Mẹ bầu "rỉ tai" nhau cách đánh dấu con để tránh tình trạng trao nhầm

T.Q,
Chia sẻ

Đề phòng sự cố hy hữu trao nhầm con không xảy ra với mình, nhiều bà bầu đã "rỉ tai" nhau rất nhiều cách "đánh dấu" con phong phú.

Trao nhầm con - chuyện tưởng như chỉ có trong kịch bản của những bộ phim Hàn Quốc đã xảy ra nhiều trường hợp giữa đời thực. Câu chuyện về người phụ nữ hơn 40 tuổi đăng tin tìm con gái bị trao nhầm ở nhà hộ sinh Ba Đình, Hà Nội và một câu chuyện trao nhầm con đẫm nước mắt khác từ 29 năm trước tại nhà hộ sinh quận Đống Đa, Hà Nội của một người mẹ hơn 50 tuổi mới đây đã khiến dư luận xôn xao. 

Các bà bầu, đặc biệt là những người sắp lâm bồn và người lần đầu làm mẹ đứng ngồi không yên vì lo lắng kịch bản trao nhầm kia "vận" vào mình. Dù biết là chuyện hi hữu song đề phòng bất trắc xảy ra, trên nhiều hội nhóm và diễn đàn dành cho các mẹ bỉm sữa, những người đã và sắp sinh con đều nhiệt tình chia sẻ những cách "đánh dấu" con khác nhau.

Mẹ Việt thi nhau khoe cách đánh dấu con khi sinh

Chị Phan Hải (quê Nam Định) kể: "Mẹ mình xem phim Hàn Quốc, có lẽ bị ảnh hưởng nên lúc mình mang thai con đầu lòng lo lắng lắm, lúc nào cũng dặn phải cẩn thận không lúc sinh bị trao nhầm con. Mình có giải thích đủ kiểu, rằng ở bệnh viện y tá cũng cẩn thận, sẽ đeo số cho cả mẹ và con mà mẹ vẫn không yên tâm, bảo lỡ người ta tráo số thì sao. Rồi mẹ mình nghĩ ra cách tết sẵn một chiếc vòng bằng len đỏ, sắp sẵn trong giỏ đồ đi sinh của mình, lúc nhập viện sinh, dặn các hộ lý là khi mặc quần áo cho bé nhớ đeo hộ chiếc vòng này để đánh dấu".

Lo lắng bị nhầm con, cháu không hẳn chỉ các bà, các mẹ cẩn thận mới nghĩ tới. Anh Quang - chồng chị Loan (Đà Nẵng) còn có một cách đánh dấu khác: "Chồng em lúc trước sinh còn cẩn thận ghi tên mẹ vào áo con bằng son đỏ, sinh xong cô y tá mặc cái áo đó cho con luôn rồi cho nằm cùng mẹ lúc mẹ đang khâu, đẩy cáng ra ngoài vẫn nằm cùng nhau cho đến khi về phòng bệnh. Nhưng con em đẻ ra giống y hệt bố, người ngoài nhìn qua là biết bố con vì giống nhau khủng khiếp. Nhưng bé thứ hai chưa biết thế nào nên chắc cũng phải đánh dấu cẩn thận".

Trao nhầm con
Theo các sản phụ từng đi sinh, quy trình "đánh dấu" mẹ và con ở các bệnh viện khá cẩn thận nên các bà bầu sắp sinh không nên quá lo lắng bị trao nhầm con.

Tâm lý sợ bị trao nhầm con đã khiến các bà bầu chuẩn bị lâm bồn hết sức hoang mang. Một mẹ mang thai ở tuần 34 tâm sự: "Vợ chồng em sợ nhầm lắm, em đã dặn chồng là lúc đi sinh làm gì thì làm cứ phải chụp ảnh các kiểu, chụp từng bộ phận chân, tay, tóc, tai... của con, không lỡ bị rơi mất hay nhầm lẫn số thì biết đâu mà tìm".

Chị Phan Thúy Ly (Uống Bí, Quảng Ninh), đang mang thai ở tuần thứ 36 hết sức lo lắng khi ngày sinh đã cận kề. Chị tâm sự: "Trước khi sinh cũng đủ nỗi lo nhưng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện trao nhầm con. Giờ nghe những chuyện trao nhầm con kia, mới giật mình, có đêm nằm không thể chợp mắt, chỉ sợ lúc mình sinh sơ sẩy mà con lại bị nhầm cho người khác thì biết làm thế nào. Nơi mình dự sinh không đông đúc như ở các thành phố lớn, song để đề phòng, ngoài việc đánh dấu bằng tên, bằng vòng hay quần áo, chắc mình sẽ dặn người nhà xin hết số điện thoại các sản phụ sinh cùng giờ hoặc nằm cùng phòng. Lỡ có gì không may còn gặp được nhau mà giải quyết sớm".

Có một cách phổ biến các các mẹ sắp sinh "truyền tai" nhau đó là dùng vòng dâu tằm hoặc một chiếc vòng đặc biệt để nhận dạng con vì lo lắng các bé mới sinh thường rất giống nhau mà người thân khi đưa đi thăm khám, tắm cho bé sẽ dễ nhận nhầm. Ngoài ra, một cách "ăn chắc" hơn cũng được các mẹ nghĩ đến ghi đầy đủ thông tin, bao gồm cả số điện thoại của bố mẹ vào một mảnh giấy và dán chặt vào lớp áo trong của con.

Nhầm con là chuyện khá hy hữu

Tuy nhiên, theo các mẹ đã từng sinh con thì việc trao nhầm con chỉ là hiện tượng hy hữu, các bà bầu không nên quá hoang mang bởi hiện nay, các bệnh viện cũng có cách đánh dấu rất cẩn thận và quy trình trao - nhận con được kiểm soát sát sao. 

Sinh con ở nước ngoài, Chị Đoàn Phạm Hà Trang chia sẻ: "Mình sinh ở một bệnh viện tại Úc. Khi sản phụ đến ngày sinh nở, sau khi đến bệnh viện được các bác sỹ kiểm tra đúng các triệu chứng gần sinh, bác sỹ sẽ lấy hồ sơ sản phụ theo đúng tên khai báo. Kiểm tra xong tình trạng sản phụ, bác sĩ sẽ đưa cho mẹ hospital tag (Đánh dấu) và tận tay đeo vào tay bệnh nhân. Hospital tag này họ đã làm sẵn từ khi theo dõi kì thai sản. Vì mỗi lần kiểm tra họ đều có một bản báo cáo lưu lại trong hồ sơ. Mỗi bản báo cáo ấy đều phải có dán hospital tag lên (như nhãn vở học sinh ở nhà mình). Sản phụ sinh nở sẽ có một người nhà vào phòng sinh cùng và chứng kiến từ đầu đến cuối. Khi em bé được các bác sỹ cắt cuống rốn và đặt lên ngực mẹ da tiếp da cũng là lúc y tá sẽ gắn hospital tag lên chân con. Sau đó bố sẽ đẩy mẹ lên phòng sau sinh và bác sỹ đẩy xe nôi của bé đi ngay bên cạnh. Trên hospital tag của bé và trong sổ y bạ được phát ngay sau sinh của bé (sổ này theo bé đến 4-5 tuổi) sẽ có cả tên y tá phụ trách chính ca đẻ. Chính vì vậy nên tình trạng nhầm con có lẽ ít xảy ra".

Mẹ bầu

Mẹ bầu

Mẹ bầu
Hospital tag (vòng đánh dấu) thường thấy ở các bệnh viện tại Úc.

Một mẹ từng đi sinh tại Bệnh viện Từ Dũ, TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, ngoài đeo số cho cả mẹ và con thì các bác sĩ còn dùng bút lông viết tên con mẹ vào cánh tay hoặc chân con. Vết bút lông này rất khó mờ, phải sau vài tuần tắm mới được xóa sạch.

Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, việc ghi số được thực hiện triệt để nhằm tránh nhầm lẫn cho các cặp mẹ con. Sau khi sinh, bác sĩ sẽ trao con cho sản phụ nhận, kể cả với sản phụ đẻ mổ cũng vậy, nhờ đó hai mẹ con sẽ có cái ôm đầu tiên. Tiếp đó, y tá chuẩn bị hai vòng đeo tay với số hiệu giống hệt nhau, đưa cho mẹ kiểm chứng, một chiếc được bấm vào cổ tay mẹ, một chiếc được bấm vào cổ tay hoặc cổ chân con. Khi đã bấm vào tay thì không thể tháo ra được mà chỉ có thể dùng kéo cắt.

Trao nhầm con
Các bệnh viện thường dùng vòng 2 vòng ghi đầy đủ thông tin, một đeo vào tay mẹ, một đeo vào chân con để tránh nhầm lẫn (Ảnh: T.L)

Chị Nguyễn Trang từng sinh con đầu lòng tại Bệnh viện Bưu điện Hà Nội cho biết, việc đánh số cũng được thực hiện tương tự. Mặc dù không được bấm vào tay mà được đeo vào cổ song mỗi lần đi tắm cho bé, các y tá luôn kiểm tra kĩ lưỡng số hiệu của cả mẹ và con trước khi trao - nhận trẻ. Chẳng hạn khi đi tắm, các y tá sẽ không nhận trẻ khi không đeo dây ghi số hiệu. Sau khi tắm xong, người nhà của mỗi bé buộc phải đưa số của mẹ để đối chiếu với số đeo trên người bé, trùng khớp mới được nhận trẻ về phòng.

Bà mẹ trẻ Thanh Hải (26 tuổi) chia sẻ hình thức đeo vòng nhận diện tại khoa sản, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội có độ an toàn khá cao. Trên chiếc vòng này sẽ ghi tên bé, tên mẹ và mã số hồ sơ của mẹ. Chiếc vòng này được thiết kế bằng nút khá chặt, khi đeo vào rất khó rơi ra. Ngoài ra, bệnh viện còn kết hợp đeo vòng với hình thức dùng bút mực ghi mã số lên đùi bé. Loại mực này nếu bé tắm hoặc lau rửa sẽ không bị mờ ngay mà chỉ tự hết sau 5 - 7 ngày.

Tại Bệnh viện Hùng Vương, TP. Hồ Chí Minh, mỗi sản phụ sẽ được đeo một vòng tay ghi đầy đủ họ tên, năm sinh, mã số bệnh nhân. Nếu em bé sinh thường sẽ được nằm ngay trên giường mẹ sau sinh và không được bế đi đâu hết. Nếu sinh mổ, sản phụ được đeo thêm một vòng tay nữa với thông tin như vòng tay đầu tiên, ca mổ kết thúc, một vòng tay sẽ được tháo ra để đeo cho con. Tiếp đó, em bé được đeo thêm một vòng tay ghi cân nặng, giới tính, ngày giờ sinh trước khi trao cho người nhà.
Chia sẻ