3 sai lầm của cha mẹ khi con tập nói

Hân Nhiên,
Chia sẻ

(aFamily.vn) - Lập tức đáp ứng yêu cầu khi bé ra hiệu, bắt chước bé nói lặp từ, cổ vũ bé nói sai là 3 điều cấm kỵ cần tránh triệt để trong giai đoạn bé yêu học nói.

1. Lập tức đáp ứng yêu cầu khi bé ra hiệu

Chỉ vì điều này mà nhiều cha mẹ đã vô tình làm chậm thời gian học nói của con. Ví dụ như khi bé chỉ vào chai hoặc bình đựng nước là bạn đã rót nước cho bé ngay, không cần bé phải phát âm ra tiếng nói. Làm như vậy khiến bé rất lười nói và phát âm bởi bé biết là chỉ cần ra hiệu, người lớn cũng hiểu được ý của mình. Bé không bị kích thích phải phát âm và có rất ít cơ hội để nói.

Cách khắc phục: Cha mẹ nên “tập luyện” cho mình thói quen “ép” bé phải nói khi muốn một điều gì đó. Có thể bạn sẽ nói trước từ đó để bé tập theo rồi mới thực hiện theo yêu cầu của bé. Ở ví dụ trên, khi bé chỉ vào bình nước tỏ ý muốn uống nước mà không chịu nói từ “nước”, bạn đưa bé chiếc cốc rỗng rồi xem phản ứng của bé, nếu bé “bức xúc” mà lên tiếng thì coi như bạn đã thành công bước đầu.

2. Nói lặp từ

Lặp từ là một biểu hiện bình thường trong một giai đoạn nhất định khi bé đang học nói. Tuy nhiên, không ít người lớn lại “học theo” cách nói này vì thấy rất thú vị hoặc để giao tiếp với bé dễ dàng hơn, ví dụ khi muốn bé ăn cơm thì nói: “Con ơi, cơm cơm nhé”, gặp con mèo lại nói: “Con ơi, bạn mèo mèo này”…

Trên thực tế, do phản xạ phát âm chưa tốt và hạn chế về mặt ngôn ngữ khiến bé thường nói lập bập hoặc nói lặp từ. Không nên mắng, chê trách hay trêu chọc bé về việc này nhưng cũng không được khuyến khích bé tiếp tục nói lắp vì như vậy sẽ làm chậm quá trình hoàn thiện khả năng ngôn ngữ và khả năng nói câu đầy đủ của bé.

3 sai lầm của cha mẹ khi con tập nói 1
Ảnh minh họa


Cách khắc phục: Cha mẹ nên tìm hiểu về quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ con và các biểu hiện cụ thể của bé nhà mình.

Thông thường, trong giai đoạn tập nói, bé sẽ phải trải qua quá trình học nói một từ, cụm từ rồi mới nói cả câu hoàn chỉnh được (một số bé còn có hiện tượng nói cả câu nhưng đảo trật tự cú pháp). Cần quan sát hàng ngày và nắm bắt sự phát triển ngôn ngữ của bé để có hướng dẫn thích hợp, giúp bé phát triển ngôn ngữ ở giai đoạn cao hơn.

3. “Cổ vũ” lỗi phát âm của bé

Việc bé phát âm sai, nói sai, nói ngọng, nói nhầm từ… trong giai đoạn tập nói là việc tất yếu và thường xuyên xảy ra. Đó là do cơ quan phát âm của bé chưa phát triển hoàn chỉnh, khả năng phân tích âm thanh và các dây thanh ở cổ họng còn yếu.

Điều đáng nói ở đây là nhiều người lớn lại thấy việc bé phát âm sai rất dễ thương và thường bật cười mỗi lúc như vậy. Thậm chí, có người còn bắt chước lỗi phát âm của bé khi nói chuyện với bé. Làm như vậy sẽ khiến bé không những không nhận ra mình đang nói sai, nói ngọng mà còn hiểu nhầm là người lớn khuyến khích bé nói như thế.

Cách khắc phục: Bạn không nên học theo cách phát âm của bé và nhắc nhở những người trong gia đình không nên tỏ thái độ “cổ vũ” khi bé nói ngọng, phát âm sai. Đồng thời bạn nên kiên nhẫn sửa từ sai cho bé bằng thái độ nhẹ nhàng, sau một thời gian bé sẽ phát âm đúng và không còn hiện tượng nói ngọng, nói sai khi lớn lên.



Cùng đến nhà cô bé Soju để xem bố mẹ có bí quyết gì mà cô bé biết nói từ tháng thứ 7 nhé!
3 sai lầm của cha mẹ khi con tập nói 2
Chia sẻ