Kinh nghiệm cho trẻ ăn dặm của mẹ Việt ở Đức

Theo Vietnamnet,
Chia sẻ

Tôi muốn chia sẻ một số kinh nghiêm ăn dặm dành cho trẻ từ 5 đến 9 tháng tuổi tôi đã được các bác sĩ Đức hướng dẫn, học từ sách vở và thực hành.

Đây chỉ là trải nghiệm cá nhân mà tôi đã áp dụng, cảm thấy hài lòng và muốn chia sẻ chứ không phải là một chuẩn mực nào cả.

1. Khi nào nên cho trẻ bắt đầu ăn dặm?

Sữa mẹ được xem như là nguồn dinh dưỡng quan trọng nhất cho trẻ sơ sinh, trước khi trẻ có thể tiêu hóa các loại thực phẩm khác. Sữa bột chỉ được dùng trong trường hợp bất khả kháng là mẹ không có sữa, hoặc không đủ sữa cho con bú. Nếu bạn có đủ sữa cho bé, đừng lạm dụng sữa bột. Khi bé đã bắt đầu ăn dặm, mẹ vẫn cho con bú nhưng lưu lượng giảm dần đi để các bé làm quen với các thức ăn mới.

Không nên cho trẻ ăn dặm từ quá sớm (trước 4 tháng) vì dạ dày và thận của các bé còn rất non nớt, đang trong giai đoạn hoàn thiện nên khó có thể tiêu thụ được các thức ăn khác, 'rắn' hơn sữa mẹ. Khi bé mọc chiếc răng đầu tiên (thông thường khoảng tháng thứ 5, thứ 6), đó là dấu hiệu chắc chắn rằng: 'mẹ ơi, con muốn ăn dặm rồi'.
 


2. Bữa ăn dặm đầu tiên 
 
Em bé nhà tôi bắt đầu ăn dặm từ tháng thứ 5. Một tuần trước khi bắt đầu cho bé ăn dặm, tôi đã vô cùng hồi hộp, lo lắng: bé sẽ ăn gì? nấu như thế nào? có rau củ gì? thịt gì? loãng hay đặc? bao nhiêu thì vừa? ...Với hàng trăm câu hỏi quay cuồng trong đầu, tôi gọi điện hỏi các bác sỹ nhi, bà mụ (Hebamme), đọc sách, vào Internet...

Thông tin quá nhiều cũng khiến tôi rối loạn. Cuối cùng tôi tự nhủ mình phải thật bình tĩnh và kiên nhẫn, chỉ tìm một công thức ăn dặm đầu tiên dễ làm nhất để thực hiện. Các công thức và kinh nghiệm khác sẽ dần dần thực hiện sau. Đa số những lời khuyên của bác sỹ và trong sách của Đức đều khuyên hãy bắt đầu cho bé ăn dặm với cà rốt, khoai tây và không nên cho thịt ngay.

Mẹ cũng không nên quá sốt sắng đổi món cho bé vì bé cần thời gian làm quen với một thức ăn mới. Bé ăn thìa cháo đầu tiên còn mang tính thăm dò. Bé liếm láp chiếc thìa rồi toét miệng ra cười khiến tôi thở phào nhẹ nhõm. Bữa đầu tiên bé ăn không quá nửa bát nhưng như vậy đã là một thành công lớn rồi. Liên tục trong vòng 1 tuần, tôi chỉ nấu một loại cháo duy nhất này và chỉ cho bé ăn dặm vào bữa trưa, các bữa khác, bé vẫn bú mẹ bình thường. Các ngày sau, do đã quen với thức ăn mới, bé ăn hào hứng hơn và nhiều hơn. Từ tuần thứ 2 tôi đối sang 1 loại cháo mới khác, cũng chưa có thịt ngay. Cứ như vậy, khi bé sang tháng thứ 6, sau khi đã bắt đầu ăn dặm được 1 tháng, tôi bắt đầu nấu lẫn các rau củ quả với thịt, và tăng thêm một bữa tối nữa cho bé với cháo sữa (Milchbrei).

Các dụng cụ cần thiết cho công việc nấu nướng và cho bé ăn
 
- Cân điện tử
 

- Máy nghiền:
 

 - Hộp nhựa chia khẩu phần:
 

 - Lò vi sóng:
 

- Thìa, bát, cốc uống nước cho bé:
 

Nên mua những loại thìa bản nhỏ, vừa miệng bé, nếu bằng nhựa mềm càng tốt vì các bé có thể ngứa răng mà cắn vào cũng không sao.
 

Bát: Nên có những hình thù vui mắt và phải là chất liệu có thể cho vào lò vi sóng được khi cần thiết phải hâm nóng lại.

Ghế: Khi bé chưa ngồi được, hãy sử dụng những chiếc ghế như thế này, có thể ngả xuống hoặc dựng thẳng lên. Không nên ôm bé trong lòng và ngửa bé ra khi đút thức ăn vì khi bé ngồi không thoải mái sẽ rất khó ăn và mẹ cũng khó đút. Nên tạo cho bé thói quen ngồi ăn trên ghế , không dỗ bé ăn bằng cách bế đi long dong. 

Công thức cháo rau, thịt, khoai tây
 
Nguyên liệu:
 
(1 phần ăn cho trẻ từ 5 tháng, thời gian nấu: 30 phút)
1 củ khoai tây (khoảng 50 g)
100 g cà rốt
20 g thịt nạc, băm nhỏ hoặc xay (thịt lợn, gia cầm, cừu hoặc bò)
2-3 thìa nước táo ép không đường(có thể mua loại nước táo ép không đường đóng hộp ở siêu thị)
1 thìa dầu ăn (các loại dầu trung tính như dầu cải, dầu hướng dương, không nên dùng các loại dầu ăn có vị quá đặc trưng như dầu oliu)

Cách nấu:
 
- Khoai tây rửa sạch, để nguyên vỏ, luộc chín (khoảng 15-20 phút).  
- Cà rốt rửa sạch, gọt vỏ, thái nhỏ. Thị băm hoặc thái nhỏ cho vào nồi nấu với cà rốt cùng 1 chút nước. Không nên đổ quá nhiều nước từ đầu mà chỉ cho khoảng 3 thìa ăn nước, nếu khi đun thấy thiếu mới cho thêm một chút nữa.
- Khoai tây sau khi luộc chín, bóc vỏ, thái nhỏ.
- Cho các nguyên liệu trên vào cùng nhau, cho thêm dầu ăn và nước táo rồi dùng máy xay nghiền thật nhuyễn.

Lưu ý:
 
+ Những bữa ăn dặm đầu tiên cũng nấu theo công thức này nhưng không cho thịt. Từ tháng thứ 6, nhất thiết trong cháo phải có thịt để bổ sung dinh dưỡng cho bé nhưng mỗi khẩu phần chỉ 20g, không nên nhiều hơn hoặc ít hơn. Những loại thịt 'màu tối' như thịt cừu, thịt bò chỉ nên cho bé ăn nhiều nhất 2 lần 1 tuần, cá 1 lần 1 tuần. Rau củ quả luôn đảm bảo 100g một phần (bạn có thể nấu 2 loại rau củ với nhau ví dụ bí ngô và cà rốt, mỗi thứ 50g).

+ Khi không có thời gian để nấu cho bé hàng ngày như thế này, mẹ có thế nấu nhiều phần một lúc (chỉ việc nhân các nguyên liệu lên theo số khẩu phần) rồi cho vào từng hộp nhựa nhỏ. Sau đó, mỗi phần mới rưới một thìa dầu ăn lên. Bảo quản các hộp nhựa này trong ngăn đá, khi nào ăn thì cho vào lò vi sóng giã đông vẫn rất ngon.

+ Nhiều người cho rằng với bé mới tập ăn nên nấu thật nhiều nước và loãng cho dễ nuốt. Điều này hoàn toàn không đúng. Ăn dặm còn được gọi là ăn đặc, để bé làm quen với các 'thức ăn rắn' hơn sữa mẹ và cũng để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng đang ngày một lớn dần.

Từ công thức trên và một số công thức tương tự, tôi đúc kết ra một công thức chung như sau:
 
- 50 g tinh bột (khoai tây hoặc bột gạo)
- 100 g rau củ (cà rốt, khoai tây, bí ngô, bí ngòi, su hào, súp lơ xanh...)
- 20g thịt (bò, gà, lợn...)
- 3 thìa nước táo ép
-1 thìa dầu ăn

Cách nấu vẫn tương tự. Luộc chín khoai tây hoặc nấu chín bột gạo, rau củ nấu lẫn thịt với một chút nước, cho các nguyên liệu vào cùng nước táo, dầu ăn và nghiền nhuyễn bằng máy. Như vậy, tôi có các loại cháo kiểu tây như : su hào + khoai tây+ thịt gà, cháo bí ngô+ khoai tây+thịt bò, cháo súp lơ xanh+khoai tây+thịt lợn, cháo cá hồi+khoai tây+cà rốt+cà chua, cháo bí ngòi+khoai tây+thịt gà, cháo rau chân vịt (spinat)+thịt gà+khoai tây ...., rồi kiểu ta như: bột gạo+rau cải cúc+thịt nạc, bột gạo+rau cải xanh+thịt nạc... Một số cháo tôi cho thêm rau thơm như mùi tây (pertersilia), quế tây (basilikum), thì là (cháo cá) và bé ăn cũng rất ngon miệng.

Công thức cháo sữa chuối buổi tối  
 
(1 phần ăn cho trẻ từ 6 tháng. Thời gian chuẩn bị: 10 phút)
200 ml sữa tươi nguyên kem (3,5-3,8% chất béo)
20 g bột gạo hoặc bột mì chưa rây (tiếng Đức: Vollkorngrieß, tiếng Anh: wholemeal/whole grain)
50 g chuối (đã bóc vỏ)
 



Cách nấu:
 
- Hâm nóng sữa bằng một chiếc nồi nhỏ. Sau đó cho bột gạo vào, khuấy đều đến khi bột chín.
- Bắc bột ra khỏi bếp và để nguội bớt. Chuối thái nhỏ hoặc dùng một chiếc dĩa ép xuống cho nát rồi cho vào cùng bột. Dùng máy nghiền nhuyễn tất cả các nguyên liệu trên.
 
Chú ý: Công thức mẫu là chuối nhưng bạn có thể thay đổi các loại quả theo mùa để đổi bữa cho bé. Tôi từng nấu với dâu tây, lê, đào và thậm chí cả mít nữa. Nên chọn các loại quả mềm để bé dễ ăn.

Từ tháng thứ 7, bé được ăn tăng thêm một bữa chiều với cháo ngũ cốc, hoa quả. Như vậy, bé đã ăn 3 bữa, các bữa còn lại vẫn bú sữa mẹ bình thường. Công thức cháo ngũ cốc hoa quả như sau:
 
Nguyên liệu:
 
(cho 1 phần ăn cho trẻ từ 7 tháng, thời gian chuẩn bị: 10 phút)
20 g yến mạch (tiếng Đức: Haferflocken, tiếng Anh: Oatmeal)
100 g táo
1 thìa cà phê bơ (8 g)

 Cách nấu:
 
- Bột yến mạch hòa lẫn cùng 125 ml nước, khuấy đều trong một nồi nhỏ, nhỏ lửa. 
- Táo rửa sạch, gọt vỏ, bỏ hột, thái nhỏ rồi cho vào cùng bột.
- Cho tiếp bơ vào cùng rồi dùng máy nghiền nhuyễn.

Lưu ý: có thể thay đổi các loại quả theo mùa như đào, dâu tây, lê hoặc chuối.

Hiện nay trên thị trường Việt Nam cũng bán nhiều loại cháo thịt, rau củ quả đóng hộp thủy tinh và cháo sữa ăn liền (chỉ việc hòa với sữa hoặc nước sôi). Tuy nhiên,  chỉ khi nào bạn không thể nấu được hoặc đi du lịch, đi chơi... hãy dùng đến. Nấu các thực phẩm tươi sống luôn là sự lựa chọn tốt nhất khiến bé ngon miệng và đủ dinh dưỡng.      

Với cách nấu này, bé sớm làm quen với nhiều  loại rau, củ, quả khác nhau, luôn đủ chất mà không sợ béo phì. Một điểm rất quan trọng đó là tôi hoàn toàn không dùng mắm, muối hay các phụ gia khác. Thận của các bé dưới 1 tuổi còn quá nhạy cảm với các loại gia vị và sẽ bị tổn thương nếu phải làm việc quá sức.

Trên đây là những chia sẻ về vấn đề ăn dặm mà tôi đã áp dụng  cho con mình và cảm thấy rất hài lòng. Bé không lên cân rất nhiều và nhanh như các bé ở Việt Nam nhưng luôn ở mức rất chuẩn theo biểu đồ phát triển kể từ khi sinh ra (mỗi em bé có một biểu đồ phát triển riêng được bác sỹ theo dõi), nghĩa là phát triển rất đều và hợp lý, không bị tháng này lên quá nhiều cân, tháng sau lại thụt đi. Bé biết ăn rất nhiều món khác nhau mẹ nấu và luôn ăn hết hoàn toàn khẩu phần của mình. Hy vọng những kinh nghiệm nhỏ của tôi sẽ giúp ích được các bà mẹ đang hoặc sắp cho con ăn dặm được phần nào. 
Chia sẻ