Mất ăn Tết vì sợ ung thư

Theo Tuoitre,
Chia sẻ

Nhiều người lo sợ đến mất ăn, mất ngủ khi nghe bác sĩ thông báo kết quả xét nghiệm có Helicobacter pylori (H.pylori) - loại vi khuẩn có nguy cơ gây bệnh ung thư dạ dày.

Trong một đợt khám sức khỏe định kỳ tại cơ quan, kết quả xét nghiệm máu của chị P.T.D., 32 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM, cho thấy chị dương tính với H.pylori.

Hoang mang, lo sợ

Cũng trong tờ giấy báo kết quả này, bác sĩ đề nghị chị D. đi khám tiêu hóa nếu thường xuyên đau vùng bụng trên (vùng thượng vị). Dù chị D. chưa có biểu hiện bệnh đau dạ dày nhưng từ ngày nhận kết quả dương tính với H.pylori, chị ăn không ngon, ngủ không yên. Chị D. lên mạng Internet tìm đọc thông tin lại càng hoang mang khi nhiều bài báo cho biết H.pylori rất nguy hiểm, có thể gây loét dạ dày, thậm chí gây ung thư dạ dày.
 
Để phòng tránh nhiễm H.pylori, mọi người nên cẩn thận với các món ăn chưa đun chín, nấu sôi   - Ảnh: T.T.D.

GS.TS.BS Lê Quang Nghĩa, chuyên viên về bệnh lý tiêu hóa Bệnh viện Bình Dân TP.HCM, cho biết ông đã gặp rất nhiều người bệnh hoang mang, lo sợ đến mất ăn mất ngủ khi biết mình nhiễm H.pylori. Một số bác sĩ khi gặp người bệnh nhiễm H.pylori đã nói quá nhiều về sự nguy hiểm của vi khuẩn này như sẽ gây ung thư dạ dày, nhưng lại không tư vấn cho bệnh nhân hiểu không phải 100% trường hợp nhiễm H.pylori đều bị như vậy mà chỉ có một tỉ lệ nhỏ.

Vì vậy, GS Lê Quang Nghĩa cho rằng việc tầm soát đại trà H.pylori trên những người bình thường không mang nhiều hiệu quả vì H.pylori có thể gây viêm dạ dày mãn, có nguy cơ gây ung thư dạ dày nhưng nhiều trường hợp H.pylori sẽ “nằm yên” trong dạ dày đến hết đời.

Khi nào cần điều trị?

GS Nghĩa lưu ý chỉ định tiệt trừ H.pylori là khi dạ dày hoặc tá tràng có tổn thương viêm loét và kết quả xét nghiệm dương tính với H.pylori. Điều trị H.pylori lúc này giúp vết loét dạ dày - tá tràng dễ lành hơn, ít tái phát và nguy cơ ung thư dạ dày giảm 6-7 lần.

Thực tế nhiều người đến bệnh viện với triệu chứng giống như triệu chứng của dạ dày tá tràng là đau vùng bụng trên, ăn không tiêu, chán ăn... Nhưng những triệu chứng này còn do nhiều nguyên nhân khác gây ra như: stress trong công việc, phụ nữ ở tuổi mãn kinh... Cho dù những bệnh nhân này có kết quả dương tính với H.pylori thì các bác sĩ cũng nên tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh để điều trị, chứ không nên áp dụng một cách cứng nhắc phương châm “đánh nhầm còn hơn bỏ sót” trong việc điều trị H.pylori.

Ngoài ra, GS Nghĩa cũng nhấn mạnh các thuốc tiệt trừ H.pylori thường có nhiều tác dụng phụ, khiến bệnh nhân mệt mỏi dễ bỏ ngang việc điều trị nếu thầy thuốc không dành thời gian giải thích cho họ hiểu. Thầy thuốc và bệnh nhân có hợp tác tốt thì việc điều trị mới có hiệu quả, vì H.pylori rất khó tiệt trừ và dễ kháng thuốc.

Vui xuân, “né” Helicobacter pylori

Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H.pylori) có biểu hiện thế nào?

Người bị nhiễm có thể có các biểu hiện như đau bụng ở các mức độ khác nhau (đau âm ỉ, đau quặn bụng) hoặc có cảm giác nóng rát vùng bụng trên rốn có thể kèm theo buồn nôn, nôn ói, đầy bụng, ậm ạch, khó tiêu, trướng bụng, ợ hơi, hơi thở có mùi hôi, rối loạn đi tiêu hoặc đi phân sống.

Điều trị nhiễm H.pylori cần đến khám các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa. Hiện nay điều trị tiệt trừ H.pylori có tỉ lệ thất bại khá cao, từ trên 20% đến hơn 40% trường hợp, vì tình trạng vi khuẩn kháng thuốc do chỉ định và sử dụng kháng sinh không đúng quy cách.

Để phòng lây nhiễm vi khuẩn H.pylori?

H.pylori chủ yếu lây nhiễm qua đường ăn uống.

Để phòng ngừa lây nhiễm cần ăn chín, uống sạch. Ví dụ nước đá phải làm từ nước đun sôi để nguội, uống bia hay nước ngọt nên dùng ướp lạnh. Hạn chế ăn rau sống vì nguồn rau sạch rất hiếm, hơn nữa nước dùng để rửa rau cũng phải chọn lựa cẩn thận (nước máy, nước được khử trùng...).

Về cách ăn uống nên tránh các thói quen lâu nay như chấm chung một chén nước mắm, lấy đũa mình đang ăn gắp thức ăn cho người bên cạnh dù đó là cách biểu lộ tình cảm hay sự kính trọng... vì các bằng chứng cho thấy vi khuẩn H.pylori có trong nước bọt hay ở mảng cao răng của người bị nhiễm. Cũng không dùng chung ly uống rượu, như rót một ly rượu đầy và xoay vòng mỗi người nhấm nháp một ngụm nhỏ.

Cần bỏ thói quen lấy nước bọt đếm tiền, lật giấy. Tạo thói quen rửa tay trước khi ăn.

Trong khám chữa bệnh chúng tôi gặp khá nhiều bệnh nhân tái nhiễm vi khuẩn H.pylori sau khi điều trị tiệt trừ thành công. Các bệnh nhân này nghĩ rằng đã kiểm tra hết vi khuẩn H.pylori thì có thể ăn uống thế nào cũng được, không ngờ chính cách ăn uống không đúng lại là nguồn gốc của tái nhiễm. Sau gần 30 năm kể từ ngày tìm ra vi khuẩn H.pylori, hiện thế giới vẫn chưa có văcxin chủng ngừa phòng lây nhiễm hoặc tái nhiễm H.pylori.

PGS.TS.BS TRẦN THIỆN TRUNG (Đại học Y dược TP.HCM)

Chia sẻ