Suýt sảy thai vì ăn ngải cứu

K.Minh,
Chia sẻ

Thấy chị Hoài nghén, nôn ói suốt ngày lại kèm theo cả đau đầu, mẹ chồng chị liên tục nấu canh ngải cứu cho chị ăn.

Sau 32 năm "tận hưởng" cuộc sống độc thân, chị Hoài quyết định yên bề gia thất. Chị nghĩ "cũng đã đến lúc có một gia đình, có chồng có con để mà chăm sóc, yêu thương".

Thế nhưng, đã 5 năm sau khi cưới mà mơ ước rất đời thường của chị Hoài vẫn chưa thành hiện thực. 5 năm với 3 lần sảy thai, chị Hoài cảm giác như thể hạnh phúc làm mẹ sẽ không bao giờ đến với mình.

Lần mang thai này là lần thứ 4, cả gia đình và chị hết sức giữ gìn. Chị nghỉ làm ở nhà và được mẹ chồng chăm sóc rất chu đáo.

Thấy chị Hoài nghén, nôn ói suốt ngày lại kèm theo cả đau đầu, mẹ chồng chị liên tục nấu canh ngải cứu cho chị ăn. Theo mẹ chồng chị Hoài thì ngải cứu rất tốt cho việc chữa trị đau đầu, thiếu máu. Thậm chí có ngày, bà nấu canh ngải cứu với xương cho con dâu, chiều lại rán trứng với ngải cứu...

Không biết có phải do ăn nhiều ngải cứu quá không mà chị Hoài luôn cảm thấy trong người nóng hừng hực. Cả ngày chị không hề muốn ra khỏi phòng điều hòa vì cứ ra ngoài là chị lại không thể chịu nổi thời tiết nóng nực. Đêm ngủ, một mình chị vừa bật điều hòa vừa bật quạt trong khi chồng chị run cầm cập và phải đắp chăn.

Được hơn 3 tháng, chị Hoài thấy dấu hiệu ra máu. Quá lo lắng, chị vội đến viện khám thì bác sĩ bảo chị có nguy cơ dọa sảy thai. Chị Hoài phải làm thủ tục nhập viện để theo dõi và giữ thai.

Hàng ngày, mẹ chồng chị vẫn đều đặn mang canh ngải cứu vào cho chị ăn. Thấy chị ăn nhiều ngải cứu, các mẹ cùng phòng không khỏi ngạc nhiên. Người thì bảo ăn nhiều ngải cứu không tốt vì nó gây nóng trong, tăng nguy cơ sảy thai, có người lại bảo ăn ngải cứu rất tốt, nhất là ngải cứu sạch nhà mình trồng.

Suýt sảy thai vì ăn ngải cứu
Khi mang thai các mẹ vẫn có thể ăn ngải cứu với mức độ vừa phải.

Quả thực, chị Hoài hoang mang vô cùng, đúng là lần nào mang thai chị cũng ăn khá nhiều ngải cứu mà không hề đắn đo suy nghĩ gì, vì chị cũng nghĩ, ngải cứu có tác dụng bổ máu, trị đau đầu rất tốt. Nhưng chị cũng bị sảy thai tới 3 lần rồi, không biết lý do có phải vì chị ăn nhiều ngải cứu quá không.

Để yên tâm, chị Hoài quyết định không ăn ngải cứu nữa mà chờ để hỏi bác sĩ thật cẩn thận. Nghe bác sĩ giải thích một hồi chị Hoài mới biết rằng, hóa ra từ trước đến nay chị chỉ biết ăn mà không hề quan tâm đến chuyện mang bầu có nên ăn ngải cứu không.

Theo bác sĩ thì các sản phụ vẫn có thể ăn ngải cứu khi đang mang thai, nhưng chỉ ăn một vài ngọn mỗi lần và mỗi tuần ăn 2 - 3 lần mà thôi.

Mặc dù đúng là ngải cứu có tác dụng điều trị bệnh đau đầu, thiếu máu, điều hòa kinh nguyệt, xoa dịu cơn đau, giúp tuần hoàn máu... nhưng nó cũng là một nhóm thảo mộc nên cũng có ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.

Trong ngải cứu có những chất có liên quan đến sự co bóp tử cung, nhiều sản phụ cho biết họ ăn nhiều ngải cứu nên có dấu hiệu sảy thai (với những người mới mang thai) hoặc dọa sinh sớm (với những người ở tháng cuối thai kì).

Một số chị em còn dùng ngải cứu như là một vị thuốc an thai. Theo bác sĩ thì điều này không hoàn toàn đúng. Ăn ngải cứu bao nhiêu và như thế nào để an toàn và hợp lý thì các sản phụ phải hỏi qua ý kiến của bác sĩ và còn tùy thuộc vào tình hình sức khỏe của bà bầu.

Nhóm thai phụ nhạy cảm (hoặc có máu nóng – theo cách gọi dân gian) có thể xuất hiện dấu hiệu bị co tử cung, ra máu, sảy thai sau khi dùng ngải cứu. Nhóm thai phụ khác có cơ địa khỏe mạnh hơn thì việc ăn ngải cứu với tần suất vừa phải không gây hại cho sức khỏe.

Một tuần sau khi dừng ăn ngải cứu, chị Hoài thấy mình không còn "bốc hỏa" trong người như hồi mới có bầu nữa. Tình trạng thai của chị cũng sớm ổn định và được về nhà nghỉ ngơi, theo dõi, chăm sóc. Nhiều lúc nghĩ lại chị thầm nhủ: "May mà còn kịp".

Chia sẻ