Mắc bệnh nha chu khi mang bầu các mẹ có thể phải đối mặt với điều không hề mong muốn này

Huyền Nguyễn,
Chia sẻ

Các mẹ mang thai cũng rất nên chú ý đến vấn đề sức khỏe răng miệng bởi bệnh nha chu có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cả mẹ lẫn con.

Một nghiên cứu mới cho thấy nguy cơ sinh non trước 37 tuần sẽ tăng cao trong trường hợp sản phụ bị bệnh nha chu - viêm nướu.

Nghiên cứu do Bệnh viện Đại học Hradec Králové (Cộng hòa Séc) tiến hành và Tiến sĩ Vladimíra Radochová - bác sĩ nha khoa làm trưởng nhóm, nghiên cứu có sự tham gia của những người mẹ vừa sinh con. Kết quả, 45% những người bị vỡ ối sớm có bệnh liên quan tới nướu như nhiễm trùng, sưng, nhức nướu. Chỉ có 29% phụ nữ sinh con đủ ngày đủ tháng có dấu hiệu của bệnh nha chu.

Vi khuẩn trong mảng bám răng được cho là theo máu di chuyển tới nhau thai và gây viêm cho nhau thai. Từ đó dẫn tới tình trạng túi ối bao quanh thai nhi chịu tác động xấu, vỡ ra quá sớm khiến sản phụ sinh non.

Mắc bệnh nha chu khi mang bầu các mẹ có thể phải đối mặt với điều không hề mong muốn này - Ảnh 1.

Nghiên cứu cho thấy bệnh nướu răng có thể khiến các mẹ bầu bị vỡ ối sớm

Khoảng 10% các ca mang thai trên toàn thế giới có kết quả là các bé sinh non – các tác giả viết trên tạp chí Clinical Periodontology. Ở Anh, khoảng 7% tương đương 60.000 em bé sinh non mỗi năm. Sinh non được định nghĩa là khi bé chào đời trước 37 tuần.

Tại Mỹ, cứ 10 bé lại có 1 bé chào đời sớm hơn dự kiến - đây là số liệu thống kê của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC).

Về cơ bản, sinh non có thể xảy ra do những thay đổi ở cổ tử cung hoặc tình trạng vỡ sớm của màng thai - thường được biết đến với tên gọi "vỡ ối". Còn đối với bệnh nha chu, viêm nướu, có tới 80% người trưởng thành bị bệnh này. Trước đây, nha chu cũng đã được chứng minh là có liên hệ với hiện tượng sinh non.

Tuy nhiên, kết quả các nghiên cứu hiện có vẫn chưa thực sự thuyết phục theo như Tiến sĩ Radochová và đồng nghiệp.

Để hiểu rõ hơn về mối liên hệ này, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu về 78 phụ nữ bị vỡ ối sớm ở tuần thai 24 đến 36 và nhập viện Hradec Králové. Sau đó, họ tiếp tục so sánh những sản phụ này với 77 người mẹ chưa từng gặp bất cứ biến chứng mang thai nào và đã được chăm sóc sau sinh tại phòng khám dành cho bệnh nhân ngoại trú của bệnh viện.

Tất cả những người tham gia nghiên cứu đều được kiểm tra răng miệng trong thời gian họ ở lại viện. Kết quả cho thấy những người vỡ ối sớm thì tình trạng răng có mảng bám và viêm nướu cao hơn.

Độ mất bám dính (đơn vị đo tình trạng giảm nâng đỡ xung quanh răng) cũng cao hơn ở những phụ nữ sinh non với chỉ số trung bình 2,3mm so với 1,8mm ở phụ nữ không gặp biến chứng nào. Tương tự là độ sâu túi nha chu - khoảng cách giữa nướu và răng với các chỉ số tương ứng 2,3mm và 1,8mm.

Kết quả trên vẫn đúng ngay cả xét tới yếu tố thói quen hút thuốc lá - vốn được biết tới là yếu tố nguy cơ gây bệnh nha chu. Cả độ mất bám dính và độ sâu túi nha chu đều được các nha sĩ sử dụng nhằm kiểm soát mức độ bệnh nha chu: Khi chỉ số càng cao thì tổn thương càng nghiêm trọng.

Mắc bệnh nha chu khi mang bầu các mẹ có thể phải đối mặt với điều không hề mong muốn này - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Tiến sĩ Nigel Carter - giám đốc điều hành Tổ chức Sức khỏe Răng miệng tin rằng, nghiên cứu trên đã làm nổi bật tầm quan trọng của việc chăm sóc răng miệng trong từng giai đoạn của cuộc đời chúng ta.

"Sức khỏe răng miệng có thể ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều phần trong sức khỏe toàn diện của chúng ta", ông khẳng định. "Và bao gồm cả cơ hội có một ca sinh nở an toàn. Nhiều phụ nữ cảm thấy khó khăn hơn để duy trì sức khỏe răng miệng tốt trong thời gian mang thai. Đó là bởi những thay đổi về hormone trong thai kỳ có thể khiến nướu trở nên nhạy cảm hơn, dễ bị mảng bám hơn và nhiều khả năng nhức, sưng hơn. Chúng thậm chí có thể bị chảy máu".

Tiến sĩ Carter khuyên phụ nữ mang thai nên giữ gìn sức khỏe răng miệng bằng cách đánh răng ngày 2 lần, đồng thời sử dụng bàn chải hoặc chỉ tơ nha khoa để làm sạch kẽ răng.

Sức khỏe răng miệng kém cũng có liên hệ với bệnh tim, đó là do tình trạng viêm nướu kéo dài có thể khiến các vi khuẩn xấu thâm nhập tuần hoàn và phá hủy mạch máu. Đây là kết quả của một nghiên cứu được công bố hồi đầu tháng này, do Viện Silent Spring phối hợp với Viện Sức khỏe Cộng đồng ở California (Mỹ) tiến hành. Trưởng nhóm nghiên cứu là nhà khoa học Katie Boronow.

Nguồn: Dailymail

Chia sẻ