10 mốc quan trọng trong 2 năm đầu của trẻ

,
Chia sẻ

Trong quá trình phát triển của trẻ, có một vài điểm được coi là quan trọng hơn cả. Sau đây là 10 mốc quan trọng nhất, đáng để bạn phải chú tâm trong thời gian 2 năm đầu đời của trẻ.

1. Liên hệ bằng mắt (từ 6- 8 tuần tuổi)

Đây là một trong những mốc đầu tiên bạn sẽ phải để ý đến, và đó không chỉ là một mốc quan trọng vì trẻ đã biết chú ý đến bạn và theo dõi bạn bằng mắt, mà điều đó còn có nghĩa là hệ thần kinh của bé đã phát triển và khả năng giao tiếp đã bắt đầu. Trẻ biểu thị rằng não bộ của trẻ đã quen dần với một khuôn mặt quen thuộc. Một cách nào đó, trẻ nói: “Này, con biết mẹ là ai đấy!”.

Laura Weber rất lo lắng khi bé 4 tuần tuổi của cô, Nicole, không bao giờ để ý đến mẹ. “Bất cứ khi nào tôi cố gắng liên hệ bằng mắt với bé thì bé lại nhìn xuống vai tôi”. Khi Weber nói với bác sĩ về việc này, bác sỹ đã giải thích rằng đó là điều bình thường, trừ phi Nicole không liên hệ bằng mắt tới khi trẻ 3 tháng tuổi thì bé sẽ cần có những cuộc xét nghiệm về mắt. Sau đó là xét nghiệm những vấn đề liên quan đến sự gắn kết hoặc hành vi. Các chuyên gia thuyết phục các bậc phụ huynh cố kìm chế không nên vội vàng đưa ra những kết luận tồi tệ. “Bạn nên cẩn trọng khi khẳng định về tình trạng của con mình. Nó phải được đặt trong một bối cảnh và nhiều yếu tố tác động khác.” Tiến sỹ y khoa Martin Stein, giám đốc trung tâm y tế Nhi khoa bệnh viện trẻ em Rady, San Diego, California nói. Một lý do khác có thể là bạn nhìn trẻ không đúng thời điểm. Vì thế, hãy kiên nhẫn và để ý đến trẻ.
 
2. Nụ cười gần gũi

Đây không phải nụ cười tự nhiên khi trẻ vài giờ tuổi của bạn đánh rắm hoặc bé 3 tuần tuổi của bạn cười toét. Một nụ cười gẫn gũi là nụ cười mang tính giao tiếp, nghĩa là trẻ cười để phản ứng lại với một nụ cười nào đó. Đó là dấu hiệu rằng các phần não bộ của bé đang trưởng thành hơn. Nó có nghĩa là trẻ có thể nhìn thấy ở khoảng cách gần, cảm nhận được sự vật (trong trường hợp này là một nụ cười), và mỉm cười đáp lại. Một nụ cười gần gũi như vậy cũng thúc đẩy mối quan hệ, vì nó là một trong những cách thức đầu tiên của giao tiếp giữa cha mẹ và trẻ.

Dù bạn khuyến khích như thế nào để bé cười mà bạn không nhận thấy bất kỳ nụ cười đáp trả nào ở bé sau khi 3 tháng tuổi, hãy đưa bé đến gặp bác sỹ nhi khoa. Và một lần nữa, hãy kiên nhẫn và chờ đợi thời điểm khi bé thực sự thư giãn, đó có thể sẽ là lúc bạn nhìn thấy nụ cười của bé.

3. Thủ thỉ - bặp bẹ

Trong suốt khoảng thời gian vài tuần đầu, trẻ giao tiếp chủ yếu bằng hành động khóc. Nhưng khi được khoảng 8 tuần, sẽ có nhiều hoạt động bắt đầu diễn ra ở thuỳ trước não (trung khu thần kinh điều khiển ngôn ngữ), điều này khiến bé bắt đầu bặp bẹ nói. “Tôi thường nói nửa đùa rằng nếu bé có một nụ cười gần gũi, sau đó là những dịch chuyển ở mắt, và có thể bặp bẹ nói, thì điều này có nghĩa là bé sẽ có khả năng đến trường, vì có rất nhiều thứ phải được thực hiện để những hoạt động như vậy của bé có thể diễn ra”, tiến sỹ Stein nói. Khi bé bặp bẹ, bé sử dụng phần sau của cổ họng để tạo ra âm thanh như ah-ah-ah và oh-oh-oh. Hãy thử nói chuyện lại với bé, và bé có thể sẽ phản ứng lại bằng những âm thanh ah-ah-ah.

Dù vậy, cũng đừng mong bé của bạn bặp bẹ nói như lời gợi ý; bé vẫn cần thời gian để làm chủ cách giao tiếp bặp bẹ này của mình. Một trong những cách tốt nhất bạn có thể làm để khuyến khích hành động này của bé là thuật lại cuộc sống của bạn: “Mẹ đang đi giầy cho con để con có thể đi đến công viên chơi đấy, con có thích công viên không?” Cho dù bạn nói gì đi nữa, trẻ của bạn cũng thích nghe giọng nói của bạn. Nếu bé không tự bặp bẹ khi ở độ tuổi khoảng 3 tháng, hãy đưa bé đến bác sỹ kiểm tra, họ sẽ có những bài kiểm tra về thính giác cho trẻ.

4. Bi bô

Rốt cuộc là trẻ cũng sẽ bắt đầu bi bô nói. Đây là một giai đoạn khác với khi trẻ bặp bẹ bởi nó đòi hỏi phải sử dụng lưỡi và phần trước của miệng (hơn là cổ họng) để tạo ra âm thanh như nah-nah-nah và bah-bah-bah. Những điều kiện khác nhau sẽ thúc đẩy trẻ bi bô nói theo cách khác nhau. Đối với con gái của Erin England Acosta, bé Samantha, một thay đổi về khung cảnh dường như là điều kiện để trẻ bắt đầu bi bô nói. “Samantha rất hiếm khi ọ oẹ gì cả, mãi đến khi bắt đầu được 6 tháng tuổi, sau tuần đầu tiên ở nhà trẻ, bé bắt đầu bi bô rất nhiều.” một người chăm sóc bé nói.
Một khi bé bắt đầu bi bô, bé sẽ có thể muốn thử những kỹ năng đạt được đầy mới mẻ này, vì thế trẻ sẽ bi bô nhiều hơn. Điều này chỉ ra rằng, trẻ đã học được cách để phản ứng lại với giọng nói của người khác bằng cách sử dụng chính giọng nói của mình – một giai đoạn quyết định đối với việc sử dụng ngôn ngữ ban đầu. Nếu bạn không thấy trẻ bi bô cho đến khi trẻ 6 tháng tuổi, hãy nhờ bác sỹ nhi khoa tư vấn trong trường hợp cụ thể của con bạn.

5. Với và nắm đồ vật

“Khi trẻ bắt đầu với và nắm đồ vật, điều này cho thấy bé có thể hành động một cách có chủ định”. Lerner Claire, giám đốc một tổ chức phi lợi nhuận nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nói. “Nó chỉ ra sự mong muốn, hứng thú và tò mò, những đặc tính giúp phát triển khả năng học tập ở trẻ”. Để khuyến khích trẻ với và nắm, hãy ngồi xuống sàn nhà với trẻ và đặt 1 đồ chơi ưa thích của trẻ ngoài tầm với. Bạn càng tạo ra nhiều cơ hội cho trẻ thực hành, bạn càng thu hút được giác quan và lôi kéo trẻ chạm vào, ngửi, nhìn và học hỏi về các đồ vật xung quanh.
 
6. Đứng lên (từ 9 -10 tháng tuổi)

Một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy bé đã sẵn sàng cho những bước đi đầu tiên là việc bé bắt đầu cố gắng để đứng lên. “Đây là một trong những mốc quan trọng bậc nhất vì nó cho biết tính bền vững và sức khoẻ của đôi chân và thân hình bé, điều này là những yếu tố cần thiết cho việc đi lại”, tiến sỹ Stein nói. Nó cũng cho biết rằng bé có động lực để đạt được mục tiêu, ví dụ như để lấy được cái hộp màu đỏ đặt trên bàn uống café chẳng hạn. Để giúp trẻ học cách tự đứng lên, cách khá tốt là hãy để bé có nhiều thời gian không vướng víu với ghế ngồi trên ô tô, xe nôi, và những thứ tương tự.

Khi được 1 tuổi, bé gái lớn nhất của nhà Clark và Mary Hoskins, Katie, hiện nay đã 5 tuổi, không bao giờ tự mình đứng lên. “Thực tế, bé còn thậm chí không bò hay trườn gì cả”. Bác sỹ nhi khoa của Katie gợi ý rằng nên để bé được khám bằng một nhà trị liệu, và ông đã kết luận rằng không có yếu tố nào cản trở việc trẻ bò trườn hoặc đi lại. Nhà trị liệu gợi ý rằng Hoskins và Clark cần phải lôi kéo, khuyến khích trẻ bò, trườn, đứng dậy và đi lại bằng việc khuyến khích trẻ đến lấy đồ chơi mà bé ưa thích. Sau đó, ở 14 tháng tuổi, Katie bắt đầu bò và khi được khoảng 16 tháng tuổi, bé bắt đầu tự đứng dậy và bước đi một bước. Bé đã đi lại được vào 19 tháng rưỡi tuổi.   

7. Tóm chặt (sử dụng ngón trỏ và ngón cái để nhặt đồ vật)

Khoảng 7-8 tháng tuổi, trẻ bắt đầu hành động tóm chặt chưa hoàn chỉnh, trẻ dùng những ngón tay và ngón cái để cầm thìa hoặc đồ chơi. Sau đó, một vài tháng sau, trẻ cải tiến kỹ năng này với cả bàn tay, rất gọn gàng khi sử dụng ngón cái và ngón trỏ đẻ nhặt đồ, ví dụ như một miếng ghép tranh chẳng hạn. “Tóm chặt là một trong những yếu tố cơ bản nhất để hình thành tính tự lập”. Lerner nói. “Thậm chí, một trẻ sẽ dùng cách tóm chặt này để làm những điều cần thiết như ăn uống, tự mặc quần áo hay đánh răng”. Khuyến khích trẻ thực hành kỹ năng này cũng đơn giản như để trẻ ngồi trên ghế của mình với một vài chiếc bánh hoặc kẹo. Chỉ khi trẻ không sử dụng cách này để nhặt đồ vật khi trẻ 12 tháng tuổi, bạn nên cần một sự đánh giá về kỹ năng vận động của trẻ.

8. Điệu bộ

Khi trẻ đã ăn hết phần đậu của mình và ra hiệu bằng cách xoè rộng bàn tay “hết rồi”, hoặc chỉ vào cuốn sách yêu thích của trẻ trên giá sách, đây là một dạng ngôn ngữ tiền ngôn từ. Các chuyên gia về phát triển nói rằng điệu bộ là một dấu hiệu rõ ràng cho biết bé của bạn biết rằng mình nghĩ gì, và bé cũng nhận thức được rằng bé có thể giao tiếp với bạn điều gì đó. Nếu bạn tiếp tục làm những điệu bộ phù hợp với trẻ, trẻ sẽ có thể bắt chước bạn, thậm chí là làm lại những điệu bộ đó với bạn. Cũng như với những mốc khác, hãy cho bé thời gian để bắt đầu những hành vi này trước khi quả quyết rằng bé không thực hiện được chúng.

9. Tiếng nói đầu tiên

Những tháng bặp bẹ, bi bô, chỉ trỏ, và điệu bộ là bàn đệm để tạo dựng nên lời nói ở trẻ. Khi bé nhìn thấy một quả bóng và phát âm “bón” hoặc “bóng”, não của bé đang tạo dựng liên kết giữa âm thanh đó và đồ vật. Bình thường, trẻ bắt đầu nói vào khoảng 12 tháng tuổi. Từ 15 đến 18 tháng tuổi, một số trẻ có thể nói 20 đến 50 từ, trong khi những trẻ khác có thể nói 5-10 từ. Ở độ tuổi này, bé cũng nên hiểu một số từ, ví dụ như khi bạn yêu cầu trẻ “Chỉ cho mẹ xem mũi đâu”. Cách tốt nhất để khuyến khích trẻ nói là gì? Hãy dành thời gian nói chuyện hoặc hát cho trẻ nghe. Đọc truyện hàng ngày là một cách tuyệt vời. Nếu cho đến 18 tháng tuổi trẻ không nói một lời nào, hãy nói chuyện với bác sỹ nhi khoa về điều này, họ sẽ có những biện pháp khám xét vấn đề về thính giác hoặc chậm phát triển ở trẻ.

10. Đóng vai

Nếu bạn muốn thấy một dấu hiệu nhỏ nhặt nào đó về thói quen của riêng bạn, hãy quan sát trẻ mới biết đi của bạn, trẻ sẽ luôn đóng vai bằng việc bắt chước bạn. Ở 21 tháng tuổi, Carina Kilroy đã ngay lập tức “theo kịp bạn bè” bằng việc sử dụng điện thoại không dây của gia đình. “Cho dù bé chưa thể nói ra câu, khi nhấc máy bé chỉ bi bô một cách vô nghĩa, nhưng lại có giọng uyển chuyển. Bạn có thể thấy rằng trẻ đang bắt chước giọng điệu của tôi”, Dana Kilroy, mẹ của bé nói. Một mặt quan trọng của việc đóng vai đó là việc xây dựng những tư duy biểu tượng ở trẻ. Một cách cơ bản, trẻ sống trong một môi trường học tập phong phú sẽ thường xuyên có những hành vi như cười, bặp bẹ, và bi bô hơn.

Hương Liên
Theo CNN


 

Chia sẻ