Mẹ chồng góp 500 ngàn tiền ăn mỗi tháng còn "lu loa" lên 5 triệu, con dâu đành 1 lần vùng lên

Kẹo ,
Chia sẻ

Hân cười mà lòng nổi sóng. Sao mẹ chồng cô lại có thể biến 500 thành 5 triệu một cách quá đáng như thế chứ! Thế này thì cô sẽ không nhịn nữa đâu!

Hân ngồi cộng cộng tính tính. Cô nhìn vào cuốn sổ ghi chép ăn tiêu hàng tháng mà thở dài ngao ngán. Hân về làm dâu nhà Cương cũng đã ngót 3 năm. Việc sống chung với nhà chồng không quá kinh khủng đối với cô nhưng đôi khi Hân lại phải đau đầu bởi những lúc khó xử thế này.

Mẹ chồng Hân bán hàng ở chùa. Thường thì cả năm bà chỉ ngồi bán 2 tháng là trước Tết và đầu năm, còn thi thoảng bà dọn hàng thêm ngày mùng 1, mười rằm. Bởi chỉ có thời điểm ấy người ta mới đi lễ bái nhiều. Bố chồng Hân thì về hưu nên ở nhà chăm lo vườn tược, nuôi vài con gà, trồng mấy luống rau, vừa vui mà lại có thêm nguồn thức ăn sạch cho gia đình.

Ngay từ ngày mới về làm dâu, mẹ chồng Hân đã tuyên bố vợ chồng cô không cần cơm đóng gạo góp mỗi tháng mấy triệu làm gì. Bà bảo: "Giờ bố mẹ còn khỏe, không cần phải các con phụng dưỡng. Có thì chợ búa, mua sắm thêm với mẹ tí nào cũng được, cứ nằm trong khả năng kinh tế của hai đứa". Nghe vậy Hân cũng phấn khởi lắm. Nhưng cứ đến thời điểm mẹ chồng cô đi bán hàng, không thể đi chợ thường xuyên là bà góp tiền với cô.

Mẹ chồng đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Người làm con như Hân có nấu vài bữa cơm, dọn dẹp cái nhà thì cũng chẳng có gì to tát. Nhưng điều đáng nói là bà yêu cầu Hân mang cơm vào nơi bán hàng cho bà ngày 3 bữa vì bà không có thời gian về nhà ăn. Và từ bấy đến nay, kinh tế có đi lên đi xuống thế nào thì mẹ chồng cũng chỉ đưa con dâu 500 nghìn tiền ăn với lý lẽ: "Lúc nào tiện gặp cái gì ngon mẹ lại mua thêm". Nhưng tính ra, cả tháng bà thêm được với cô cân thịt, lạng giò hay chút hoa quả ế mà bà không bán hết.

Hân chán nản vô cùng, 500 nghìn còn chẳng đủ để nộp tiền điện. Cô có than thở thì Cương lại an ủi: "Thôi em, một năm có 2, 3 tháng thôi mà. Mình là con cái, chịu thiệt tí có sao!". Nghe thì cũng chẳng có gì là bất hợp lý và Hân đã xuôi xuôi lòng. Thế nhưng một ngày...

"Giỏi nhỉ, con cái việc nhà như thế mà vẫn cơm nước chu đáo cho mẹ chồng. Thôi con ạ, chịu khó vậy, mẹ mày đưa 5 triệu như thế là biết điều rồi. Bà ấy ở trong này cũng bán hàng tới tấp nên mệt lắm đấy!", bác trông xe đon đả nói chuyện với Hân khi cô mang cơm vào cho mẹ chồng. Hân cười mà lòng nổi sóng. Sao mẹ chồng cô lại có thể biến 500 thành 5 triệu một cách quá đáng như thế chứ! Thế này thì cô sẽ không nhịn nữa đâu!

"Mẹ ạ, con có chút chuyện muốn nói với mẹ", Hân đứng ngoài phòng mẹ chồng gõ cửa rồi nói vọng vào. Vừa mở cửa ra cô đã thấy bà đang cất nhanh chỗ tiền hàng, có vẻ không ít như bà vẫn than thở. Hân mở lời: "Đợt này bán được không mẹ?". Chẳng phải hỏi cô cũng biết được câu trả lời quen thuộc. "Ế lắm, giờ người ta toàn sắm sẵn lễ ở nhà, ai mua bán nhiều làm gì!", mẹ chồng Hân đáp.

Mẹ chồng góp 500 ngàn tiền ăn mỗi tháng còn lu loa lên 5 triệu, con dâu đành 1 lần vùng lên - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Hân giấu nụ cười đắc ý với câu trả lời vừa rồi, cô được thể: "Đấy, con nói mẹ rồi, mẹ đi từ sáng đến tối, ngồi vật vờ ở cái cổng chùa mà cứ 'ông ơi bà hỡi' thế chỉ hại sức khỏe. Con có ý kiến thế này. Thôi thì mẹ đi bán hàng tháng đc có 500, 1 triệu chẳng đủ ăn sáng mà lại còn phải đóng góp với con 500 rồi nên mẹ nghỉ hẳn đi. Bà trông cháu giúp con cho con đi làm, tháng con gửi bà 3 triệu. Bà mà không đồng ý là con nói với ông đấy. Chứ đi bán hàng lãi lờ thế này mà mẹ cứ cố, chúng con không đành lòng đâu!".

Mẹ chồng Hân nghe xong mà giật mình thon thót. Bố chồng cô dù không hay tham gia mấy chuyện đàn bà nhưng biết việc vợ mình ỉ lại vào con cái trong kinh tế chắc chắn cũng chẳng để yên. Thế nên lời lẽ của Hân vừa rồi đúng là vừa khiến mẹ chồng cô sợ lại không thể trách móc gì được con dâu. Phen này nếu bà muốn yên ổn thì phải nâng cấp cái con số 500 kia lên mấy lần thôi.

Chia sẻ