Mẹ ơi, đừng nắn mũi tẹt của con!

,
Chia sẻ

Bé mũi tẹt - mẹ lo lắm, lo bé trai không có cái mũi cao để mà có tướng thăng quan tiến chức, lo bé gái sau này không xinh đẹp rồi khó kiếm chồng...

Đại đa số các bé dưới 1 tuổi đều sở hữu một chiếc mũi tẹt và các bà, các mẹ thì tìm mọi cách thủ công để giúp bé nâng cao sống mũi.

Bé mũi tẹt - mẹ lo lắm, lo bé trai không có cái mũi cao để mà có tướng thăng quan tiến chức, lo bé gái sau này không xinh đẹp rồi khó kiếm chồng... Đại đa số các bé dưới 1 tuổi đều sở hữu một chiếc mũi tẹt và các bà, các mẹ thì tìm mọi cách thủ công để giúp bé nâng cao sống mũi.

Bống mới 2 tháng tuổi thôi, mà bà nội, bà ngoại và mẹ đã lo lắng về nhan sắc sau này của bé cưng. Đôi mắt to hai mí rõ ràng rồi, đôi lông mi đen và đã dần cong, nhưng sao cái mũi cứ tẹt dí thế này? Cả nhà đều có gen sống mũi cao cơ mà...  Vậy là các bà, các mà quyết tâm "cải tạo" chiếc mũi xinh cho bé. Những khi bé ngủ, những lúc chơi đùa, hóng chuyện... mẹ đều tranh thủ dùng tay nắn nắn, vuốt vuốt với hy vọng có thể "vun" hai bên sống mũi cho mũi bé cao hơn một chút.


Bé mũi tẹt, mẹ lo lắm!

Tuy nhiên, kinh nghiệm dân gian được các bà, các mẹ tin tưởng; xét theo góc độ khoa học của các chuyên gia, lại không phải là điều đáng được ủng hộ. Các nhà nghiên cứu tại đại học Bắc Kinh, Trung Quốc cho biết, cách làm này không đem lại tác dụng thực tế, mà ngược lại, chỉ làm tổn hại đến sức khỏe và sự phát triển của bé.

Bé sơ sinh thay đổi từng ngày và phát triển rất nhanh, nhưng  khi mới sinh, mũi các bé thường tẹt, thậm chí lỗ mũi hơi hếch. Ngoại trừ tính di truyền, thì đại đa số trẻ sơ sinh đều như vậy. Đến khoảng thời gian sau đó, thậm chí đợi đến khi bé 1 tuổi hoặc 1 tuổi rưỡi, khung xương mặt và xương sống mũi mới dần phát triển, mũi bé sẽ dần cao lên chứ không phải nguyên "hiện trạng" tẹt dí như lúc ban đầu.

Sự phát triển của xướng sống mũi chịu những tác động của các hooc-môn, phải đến khi dậy thì hoặc trưởng thành, xương sống mũi mới hoàn thành quá trình "dựng hình" của mình. Bên cạnh đó, sống mũi cao hay thấp còn phụ thuộc vào các yếu tố di truyền, tốc độ dậy thì, chế độ dinh dưỡng khi còn nhỏ và những tổn thương đến mũi trong quá trình trưởng thành. Không phải mẹ cứ nắn là bé có mũi xinh.


Nhưng không phải vì vậy mà mẹ dùng tay vuốt và nắn mũi cho bé đâu nhé.

Do xương sống mũi của trẻ nhỏ là tổ chức xương sụn, mềm; lớp niêm mạc ở khoang mũi mỏng và yếu, nhưng các mạch máu thì nhiều, nên nếu bạn thường xuyên tác động đến mũi bé, dù chỉ bằng những hành động nhẹ nhàng, cũng có thể gây tổn thương cho niêm mạc và các vi mạch máu trong mũi, vô hình chung, làm tổn thương đến chức năng hoạt động của mũi, của niêm mạc, khiến vi khuẩn, bụi dễ xâm nhập vào mũi và bộ máy hô hấp của trẻ.

Bên cạnh đó, ở trẻ nhỏ, vòi ơ-tát, cơ quan nối tai giữa với họng thẳng và ngắn. Tác động nhiều vào mũi bé có thể khiến các chất tiết ra từ khoang mũi đi ngược vào tai giữa, khiến tai giữa bị viêm. Không những vậy, sống mũi thấp có thể là một biểu hiện của một căn bệnh nào đó, trong khi mẹ cứ cố nắn mũi bé cho đẹp, vô hình chung, có thể làm mất đi dấu hiệu của bệnh. Điều này ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bé và gây khó khăn cho các bác sĩ trong khi xác định triệu chứng.

Do đó, cho dù mũi bé có không cao, thậm chí tẹt dí, thì mẹ đừng sốt ruột, và cũng không được can thiệp bằng cách nắn mũi bé. Điều này không khiến sống mũi bé cao hơn, mà ngược lại, rất có thể gây ra những biến chứng liên quan đến cấu tạo của mũi, ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của bộ máy hô hấp. Vô hình chung, mẹ thương bé mà thành hại bé.

Theo Eva
Chia sẻ