Mẹ cẩn trọng khi đắp khoai tây, lòng trắng trứng hạ sốt cho trẻ sau khi tiêm chủng

D.Hải,
Chia sẻ

Nhìn vết tiêm chủng sưng tấy, con hâm hấp sốt sau mỗi lần đi tiềm về khiến nhiều mẹ sốt ruột tìm đến các biện pháp tự nhiên hy vọng sẽ giúp con nhanh khỏi. Nhưng việc làm đó có thực sự an toàn?

Các mẹ "rỉ tai" nhau loạt biện pháp hạ sốt, giảm sưng tấy sau khi tiêm chủng

Trẻ bị sốt, vết tiêm sưng tấy sau khi đi tiêm chủng về không phông phải tình trạng hiếm gặp, đặc biệt với các mũi tiêm tổng hợp như 5in1. Với trẻ nhỏ chỉ vài tháng tuổi, lịch tiêm dày đặc nên phản ứng sốt sau tiêm của trẻ khiến các mẹ vô cùng lo lắng. Có nhiều biện pháp tự nhiên được các mẹ hay "rỉ tai" nhau để hạ sốt, giảm sưng tấy cho trẻ sau khi tiêm hoặc để phòng tránh hiện tượng sốt sau tiêm chủng như đắp khoai tây, chườm đá lạnh, đắp lá, dán miếng hạ sốt, bôi lòng trắng trứng gà...

Mẹ cẩn trọng khi đắp khoai tây, lòng trắng trứng hạ sốt cho trẻ sau khi tiêm chủng - Ảnh 1.

Các mẹ tìm đến nhiều cách tự nhiên với hy vọng vết tiêm của con bớt sưng tấy và giúp con hạ sốt sau tiêm (Ảnh minh họa).

Trên một hội nhóm dành cho các mẹ bỉm sữa với hàng trăm nghìn thành viên, bà mẹ P.K hỏi: "Các mom ơi, em mới cho con đi tiêm mũi 5in1 về. Có người nói đắp lòng trắng trứng gà vào vết tiêm. Có nên không ạ?". Ngay sau khi "đăng đàn", các mẹ tới tấp vào comment, đưa ra lời khuyên. Bà mẹ V.T thì khuyên: "Không nên đắp gì vào hết mom ạ. Muốn con không sốt cao thì mom nướng củ hành đập dập ra xong cột vô cổ tay trái của con cho đỡ sốt". Một mẹ khác có nickname D.T thì gợi ý giải pháp: "Đắp khoai tây ở chỗ chích ấy bạn, mình đắp khoai tây cho con mình rồi". Cũng là phương pháp đắp khoai tây, một mẹ bỉm sữa khác là K.T.T hướng dẫn cụ thể hơn như sau: "Đắp khoai tây thái lát, mom cắt ở giữa để hở chỗ tiêm là được". Thêm một phương pháp hạ sốt khác được mẹ K.H "rỉ tai" đó là: "Chị bôi nha đam xung quanh chỗ tiêm" hay "Cắt miếng dán hạ sốt dán vào. Khoét lỗ để hở chỗ tiêm nhé"...

Nói về những biện pháp dân gian được các mẹ "rỉ tai" nhau trên, PGS. TS Trần Minh Điển - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cảnh báo: "Thấy con đi tiêm về sốt, vết tiêm tấy đỏ mà người lớn vội vàng đắp lá, đắp khoai tây hay lòng trắng trứng gà vào vết tiêm là sai lầm lớn. Vì với vết tiêm hở có thể sẽ bị vi khuẩn tấn công, gây nên tình trạng nhiễm khuẩn huyết vô cùng nguy hiểm".

PGS.TS Trần Minh Điển cũng giải thích thêm rằng: "Hầu hết các phản ứng sau khi tiêm vắc xin như sốt, sưng, nóng, đỏ, đau là nhẹ và sẽ tự khỏi. Tai biến nặng là rất hiếm. Một số phản ứng nặng sau tiêm vắc xin có thể do trẻ mắc các bệnh trùng hợp ngẫu nhiên như tim bẩm sinh, sặc sữa, nhiễm trùng huyết, xuất huyết não, đột tử...".

Những điều cần lưu ý khi đưa trẻ đi tiêm chủng

Để bảo vệ sức khỏe của trẻ, PGS. TS Trần Minh Điển lưu ý: "Phản ứng sau tiêm chủng ảnh hưởng đến niềm tin và sự hưởng ứng của cộng đồng đối với việc tiêm vắc xin… Tuy nhiên nếu cha mẹ "quay lưng" với việc tiêm chủng cho trẻ thì sẽ làm giảm tỷ lệ tiêm vắc xin, làm giảm miễn dịch cộng đồng, bệnh dịch có nguy cơ quay trở lại. Bộ Y tế khuyến cáo các bậc cha mẹ nên đưa con đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng để phòng các bệnh nguy hiểm".

Mẹ cẩn trọng khi đắp khoai tây, lòng trắng trứng hạ sốt cho trẻ sau khi tiêm chủng - Ảnh 2.

Dưới đây là những lưu ý bố mẹ cần nhớ khi đưa trẻ đi tiêm chủng, theo khuyến cáo của PGS.TS Trần Minh Điển:

- Trước khi đưa trẻ đi tiêm vắc xin, bố mẹ, người thân cần chuẩn bị đầy đủ sổ tiêm chủng, đồng thời theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ. Ngoài ra, gia đình cũng cần thông báo với cán bộ y tế ở nơi tiêm chủng tiền sử bệnh tật/sử dụng thuốc của trẻ và phản ứng sau tiêm chủng các lần tiêm trước.

- Yêu cầu cán bộ y tế khám sàng lọc để nắm được tiền sử bệnh/sử dụng thuốc/tiền sử dị ứng và tiền sử tiêm chủng/phản ứng sau tiêm... của trẻ.

- Sau khi tiêm chủng phải ở lại nơi tiêm ít nhất 30 phút để theo dõi tình hình sức khỏe của trẻ. Nếu trẻ có bất cứ dấu hiệu bất thường như: khóc lóc, khó chịu, nôn trớ, vết tiêm quầng đỏ lan rộng, nổi ban... cần thông báo cho cán bộ y tế ngay lập tức.

- Tiếp tục theo dõi các biểu hiện của trẻ tại nhà trong khoảng 1 - 2 ngày sau khi tiêm chủng.

- Tuyệt đối không đắp bất cứ thứ gì vào vị trí tiêm của trẻ.

- Đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế khi có các dấu hiệu sau: sốt cao trên 39 độ C hoặc sốt kéo dài hơn 1 ngày; quấy khóc dai dẳng; người mệt mỏi, lừ đừ; khó thở; nôn trớ, bỏ bữa, kém ăn; co giật, phát ban...

Chia sẻ