6 lời khuyên khi nói chuyện với trẻ về người khuyết tật

Hoàng Phương,
Chia sẻ

Bất cứ đứa trẻ rồi cũng sẽ quen biết hoặc đơn giản là bắt gặp một người khuyết tật trong cuộc sống. Bé sẽ có những thắc mắc và việc chuẩn bị để trả lời bé về vấn đề này một cách cởi mở và trung thực là vô cùng quan trọng.

Đó có thể là một người bạn bị tự kỉ trong lớp học, một người quen bị bệnh teo cơ, không thể đi lại bình thường. Bất cứ đứa trẻ rồi cũng sẽ quen biết hoặc đơn giản là bắt gặp một người khuyết tật trong cuộc sống. Bé sẽ có những thắc mắc muốn hỏi cha mẹ. Dù là trong tình huống nào đi chăng nữa, việc chuẩn bị để trả lời bé về vấn đề này một cách cởi mở và trung thực là vô cùng quan trọng. Những lời khuyên dưới đây sẽ hướng dẫn cha mẹ cách để nói chuyện với bé về người khuyết tật.
 
Giải thích theo hướng tích cực

Trẻ em, đặc biệt là những bé nhỏ, vốn dĩ rất tò mò. Đây là điều hoàn toàn tự nhiên của một con người. Vì vậy, khi bắt gặp một người khuyết tật, bản năng sẽ mách bảo trẻ thắc mắc về người đó. Nếu mẹ thấy bé đang chăm chăm nhìn một người khuyết tật, hãy chủ động bắt đầu nói chuyện với bé về vấn đề này. Điều cần tránh là giải thích một cách quá chi tiết. Một mô tả ngắn gọn và thực tế sẽ là câu trả lời tốt nhất. Cách mẹ giải thích không xen những biểu lộ cảm xúc sẽ giúp trẻ hiểu việc bị khuyết tật không có gì phải xấu hổ cả.

Ví dụ như khi trẻ gặp một người bị teo cơ ngồi xe lăn, mẹ có thể chủ động hỏi chuyện bé: Mẹ thấy con nhìn cô bé ngồi trên xe lăn. Chắc con thắc mắc tại sao bạn ấy lại cần dùng nó đúng không? Cơ thể mỗi người sẽ khác nhau một ít. Đối với cô bé ấy, chiếc xe giúp cô bé di chuyển, cũng như đôi chân của con vậy.

Cố gắng giải thích theo hướng tích cực. Ví dụ: máy trợ thính giúp bác đó nghe được, chiếc xe lăn giúp bạn ấy di chuyển được. Thay vì dùng những câu mang ý nghĩa tiêu cực như: bác đó không đi được, bạn ấy không thể nghe…

6 lời khuyên khi nói chuyện với trẻ về người khuyết tật 1

Nói chuyện một cách tôn trọng

Trẻ em cũng như những miếng xốp thấm nước, bé sẽ học hỏi từ những điều xung quanh. Khi cha mẹ nói chuyện với những người khuyết tật, việc tránh dùng những lời lẽ miệt thị là rất quan trọng. Thay các từ ngữ có tính xúc phạm như “liệt”, “chậm phát triển”, “lùn”,… bằng các từ như “người sử dụng xe lăn”, “anh ấy gặp khó khăn trong việc học tập”, “người nhỏ con”,… Không dùng lời lẽ để nói khuyết tật như một mô tả cá nhân. Ví dụ, thay vì “đứa bị tự kỉ đó” thì nên dùng câu “một đứa nhỏ có chứng tự kỉ”.

Suy nghĩ và tìm hiểu những thuật ngữ mô tả tích cực về khuyết tật sẽ là một chuẩn bị cần thiết để giải thích cho trẻ khi cần thiết.

Nhấn mạnh những điểm tương đồng

Điều quan trọng là làm cho trẻ hiểu người khuyết tật cũng giống như bất kỳ ai. Họ có cảm xúc, cũng muốn được vui chơi, được yêu thương gia đình, cũng có môn thể thao yêu thích của riêng mình. Chú ý tách biệt đặc điểm khuyết tật và người đó trong lúc trò chuyện với trẻ. Bằng cách này, bé sẽ cảm thấy mình và người đó cũng giống nhau, không mang tâm lý kì thị, phân biệt.

Ví dụ, bé tiếp xúc với một trẻ bị hội chứng Down, nhưng cả hai cùng thích xem đá banh hoặc cùng thích đi bơi. Hoặc cũng có thể hai bé sinh cùng năm, hoặc thích nuôi cá như nhau. Nói chuyện về những điểm chung này, bé sẽ thấy khuyết tật không dùng để đánh giá một con người, cũng như đặc điểm thể chất mạnh hay yếu không nói lên tính cách của người đó.

6 lời khuyên khi nói chuyện với trẻ về người khuyết tật 2
 
Dạy bé đồng cảm

Trẻ em rất giống nhau và cũng rất khác nhau. Thay vì chỉ nói để bé biết một người khuyết tật không thể làm việc gì, hãy nói về cả những điểm mạnh của người đó. Dạy trẻ tìm kiếm những điểm tốt, điểm mạnh của một người, thay vì chăm chăm vào những yếu điểm của người đó. Một người có thể không làm được việc này, gặp khó khăn trong hoàn cảnh nào đó, không có nghĩa là họ sẽ không thể làm những việc khác. Hỏi cảm nhận của trẻ khi làm công việc mình không giỏi, cách bé muốn được giúp đỡ khi gặp khó khăn, sau đó hướng dẫn bé cách đối xử với những người khác khi họ rơi vào hoàn cảnh tương tự. Bài học về lòng cảm thông là một bài học quan trọng mẹ nên dạy bé ngay từ khi còn nhỏ.

Ví dụ, trong xóm có một người bạn cùng tuổi với bé bị khiếm thính. Thay vì chú ý đến việc đứa nhỏ không nghe được, hay hỏi xem bé có biết người bạn này giỏi môn gì không (toán hay chạy chẳng hạn). Tìm hiểu những điểm mạnh của bạn, những điều mà bạn gặp khó khăn khi làm, để bé thấy ai cũng có sở trường, sở đoạn riêng, bé nên giúp đỡ người khác như cách bé muốn nhận được khi gặp một vấn đề khó khăn vậy.

Chỉ ra và lên án những hành vi bắt nạt

Trẻ em khuyết tật rất dễ trở thành mục tiêu bắt nạt của những đứa trẻ khác, thậm chí là của người lớn. Giảng giải cho bé hiểu việc cố tình làm tổn thương người khác, làm người khác buồn là một việc không tốt, dạy cho bé biết xin lỗi khi lỡ làm như vậy. Quan trọng là bé hiểu được, dù cho một số người có vẻ ngoài hoặc hành động khác bình thường thì họ cũng có cảm xúc và xứng đáng được tôn trọng, đối xử một cách tốt bụng.

6 lời khuyên khi nói chuyện với trẻ về người khuyết tật 3

Tôn trọng những thiết bị hỗ trợ người khuyết tật

Dạy trẻ tôn trọng những thiết bị hỗ trợ y tế như gậy, xe lăn, chó dẫn đường,… để trẻ hiểu những thiết bị này giúp đỡ người khuyết tật trong sinh hoạt hằng ngày chứ không phải đồ chơi.

Sẽ khó khăn để giải thích cho bé khi gặp phải chú chó dẫn đường dễ thương mà bé rất muốn chơi cùng. Trong trường hợp này, thẳng thắn nói cho bé biết lý do là cách tốt nhất. Ví dụ, mẹ có thể nói ngắn gọn: “Chú chó đó không phải là thú cưng, công việc của nó là giúp cô này nhìn đường. Nó đang làm việc, vì vậy con đừng làm ảnh hưởng công việc của nó nhé.”

(Nguồn: Familyeducation)
Chia sẻ