Mẹ Nhật Nam: “Dành yêu thương và thời gian cho con càng nhiều càng tốt”

Hải An,
Chia sẻ

“Yêu thương và thời gian”, đó chính là bí quyết của chị Phan Hồ Điệp, mẹ của thần đồng Đỗ Nhật Nam. Chị không muốn dùng từ “dạy con”, bởi đơn giản với chị, làm mẹ là một cuộc đồng hành cùng con, như một người bạn lớn đầy tin cậy.

Bạn khó có thể tìm thấy những bí quyết lớn lao hoặc “bí truyền” nào trong cách nuôi dạy con của mẹ Đỗ Nhật Nam, bởi những gì mà chị Phan Hồ Điệp đã trao cho con, đơn giản là “yêu thương và thời gian”, nó tự nhiên như hơi thở và có sẵn trong mọi bà mẹ, chỉ có điều là mỗi người sẽ sử dụng “vốn sẵn có” đó của mình như thế nào, và không phải ai cũng biết cách tận dụng một cách thông minh và triệt để như mẹ Nhật Nam

Mới đây, cậu bé Đỗ Nhật Nam cũng vừa có tên trong danh sách đề cử "10 Nhân vật truyền cảm hứng năm 2014" của giải thưởng “We choice Awards”. Nhân dịp này, Mẹ&Bé đã có cuộc trò chuyện với với mẹ Nhật Nam - chị Phan Hồ Điệp về bí quyết truyền cảm hứng cho Đỗ Nhật Nam trong cuộc sống.
Mẹ Nhật Nam: “Dành yêu thương và thời gian cho con càng nhiều càng tốt” 1
Hình ảnh mẹ trẻ trung, rạng ngời trong ống kính của Đỗ Nhật Nam. (Ảnh: NVCC)

“Mình chỉ lo Nam vì nhớ nhà mà bị ốm”

Mới 13 tuổi, nhưng Nam đã đi học xa nhà “nửa vòng trái đất”, không nhiều các bạn nhỏ ở tuổi Nam đủ tự tin để thực hiện điều này? Cả nhà Nhật Nam đã chuẩn bị cho chuyến đi lớn này từ bao giờ và như thế nào ạ?

Đây thực sự là một “chuyến đi lớn” và không dễ gì để có thể đưa ra ngay quyết định. Trước khi Nam đi 3 tháng, cả nhà liên tục có các cuộc nói chuyện để bàn bạc với nhau xem, liệu đó có phải là một quyết định đúng đắn. Anh chị thường vẽ ra giấy một sơ đồ, cùng Nam ghi ra trên sơ đồ đó, những thuận lợi và khó khăn khi Nam đi học, những thách thức mà Nam sẽ vượt qua… Trên cơ sở đó, cả nhà mới cân nhắc.

Để đi đến quyết định đó, cả nhà dựa trên năng lực của Nam. Thời điểm đó, Nam có khả năng tự lập, rất bản lĩnh, vốn tiếng Anh tốt và quan trọng là Nam rất đam mê, rất quyết tâm để sẵn sàng cho việc xa nhà. Những năng lực đó cần một quá trình chuẩn bị. Ví dụ về khả năng hòa nhập, anh chị đã giúp Nam ngay từ khi bắt đầu học tiểu học.

Vì Nam chọn du học ở Mỹ nên anh chị thường mua cho Nam những sách nói về văn hóa, văn học, lịch sử của nước Mỹ để cho Nam đọc. Trước khi Nam đi du học, chị cùng Nam đi học một khóa nấu ăn. Và khoảng thời gian Nam chuẩn bị đi, hầu như thời gian hai mẹ con dành cho việc ở trong bếp, cùng nhau làm việc nhà, chị dạy Nam các kĩ năng giữ an toàn…

Khi Nam bắt đầu đi học xa nhà? Điều gì khiến chị cảm thấy lo lắng nhất?

Nam vốn là một cậu bé tình cảm, hay lo và thương cho mẹ nên điều chị lo lắng nhất là Nam khó chiến thắng được cảm xúc. Chị sợ Nam vì nhớ nhà mà bị ốm.

Mẹ Nhật Nam: “Dành yêu thương và thời gian cho con càng nhiều càng tốt” 2
Mẹ luôn là người bạn lớn đồng hành cùng Nhật Nam trên mọi con đường thành công. (Ảnh: Zing)

Nếu chị được nói một câu thôi về cậu con trai yêu thương của mình, thì đó sẽ là câu….?

Luôn lạc quan, biết yêu đời, yêu người và yêu bản thân mình, sẵn sàng chấp nhận và vượt qua thử thách.

Ranh giới giữa việc bố mẹ luôn đồng hành cùng con và việc con bị phụ thuộc vào sự có mặt của bố mẹ trong mọi việc mình làm dường như rất mong manh. Chị đã bước qua ranh giới đó như thế nào để Nam có thể tự lập, tự tin với mọi việc mình làm với tâm thế luôn có bố mẹ ở bên mình?

Điều này chị xây dựng khi Nam còn bé. Mỗi khi Nam thực hiện một việc gì, mình thường “lờ” đi, giả như không biết để Nam tự loay hoay và mặc sức sáng tạo. Mình cũng không có thói quen làm thay, làm hộ. Trong gia đình mình, mọi việc được phân công rất rõ ràng, ai cũng có nhiệm vụ riêng và có trách nhiệm phải hoàn thành. Mọi người có thể làm giúp nhau nhưng phải cố gắng để hoàn tất phần việc của mình. Ngay cả việc học của Nam, chị cũng không can thiệp quá sâu.

Mỗi khi Nam ngồi học, chị thường ngồi cạnh để làm việc của mình, giữ im lặng. Khi nào Nam thực sự “bí” mẹ mới tìm cách gợi ý. Không bao giờ có khái niệm “làm thay” hay làm hộ. Vì thế, Nam rất không thích khi bị áp đặt theo một khuôn mẫu nào đó, nhất là khi viết văn.

Để Nam thích thú với vai trò độc lập của mình, chị thường “giả vờ” hỏi bài Nam hoặc nhờ Nam làm giáo viên. Điều đó khiến Nam tin tưởng và tự mình thực hiện các công việc. Nói tóm lại, chị luôn đóng vai trò là người đi bên, đi cùng chứ không phải là người chỉ giáo, ra lệnh. Điều này chị luôn tự dặn mình và thực hiện một cách nghiêm túc.

Mọi người vẫn yêu mến gọi Nhật Nam là “thần đồng”, vậy có thể coi hành trình nuôi dạy con của chị, ngay từ đầu là “hành trình nuôi dạy một thần đồng” không?

Không! (Cười rạng rỡ) Chị chưa bao giờ nghĩ đến danh xưng đó, ở mọi thời điểm. Nam là cậu bé bản lĩnh, luôn cố gắng nỗ lực để vươn lên, biết dùng tình yêu thương của mình trở thành sức mạnh nội tâm. Vậy thôi.

Mẹ Nhật Nam: “Dành yêu thương và thời gian cho con càng nhiều càng tốt” 3
Nhật Nam và mẹ chụp ảnh "tự sướng" trong một chuyến đi chơi. (Ảnh: NVCC)

Trao cho con trí thông minh cảm xúc

Cơn sốt dạy con thông minh vẫn chưa hết nóng đối với các cha mẹ Việt, quan điểm “dạy con thông minh” của mẹ Nhật Nam như thế nào ạ?

Quan điểm của chị về việc dạy con thông minh là: Con có khả năng quan sát những sự vật, sự việc xung quanh và đưa ra những nhận xét của cá nhân. Con có khả năng ghi nhớ tốt. Có sức suy nghĩ, óc tưởng tượng phong phú. Biết cảm nhận vẻ đẹp của thế giới xung quanh, biết thể hiện xúc cảm tình cảm của mình một cách thành thực, đúng mực. Có khả năng thực hành, biết tận dụng những kinh nghiệm trong quá trình lao động và cuối cùng là biết sáng tạo trong khả năng của mình.

Trong quá trình dạy Nam, chị rất chú trọng đến mục tiêu này. Ví dụ, để nâng cao khả năng quan sát, chị đã cố gắng dạy Nam từ khi còn rất nhỏ.

Qua những bài thơ và chia sẻ của Nhật Nam, có thể thấy tình cảm gắn bó của Nam với bố mẹ vô cùng yêu thương và bền chặt, chị đã xây dựng “trí thông minh cảm xúc” cho Nam như thế nào?

Đây có lẽ là điều mà chị cũng rất quan tâm trong quá trình nuôi dạy Nam. Để tạo dựng trí thông minh cảm xúc, chị thực hiện theo những điều sau:

- Luôn nói chuyện, dành thời gian cho con nhiều nhất có thể.

- Thực sự coi con là bạn. Chị nhấn mạnh từ “thực sự”. Khi đã coi là bạn, mình sẵn sàng bỏ “quyền lực” làm cha mẹ để ngồi xuống nói chuyện với con hoặc ngẫm nghĩ xem, bằng tuổi như con, mình gặp phải những khó khăn gì, mình mong muốn gì ở cha mẹ.

- Không ngại ngần thể hiện tình cảm giữa những người thân trong gia đình, giữa bố với mẹ, giữa bố mẹ với ông bà. Mục đích là để con có “trực quan” một cách sinh động nhất.

- Cho con tham gia những hoạt động từ thiện. Cho con được biết những cảnh đời xung quanh.

- Luôn khuyến khích và nâng đỡ để con phát huy khả năng của mình. Không tập trung nhìn vào những điểm yếu của con.

- Hướng con đến những tác phẩm văn học giàu tính nhân văn và cùng con trò chuyện về những tác phẩm đó.

- Dạy con về “vạn vật hữu linh” để con biết rung động và đồng cảm với thế giới quanh mình.

Tất cả những điều đó cộng vào khiến con biết trải lòng mình, yêu thương bố mẹ và luôn biết tin tưởng, luôn tìm được điểm tựa tin cậy.

Mẹ Nhật Nam: “Dành yêu thương và thời gian cho con càng nhiều càng tốt” 4
Tủ sách nhà Nhật Nam luôn đầy ắp những câu chuyện nhân văn để hai mẹ con cùng đọc và ngẫm nghĩ. Đọc sách cho con là một thói quen mẹ Nhật Nam duy trì hàng ngày từ khi con còn ở trong bụng mẹ. (Ảnh: NVCC)

Ở từng độ tuổi của Nhật Nam, chị có những ưu tiên như thế nào khi đặt các mục tiêu trong việc dạy con, chị có thể chia sẻ ngắn gọn các ưu tiên đó với độc giả được không ạ?

Điểm ưu tiên chung trong tất cả các giai đoạn đó là về thể chất. Chị mong Nam luôn khỏe mạnh. Còn về trí tuệ, cũng khó có thể tách biệt rạch ròi, nhưng cũng có thể chia như sau:

- Giai đoạn con từ 0-3 tuổi: Phát triển ngôn ngữ

- Giai đoạn con từ 3-6 6 tuổi: Phát triển các kĩ năng tiền học đường

- Giai đoạn tiểu học: Phát triển kĩ năng tự phục vụ.

- Giai đoạn tuổi teen: Phát triển kĩ năng giao tiếp, kĩ năng tự lập.

Có thể thấy, chị đặc biệt coi trọng vai trò của gia đình, bố mẹ trong việc nuôi dạy con và hình thành cá tính của con?

Chị đã từng nói, con cái là tấm gương phóng chiếu của bố mẹ. Những việc bố mẹ làm, những lời bố mẹ nói đều có tác động đến việc hình thành tính cách của con.

Mọi người thường nhìn thấy nụ cười rạng rỡ của chị trước những thành công mà Nam đã đạt được, nhưng chắc chắn đằng sau những thành quả ngọt ngào đó sẽ có những khó khăn và mệt nhọc mà bất cứ người mẹ nào cũng sẽ phải trải qua, vậy khó khăn lớn nhất mà chị đã phải trải qua từ khi trở thành “mẹ Nhật Nam” là gì? Chị đã vượt qua nó như thế nào?

Thực sự nếu ngồi nghĩ lại cả tuổi thơ của Nam, trong chị chỉ dâng lên đầy những kỉ niệm ngọt ngào. Nam là cậu bé khá dễ nuôi, dễ ăn, dễ ngủ và dễ tính. Vậy nên chị không mấy vất vả. Trong quá trình nuôi dạy Nam, ban đầu chị cũng hay bị căng thẳng vì nghĩ là phải theo những chuẩn này chuẩn kia. Nhưng sau chị tự học cách “thiền”, để tâm trí mình tĩnh lặng và chỉ dành yêu thương, dành thời gian cho Nam càng nhiều càng tốt. Kể từ đó, chị cân bằng trước mọi chuyện và không thấy có khó khăn gì cả.

Nhiều người nghĩ rằng chắc chị hay Nam phải cố gắng để giữ vững những thành công mà Nam có được. Nhưng chị luôn nói chuyện với Nam rằng, ai trong cuộc đời này rồi cũng sẽ viết nên câu chuyện của riêng mình. Mỗi ngày con hân hoan tận hưởng cuộc sống này và cố gắng cống hiến những gì tốt đẹp trong khả năng của mình, đó là khi con đã thành một “công dân thứ thiệt” rồi.

“We choice Awards” là giải thưởng thường niên do Công ty cổ phần VC Corp tổ chức nhằm tôn vinh những nhân vật, sự kiện, sản phẩm được quan tâm và yêu thích nhất trong năm. Đây có thể coi là giải thưởng đầu tiên tại Việt Nam mà sự quyết định phụ thuộc hoàn toàn vào sự bình chọn của các bạn.

Mẹ Nhật Nam: “Dành yêu thương và thời gian cho con càng nhiều càng tốt” 5
Chia sẻ