm chính. Đó là điều không phải bàn cãi nhưng ghi nhớ một cách máy móc chính là quá trình phát triển tất yếu về tâm lý của mỗi đứa trẻ. Một số phụ huynh lấy lý do là con mình còn nhỏ chưa hiểu biết để ngăn cấm trẻ tiếp cận với tri thức. Đó là điều rất phiến diện. Thực ra trẻ nhỏ có bản năng ghi nhớ một cách máy móc. Bộ não đang còn trống của chúng cần phải được lấp đầy. Việc học nói, học hát, đọc thuộc lòng các bài thơ, ca dao, đồng dao đều là từ chỗ không lý giải đến lý giải. Làm gì có ai hiểu ca khúc rồi mới nghe ca khúc đó.

3. Sai lầm về quan niệm dễ và khó.

Người lớn thường mang quan niệm về dễ khó của mình áp đặt cho trẻ nhỏ, cho rằng dạy cho trẻ những thứ dễ một chút còn được, khó hơn một chút là chúng sẽ không hiểu. Điều này gây nên hậu quả là đã gò bó sự phát triển của trẻ. Thực ra trẻ nhỏ hoàn toàn không có quan niệm về khó và dễ, trong mắt chúng cứ tò mò thì khám phá, chán thì lại bỏ chứ chẳng hề có sự phân biệt giữa khó và dễ.

4. Sai lầm về quan niệm sướng khổ.

Miệt mài “mười năm đèn sách”, “khổ luyện thành tài” - quan niệm truyền thống hàng nghìn năm nay luôn cho rằng học tập là một việc gian khổ. Có những ông bố bà mẹ sợ làm khổ con mình đã chọn con đường “chỉ chơi mà không học”. Trao đổi về điều này, ThS. Nguyễn Thị Liên Khương, Tổng Giám đốc Hệ thống Trường Mầm non Quốc tế Saigon Academy nhấn mạnh rằng, thực ra việc học và chơi trong giáo dục trẻ từ 0 đến 6 tuổi có tính thống nhất: “học một cách lý thú chính là chơi; chơi một cách có ích chính là học”. 

Chọn việc học một cách lý thú chứ không phải là học một cách cứng nhắc, chọn việc chơi một cách có ích chứ không phải là chơi một cách vô bổ. Thêm vào đó, sự tác động của môi trường và những tấm gương chính là sự giáo dục tốt nhất cho trẻ. Đó chính là phương pháp giáo dục sớm theo "Phương án 0 tuổi" đang được tiên phong áp dụng tại trường mầm non này.
 
6 quan điểm sai lầm về việc học của trẻ mầm non 2

5. Sai lầm về nhân tài bạc mệnh.

Rất nhiều ông bố bà mẹ vừa mừng vừa lo khi con mình thông minh sớm, lo điều đó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của con vì trẻ sẽ phải hoạt động trí não quá sức. Thực ra trí não của trẻ không phải chịu tác động của áp lực bên ngoài mà chính là do sự tò mò, cảm hứng và nhu cầu về đời sống tinh thần thôi thúc. Nếu như trẻ thực sự mệt mỏi, nó sẽ ngáp, sẽ ngủ và sẽ “đóng cửa” bộ não một cách rất tự nhiên, có ép cũng không được. Bạn đã từng thấy một đứa trẻ sơ sinh mắc bệnh thần kinh suy nhược và chứng mất ngủ chưa?

6. Sai lầm về hệ thống.

Có quan điểm cho rằng giáo dục nhất định phải là truyền thụ có hệ thống từng bước, từng bước một theo một quy trình mà hoàn toàn không biết rằng giáo dục sớm một cách tốt nhất chính là việc tích lũy từ cuộc sống muôn màu, là sự hun đúc tình cảm trong sáng, lành mạnh. ThS. Nguyễn Thị Liên Khương cho biết thêm, mục đích cơ bản của giáo dục sớm theo "Phương án 0 tuổi" chính là thúc đẩy tâm sinh lí của trẻ nhỏ phát triển một cách lành mạnh, giúp chúng có một cơ thể cân đối, có một trí tuệ siêu phàm, một tính cách ưu việt và có chí khí. Bố mẹ không hi vọng con mình sẽ thua ngay ở vạch xuất phát. Cần phải tạo cho con một bước khởi đầu tốt và một ưu thế mạnh. Tiêu chuẩn của tính cách ưu việt là vui tươi, hoạt bát, bình tĩnh chuyên tâm, dũng cảm, tự tin, chuyên cần, lương thiện, có tính tự lập và tinh thần sáng tạo. Điều này sẽ đem đến cho trẻ một cuộc sống tươi đẹp.
Chia sẻ