Mẹ Mỹ tròn mắt khi cho con học mầm non ở Đức: Không học hành, chỉ chơi và làm vườn

Huyền Nguyễn,
Chia sẻ

Các hoạt động học chữ, học số không hề được khuyến khích tại trường mầm non ở Đức mà phần lớn thời gian, trẻ được tự do lựa chọn sẽ chơi gì và chơi ở đâu.

Việc chuyển sang Đức sinh sống và xin cho con trai vào một trường mầm non ở đất nước này đã thay đổi hoàn toàn cái nhìn của tôi về nền giáo dục Mỹ.

4 tháng trước khi bắt đầu năm học mới, chồng tôi nhận một công việc mới ở Đức và cả nhà tôi đăng ký cho con học tại một trường mầm non Đức. Đột nhiên, con trai tôi chuyển từ một ngày tràn ngập các hoạt động liên quan tới đọc và làm toán sang một ngày gần như đầy ắp các hoạt động chơi tự do. Khi bé bắt đầu đi học mẫu giáo ở Mỹ, con vui vẻ làm việc với những chữ cái, những con số và việc viết lách. Hàng tuần, đều có dự án nghệ thuật phải hoàn thành và lớp tập thể hình dành cho trẻ thì hoạt động 2 lần/tuần. 

Trong vài tháng còn ở Mỹ, con thậm chí đã kịp tham gia một chuyến đi dã ngoại tại một vườn bí ngô. Tại hội thảo gặp gỡ phụ huynh và giáo viên ở trường mới, tôi không hề ngạc nhiên khi được thông báo rằng, con đang phải nỗ lực một chút để vượt qua giai đoạn chuyển đổi và cháu rất giỏi môn Toán. 

Mầm non ở Đức
Đột nhiên, con trai tôi chuyển từ một ngày tràn ngập các hoạt động liên quan tới đọc và làm toán sang một ngày gần như đầy ắp các hoạt động chơi tự do. 

Ở Đức, tuổi đi học chính thức là 6 tuổi. Trẻ từ 3 đến 5 tuổi có thể đến trường mầm non nhưng không bắt buộc (mặc dù phần lớn phụ huynh đều chọn gửi con đến trường). Ở trường mầm non, các môn học không được chú trọng. Bạn không hề đọc nhầm đâu. Trường mầm non Đức không dạy các môn học. Bọn trẻ không hát bài hát về bảng chữ cái. Bọn trẻ không thực hành viết các con chữ. Không hề có kỳ vọng rằng trẻ phải biết chút kiến thức nào đó liên quan tới chữ và số trước khi bắt đầu vào lớp 1.

Tôi vẫn nhớ cách đánh giá sự sẵn sàng của trẻ đã được chuẩn bị thế nào tại trường mầm non ở Mỹ. Các giáo viên ở trường tiền lớp 1 của con trai tôi hỏi cháu về trường hợp chữ viết hoa và chữ viết thường cũng như về cách phát âm chữ cái. Con cũng được yêu cầu viết tên mình, cắt một hình tròn và xác định các con số. Ở Đức, mức độ sẵn sàng cho lớp 1 lại được đánh giá hoàn toàn khác. Con trai tôi được yêu cầu đếm đồ vật chứ không phải nhận diện mặt số. Con được kiểm tra khả năng phân biệt giữa các hình dạng khác nhau và vẽ một số vật thể đơn giản. Cháu chưa từng được chỉ cho biết một chữ cái nào. Điều này khiến tôi cảm thấy thật rối trí. 

Bắt đầu lớp 1 là chuyện lớn và trẻ em Đức đều cảm thấy hào hứng, hãnh diện với suy nghĩ mình sẽ được học đọc, học viết và trở thành một trong số những học sinh (schulkinder).

Thành thực mà nói, tôi cảm thấy việc các môn học thuật không được dạy ở trường mầm non cũng chẳng sao nhưng sự thiếu sót về những cấu trúc hoạt động và sự hướng dẫn, chỉ dạy của giáo viên khiến tôi vô cùng bối rối, lo lắng. Ở trường mầm non mới của con trai tôi, có khoảng 30 bé mỗi tập trung mỗi sáng, tạo cảm giác rất thoải mái và giống như ở trường Mỹ nhưng tiếp sau đó là chuỗi các hoạt động chơi tự do. 

Bọn trẻ sẽ xác định xem mình muốn chơi ở đâu bằng cách đặt một miếng nam châm lên tấm bản đồ gắn trên lớp. Sau đó, chúng sẽ tản ra các phòng khác nhau đã được bố trí sẵn vô số đồ chơi và hoạt động. Trong chuyến tham quan trường, tôi ngây thơ hỏi giáo viên rằng liệu lúc nào cũng có người lớn trong từng phòng học không. Cô giáo nhìn tôi với vẻ như đang thương hại cho kiểu cách quá cẩn trọng đúng phong thái Mỹ của tôi và chỉ nói: “Bọn trẻ không cần người lớn có mặt trong từng phòng”.

Cấu trúc của phần thời gian còn lại trong ngày bao gồm 30 phút làm vườn bắt buộc. Và tôi nhấn mạnh rằng đây là việc bắt buộc. Như người Đức thường nói, chẳng có thời tiết xấu, chỉ có quần áo không phù hợp. Do đó, tất cả trẻ em ở trường đều được yêu cầu mặc áo mưa, đi ủng mưa và quần mưa khi cần. Sau đó là bữa trưa, tiếp nối bằng giờ ngủ trưa, thời gian tĩnh lặng hoặc thời gian tập thể dục thể thao (tuỳ theo độ tuổi và lựa chọn của phụ huynh). Vào buổi chiều, trẻ được chơi tự do nhiều hơn và nếu thời tiết cho phép, trẻ buộc phải ra ngoài chơi ít nhất 1 tiếng đồng hồ. 

Trường mầm non ở Đức
Tại các trường mầm non ở Đức, bọn trẻ được lựa chọn chơi theo ý mình và không phải lúc nào cũng có giáo viên trong các phòng học.

Bất chấp những lo lắng của tôi, Buddy có vẻ rất vui vẻ và thích thú. Con trở về nhà mỗi ngày đều mỉm cười rất tươi, với vô số câu chuyện khiến trái tim tôi rạo rực. “Mẹ ơi, hôm nay con cầm một cái rìu nhưng nó bị gãy khi con bổ vào một cái cây. Thế là cô giáo giúp con sửa lại cái rìu bằng đinh”, vừa thở hổn hển, con vừa líu lo kể. Hay “Mẹ ơi, trong chuyến đi thăm đồng ngày hôm nay của chúng con, có một bạn gái bị lạc nhưng mọi người đã tìm thấy bạn ấy”. (Thứ 5 hàng tuần, cả lớp sẽ đi thăm đồng bằng tàu điện ngầm. Mỗi thứ 5, tôi đều cảm thấy vô cùng lo lắng và căng thẳng). Con trai có vẻ ngày càng tự tin và lần đầu tiên, thằng bé chủ động kết bạn. Đây là một chiến công mà con chưa từng đạt được khi còn học ở Mỹ.

Tuy nhiên, dù đã cố gắng hết sức có thể để thích nghi với phong cách Đức, vẫn còn vài thứ tôi không thể tiếp nhận nổi.

Việc thiếu hướng dẫn, chỉ dạy luôn tạo ra mớ cảm xúc lo lắng hỗn độn trong lòng tôi mỗi lần đưa con tới trường. Sự thiếu hụt đó, cùng với quan điểm chung của nhiều cha mẹ Đức rằng trẻ nên tự xử lý mọi việc, khiến tôi phải viện tới cả cách nhìn nhận của ông xã về chuyện sẽ không sao nếu để bảo vệ bản thân, phải đánh bạn khác. Đây là điều mà tôi không bao giờ nên nói khi ở Mỹ.

Tôi cũng không thực sự cảm thấy thoải mái với hướng tiếp cận hoàn toàn nói “không” với các môn học thuật. Tôi nhận ra điều này khi giáo viên của con trai tôi gợi ý rằng có thể cháu không sẵn sàng cho lớp 1. Buddy có sinh nhật vào mùa hè và giống như Mỹ, thông thường những đứa trẻ như vậy sẽ được giữ lại thêm 1 năm trước khi bước vào tiểu học. Đó là một gợi ý hợp ý nếu xét tới rào cản ngôn ngữ nhưng tôi lại kịch liệt phản đối. Với tôi, như thể chúng tôi đang giữ cháu lại 1 năm. Con vốn đã lỡ một năm học thuật rồi và tôi không thể để con lỡ thêm một năm nữa. Tôi không thể chấp nhận thêm một năm nữa, con chỉ toàn chơi tự do. 

Taylor Johnson là một chuyên gia phân tích hành vi có bằng cấp được công nhận tại nhiều nước. Cô cũng là mẹ của hai đứa trẻ phần lớn thời gian là rất đáng yêu (một lên 5 và một lên 7) và góp mặt trong danh sách những người mê đọc sách. Mới đây, Johnson cùng gia đình đã chuyển từ Mỹ sang Đức, nơi cô đang miệt mài cố gắng để học tiếng Đức và ăn socola châu Âu mỗi ngày.


Nguồn: Parentmap
Chia sẻ