Màng nhĩ bị thủng khá rộng, bệnh nhân đã được bác sĩ vá lại một cách “thần kỳ” bằng... giấy

Bài, ảnh: Hoàng Lê,
Chia sẻ

Bệnh nhân bị thủng màng nhĩ rất rộng nhưng sau đó đã được vá màng nhĩ bằng giấy với hy vọng thành công rất mong manh. Tuy nhiên, kỳ tích đã xảy ra.

Căn bệnh viêm tai giữa khiến người phụ nữ bị thủng màng nhĩ rất rộng nhưng không đủ điều kiện phẫu thuật. Trước tình thế này, bệnh nhân đã được vá màng nhĩ bằng giấy với hy vọng thành công rất mong manh. Tuy nhiên, kỳ tích đã xảy ra.

Đó là một trường hợp của một người phụ nữ nữ 32 tuổi, ngụ Bình Thuận. Theo bệnh sử, gần đây, thấy tai trái nghe rất kém, lại bị chảy tai nên chị đến một phòng khám tại TP.HCM điều trị. Tại đây sau khi tiến hành nội soi, các bác sĩ phát hiện màng nhĩ bệnh nhân bị thủng, rộng đến 1/2 màng căng và có mảng vôi hóa.

Màng nhĩ bị thủng khá rộng, bệnh nhân đã được bác sĩ vá lại một cách “thần kỳ” bằng... giấy - Ảnh 1.

Ảnh chụp cho thấy màng nhĩ thủng rất rộng. (Ảnh: Bác sỹ cung cấp)

Bệnh nhân được chỉ định vá màng nhĩ qua gây mê nhưng không đủ kinh phí mổ. Sau khi trao đổi kỹ càng với các BS, bệnh nhân chấp nhận điều trị thủng màng nhĩ bằng phương pháp vá nhĩ trước. Nhưng với những trường hợp thủng tay với lỗ thủng lớn, tỉ lệ điều trị thành công bằng phương pháp này rất thấp. Ngoài ra, bệnh nhân lại bị thủng nhĩ do viêm tai giữa, lâu ngày rìa lỗ thủng cuộn mép cũng gây khó khăn trong quá trình can thiệp vết thủng.

Màng nhĩ bị thủng khá rộng, bệnh nhân đã được bác sĩ vá lại một cách “thần kỳ” bằng... giấy - Ảnh 2.

Sau 4 tuần vá nhĩ bằng giấy, màng nhĩ đã lành. (Ảnh: BSCC)

Tuy nhiên, may mắn đã đến với nữ bệnh nhân. 4 tuần sau khi dùng giấy vá nhĩ (là loại giấy mỏng như giấy quấn thuốc lá), màng nhĩ của người phụ nữ đã hồi phục thần kỳ, các vết rách dần liền lại và lành nguyên vẹn.

Ngoáy tai có thể gây thủng màng nhĩ

ThS.BS Nguyễn Minh Hảo Hớn, Phó Trưởng khoa Mũi Xoang, BV Tai Mũi Họng TP.HCM cho biết, việc vá nhĩ bằng giấy và vỏ tỏi đã được thực hiện từ lâu. Đây là phương pháp đơn giản, ít tốn kém nhất, chỉ đặt thuốc tê tại chỗ và có thể về ngay, tuy nhiên tỷ lệ thành công thấp nhất, chỉ từ 30-50%. "Với trường hợp của người phụ nữ trên, vì vết thủng lớn nên nên tỉ lệ thành công là dưới 10%. Không phải tất cả các trường hợp thủng nhĩ đều có thể áp dụng kỹ thuật này" - BS Hớn chia sẻ.

BS Hớn cho biết, màng nhĩ là một màng mỏng, ngăn cách tai ngoài và tai giữa, có chức năng tiếp nhận sóng âm giúp âm thanh được dẫn truyền vào tai giữa, tai trong đến cơ quan thụ cảm thính giác nằm ở thân não. Vì vậy khi màng nhĩ bị thủng sẽ giảm sức nghe khoảng 30 dexiben. Ngoài ra, màng nhĩ còn bảo vệ tai khỏi các yếu tố gây bệnh như vi trùng, vi nấm vào trong tai giữa từ tai ngoài.

Màng nhĩ bị thủng khá rộng, bệnh nhân đã được bác sĩ vá lại một cách “thần kỳ” bằng... giấy - Ảnh 3.

Ngoáy tai không cẩn thận có thể gây thủng màng nhĩ.

Có nhiều nguyên nhân gây thủng nhĩ. Thường gặp nhất là do các chấn thương như ngoáy tai, tát tai, thợ lặn sâu bị ảnh hưởng bởi áp lực nước... Ngoài ra, viêm tai nhưng để lâu không điều trị cũng có thể gây thủng nhĩ (như bệnh nhân trên).

Tuỳ thuộc vào bệnh nhân, kích thước lỗ thủng, chức năng vòi tai cũng như việc gìn giữ vệ sinh của mỗi người sẽ có kết quả lành màng nhĩ khác nhau. Tỉ lệ tự lành chiếm khoảng 75-85%. Ở bệnh nhân lớn tuổi lớp sợi thoái hóa nhiều nên tỷ lệ thành công sẽ thấp hơn

Các phương pháp điều trị

Theo BS Hớn, với nhóm nguyên nhân 1, chỉ cần giữ tai khô sạch, không nhiễm trùng. Trong thời gian từ từ 3-6 tháng theo dõi, nếu vẫn không tự lành, bệnh nhân sẽ được vá nhĩ bằng phương pháp đơn giản là vỏ tỏi hay miếng giấy mỏng đã được hấp tiệt trùng. Thông thường, phương pháp này áp dụng cho những bệnh nhân có lổ thủng dưới 3mm.

Màng nhĩ bị thủng khá rộng, bệnh nhân đã được bác sĩ vá lại một cách “thần kỳ” bằng... giấy - Ảnh 4.

BS Nguyễn Minh Hảo Hớn chia sẻ về các phương pháp chữa thủng màng nhĩ.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể vá nhĩ qua nội soi bằng sụn bình tai hay cân cơ thái dương. Với phương pháp này, bệnh nhân phải gây mê và nằm viện trong 5 ngày. Với những trường hợp viêm tai giữa tái phát hơn 5 lần mỗi năm, kèm viêm tai xương chũm hoặc kèm cholesteatoma thì phải phẫu thuật gây mê nhằm có phương pháp phẫu thuật phù hợp.

Tùy theo bệnh tích và tình trạng bệnh, mỗi bệnh nhân sẽ có phương pháp phẫu thuật tai phù hợp. Do đó, BS Hớn khuyên người dân để được chỉ định điều trị đúng, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn kỹ càng, có những chỉ định phù hợp để sức khỏe được bảo đảm và tránh lãng phí.

Chia sẻ