Mang thai tuần 14: Bé đã có thể mút ngón tay

Thor,
Chia sẻ

Ở tuần thai thứ 14 này bé yêu của bạn đã biết mút ngón tay cái như một thói quen tự nhiên. Đến tận lúc sinh ra và ngay cả một khoảng thời gian sau có thể mẹ vẫn thấy bé duy trì thói quen này.

Mang thai tuần 14 mẹ bầu chính thức bước vào giai đoạn tam cá nguyệt thứ hai (ba tháng giữa thai kỳ) với tâm trạng và sức khỏe tốt hơn rất nhiều so với khoảng thời gian trước đây. Cơ thể mẹ đã làm quen với việc có một sinh linh nhỏ bé đang phát triển từng ngày từng giờ trong bụng, những triệu chứng khó chịu mệt mỏi thai kỳ cũng dần biến mất.

Cơ thể mẹ thay đổi như thế nào khi mang thai tuần 14?

mang-thai-14-tuan (1)

Cơ thể mẹ khi mang thai tuần thứ 14.

• Tràn đầy năng lượng: Mẹ cảm thấy tràn đầy năng lượng để làm việc và chuẩn bị chào đón em bé sắp ra đời. Sức khỏe trở nên tốt hơn, tâm trạng vui vẻ hơn khiến mẹ háo hức với "công tác chuẩn bị" bao gồm những việc như lên danh sách sắm đồ, chọn nơi sinh hay ngay cả việc nghĩ tên con cũng làm các mẹ vui vẻ cả ngày. Bên cạnh đó đa phần các mẹ bầu khi bước vào tam cá nguyệt thứ hai này lúc nào cũng cảm thấy đói, ăn uống ngon miệng hơn và luôn có nhu cầu nhấm nháp một món gì đó. Bạn nên lưu ý rằng chỉ cần ăn vừa đủ, tăng thêm khoảng 300 calories vào khẩu phần ăn hàng ngày (680 calories nếu bạn mang thai đôi) là đủ rồi nhé!

• Tóc dày và óng ả hơn: Mái tóc khi mang thai của bạn trở nên bồng bềnh đẹp hơn khá nhiều. Đây là kết quả của việc ăn uống đủ chất và hormone trong cơ thể hoạt động tốt khiến các dưỡng chất nuôi dưỡng tóc được tốt hơn.

• Cảm giác đau dây chằng: Đừng lo lắng quá với dấu hiệu này vì có khá nhiều mẹ bầu cảm giác đau khi cơ bắp và dây chằng giãn ra cùng với sự phát triển của em bé. Bạn sẽ thấy đau bụng dưới vì dây chằng, nếu quá đau thì hãy tìm đến sự tư vấn của bác sĩ nhé!

• Nướu răng bị chảy máu: Trong giai đoạn mang thai răng nướu của bạn trở nên nhạy cảm hơn rất nhiều. Vì thế nên mỗi khi vệ sinh răng miệng bằng bản chải hay chỉ nha khoa cũng dễ khiến bạn bị chảy máu, sưng đỏ.

Sự phát triển của thai nhi

mang-thai-14-tuan (1)

Em bé có kích cỡ tương đương với một quả chanh vào tuần thai thứ 14.

Vào tuần thai thứ 14 này chiều dài từ đầu đến mông của bé vào khoảng gần 9 cm, có kích thước bằng một quả chanh và nặng hơn 40g. Bé đã tăng gần như gấp đôi so với tuần trước và tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng chóng mặt này. Cơ thể của bé dần lớn nhanh hơn so với phần đầu, đôi cánh tay bé sẽ đạt được độ dài cân đối so với thân hình; đôi chân vẫn cần phải tiếp tục dài thêm để đạt tỷ lệ cân đối. Dù có thể bạn chưa cảm nhận được những cú đạp của em bé, hãy yên tâm rằng đôi bàn tay và bàn chân tí hon của bé đã linh hoạt hơn rất nhiều rồi đấy.

Nhờ vào sự thúc đẩy của bộ não, các cơ trên gương mặt bé đã có thể thực hiện các biểu cảm như nheo mắt, nhăn mặt, cau mày. Thông qua hình ảnh siêu âm nếu may mắn mẹ còn có thể nhìn thấy bé đưa ngón tay lên mút nữa đấy - hành động đáng yêu này sẽ theo bé đến tận khi chào đời.

Thai nhi đã có thể mở miệng và di chuyển đôi môi bé xíu của mình. Các chuyển động thở và nuốt vẫn tiếp tục được thực hành, để đảm bảo nước ối liên tục được xử lý vào và ra.

Ngoài ra các cơ quan bên trong bé vẫn đang tiếp tục hoạt động. Nước tiểu được sản sinh ra từ thận và thải ra nước ối xung quanh bé, quá trình này diễn ra cho đến khi bé chào đời. Gan bắt đầu tạo ra mật - dấu hiệu cho thấy gan đang thực hiện công việc của mình. Lá lách bắt đầu tham gia sản xuất hồng cầu. Toàn thân em bé có một lớp lông tơ mịn màng như lông đào, có nhiệm vụ giữ cho cơ thể được ấm áp.

mang-thai-14-tuan (2)

Hình ảnh siêu âm thai nhi vào tuần thứ 14.

Tuần thai thứ 14 này kết luận về giới tính của bé vẫn còn chưa chính xác 100%, bố mẹ hãy kiên nhẫn chờ đợi thêm vài tuần nữa để xem bé giống bố hay giống mẹ nhé.

Những điều mẹ cần lưu ý khi mang thai tuần 14

• Vào tuần thai thứ 14, chóp trên của tử cung bạn sẽ cao hơn so với xương chậu khoảng 16cm. Điều này có nghĩa là bụng bạn bắt đầu nhô ra rõ và sẽ rất dễ dàng nhận ra bạn đang có thai. Bạn cũng đừng ngạc nhiên nếu cân nặng bắt đầu tăng nhanh chóng. Nếu bạn có chỉ số BMI ở mức trung bình thì bạn nên tăng từ 0,5-0,8kg/tuần. Nếu bạn quá gầy hoặc quá béo thì số cân nặng cũng cần tăng nhiều hơn hoặc ít hơn.

• Hãy tìm cho mình một môn thể thao nhẹ nhàng theo sở thích. Có rất nhiều nghiên cứu khoa học về việc vận động ảnh hưởng tích cực đến mẹ và bé khi mang thai – đi bộ, yoga, khiêu vũ… tất cả đều có những bài tập dành riêng cho mẹ bầu bạn có thể tham khảo.

mang-thai-14-tuan (2)

Hãy chú ý đến việc vệ sinh răng miệng khi mang thai mẹ nhé.

• Mẹ cũng nên lưu ý về việc vệ sinh răng miệng nhé. Điều này là cực kỳ quan trọng vì các chứng viêm lợi, viêm nướu răng là một trong những yếu tố dẫn đến nguy cơ sinh non, đặc biệt trong giai đoạn mang thai răng lợi nhạy cảm hơn rất nhiều.

* Mẹ có thể đọc và tìm hiểu về tuần mang thai thứ 15 TẠI ĐÂY.

Chia sẻ