BÀI GỐC Mẹ chỉ có một, còn vợ... không người này thì người khác!

Mẹ chỉ có một, còn vợ... không người này thì người khác!

Vợ sống với mình cả đời, nhưng mẹ thì chỉ sống với mình được ngày nào hay ngày nấy. Cả đời mẹ tôi hy sinh vì tôi rồi, giờ cô ấy là vợ tôi thì phải có trách nhiệm chăm sóc bố mẹ tôi.

13 Chia sẻ

May mắn tôi đã thức tỉnh đúng lúc

Nguyễn Toàn,
Chia sẻ

Tôi nhận được cuộc điện thoại của chị gái. Vừa nghe lời chị ấy hét, tôi liền đánh rơi điện thoại, lao như bay đến viện.

Tôi năm nay ngoài 30 tuổi, cái tuổi mà đáng lẽ với người đàn ông là trẻ trung nhất, mang hoài bão và cố gắng lớn nhất. Thế nhưng, tôi mãi chỉ là thằng đàn ông mạt kiếp đớn hèn nếu như không có một người lật giở cuộc đời tôi sang trang mới. Không ai khác, người đó chính là mẹ đẻ tôi.

Tôi là con trai út trong nhà, bố tôi mất khi tôi ngoài 20 tuổi. Có lẽ bố ra đi khi các anh chị cũng đã yên bề gia thất, lại thêm nữa là so với đám bạn cùng xóm thì tôi không được học hành cẩn thận, nên mẹ đẻ luôn sợ tôi chạnh lòng. Nhà tôi khá nghèo, nhưng mẹ không bao giờ bắt tôi làm việc nặng nhọc. Sau khi bố mất 3 năm thì tôi lấy vợ. 

Vợ tôi bị các cô bác hay nhận xét là “khinh người, sống chỉ biết mình”. Gặp họ hàng cô bác, vợ tôi chỉ làm thinh coi như không hay. Nhưng chuyện đáng nói là cô ấy không hề coi trọng mẹ tôi. Và tôi đây - con trai của bà, cũng đã nhu nhược để điều ấy xảy đến với mẹ. Mẹ tôi tính lành, thương con cháu, nói đúng chất quê là lành như cục đất.

Năm sau, vợ tôi có tin vui. Thời gian sau, vợ tôi sinh con trai. Tôi vui sướng như muốn hét lên. Khỏi phải nói mẹ tôi mừng như thế nào. Rồi khi con trai được một tuổi rưỡi, cô ấy xin đi làm công nhân ở một công ty gần nhà, cũng là lúc bắt đầu xuất hiện nhưng phản ứng đáng trách nhất với mẹ tôi.

mẹ

Mẹ thương tôi, thương cháu lắm nên mới nhẫn nhịn như vậy. (Ảnh minh họa)

Tôi thương mẹ nhưng chính khả năng kinh tế của tôi không đủ mạnh nên không nói được vợ. Điều này khiến mẹ tôi phải nhẫn nhịn, hy sinh nhiều, lo nghĩ cho tôi ngay cả khi tôi đã có gia đình riêng. Tôi nói mẹ dùng đồng hồ đo điện chung với nhà tôi để cuối tháng tôi trả tiền luôn cho mẹ. Nào ngờ, một tối, khi mẹ đang ngồi chơi thì vợ tôi ngang nhiên tắt phụt điện, chỉ còn đèn ngủ tối om vì “mẹ ngồi một mình thì cũng không cần sáng”. 

Chuyện chưa dừng ở đó, cô ấy không biết điều ngay cả ở việc nhờ bà nội chăm con. Con còn nhỏ nhưng vợ tôi lại lựa chọn công ty hôm nào cũng tăng ca đến hơn 9h tối. Lương tháng gần chục triệu nhưng mỗi tháng cô ấy chỉ biếu mẹ tôi hơn 100 ngàn. Tiền mua cháo cho con, cô ấy không đưa mẹ, lại đưa cho đứa cháu bên ngoại nhờ nó đi mua mỗi chiều rồi mang cháo ra để mẹ tôi cho con tôi ăn. Ngay cả chuyện đơn giản nhất là chào hỏi mẹ mỗi khi đi làm về, cô ấy cũng rất kiệm lời. Mẹ thương tôi, thương cháu lắm nên mới nhẫn nhịn như vậy.

Có lẽ sự can thiệp của người chồng, người con trai trong một gia đình như thế là vô cùng cần thiết. Thế nhưng, tôi mải chơi bời lêu lổng, ham vui, làm không ra tiền nên không  nói được vợ. Thương mẹ và bất lực, tôi càng chìm đắm trong rượu bia. 

Có lần, tôi về nhà trong ngà ngà men say. Bắt gặp cảnh mẹ đang nói chuyện với vợ về ứng xử của vợ, tôi nổi khùng, đập phá đồ đạc trong nhà. Hàng xóm kéo đến đầy nhà, khuyên can. Lúc sau, khi tôi đã nguôi nguôi, họ ra về hết. Tối đó, trong men rượu và thao thức, tôi nghĩ về mình, về gia đình, về mẹ già của tôi. Mấy ngày sau, tôi luôn tránh mặt mẹ. tôi sợ phải đối diện với người mẹ nhân từ quá đỗi khiến tôi phải xấu hổ

mẹ

Tôi bừng tỉnh, tôi nhận ra mình phải làm gì. (Ảnh minh họa)

Hôm ấy, khi đang bên nhà người bạn chơi, tôi nhận được cuộc điện thoại của chị gái : “Cậu đang ở đâu đấy? Đến bệnh viện T ngay, mẹ bị tai biến đột ngột đang trong phòng cấp cứu”. Tôi đánh rơi điện thoại, lao như bay đến viện. Mẹ tôi nằm trong phòng bệnh, thở bằng bình oxy. Hình ảnh mẹ ốm yếu nằm đó đã thật sự đánh thức tôi. Gần một tiếng sau, bác sĩ báo tin, mẹ đã qua cơn nguy kịch. Ơn trời! 

Tôi bừng tỉnh, tôi nhận ra mình phải làm gì. Về nhà, tôi nạt vợ. Tối đến, tôi nói chuyện nghiêm túc với cô ấy. Cô ấy có lẽ cũng đã được nhiều người cảnh tỉnh. Hai vợ chồng tôi đến bệnh viện, quỳ bên giường bệnh mẹ. Mẹ mỉm cười rưng rưng nước mắt tha lỗi cho chúng tôi.

Tôi từ ngày hôm đó đến bây giờ đã cố gắng chu chí làm ăn, yêu thương vợ con và đặc biệt là hiếu thảo với mẹ. Mỗi lần đi làm xa về, tôi đều biếu mẹ chút ít, dặn mẹ đừng cố việc đồng áng, phải giữ sức khỏe. Vui hơn là vợ tôi cũng đang dần thay tính đổi nết, quan tâm tới mẹ chồng. Dù đã trưởng thành và cũng đã trở thành những người cha, người mẹ, tôi nhận ra, mình vẫn luôn là đứa trẻ trong lòng đấng sinh thành. 

Nhân ngày 20/10, gửi tặng đến mẹ những lời yêu thương nhất! Cảm ơn mẹ đã hy sinh nhiều như thế vì con!

Chia sẻ