Lý giải hiện tượng không ít trẻ gặp phải: Trên lớp ngoan ngoãn bao nhiêu, về nhà "biến hình", hư gấp 1000 lần

HN,
Chia sẻ

Không phải một mình bạn cảm thấy con mình bỗng thay đổi 180 độ khi từ trường về nhà, từ một đứa trẻ ngoan ngoãn thành một đứa trẻ hư, quấy đến mức như "biến hình".

Nguyên nhân của hiện tượng trẻ ngoan khi ở lớp và biến thành trẻ hư ngay khi về nhà

Khi trẻ đã đủ tuổi đến trường, có một hiện tượng thú vị thường xảy ra. Ở lớp, trẻ cư xử như những thiên thần và sau đó, lúc về nhà, trẻ quay ngoắt 180 độ: giận dỗi, mè nheo, từ chối làm gần như mọi điều mà cha mẹ nói.

Nếu bạn nhận thấy con mình cũng có biểu hiện tương tự, bạn không hề đơn độc. Rất nhiều phụ huynh cũng trải nghiệm tình trạng trên. Và cũng đừng lo là bạn đang tưởng tượng ra mọi chuyện. Đó là việc có thật. Thậm chí, nó còn được gọi bằng cái tên nghe rất khoa học: suy sụp khả năng tự kiềm chế sau giờ học.

Về cơ bản, hiện tượng suy sụp khả năng tự kiềm chế sau giờ học là trạng thái đảo ngược cảm xúc ngắn hạn xảy ra sau khi trẻ trở về nhà từ nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường học.

Lý giải hiện tượng không ít trẻ gặp phải: Trên lớp ngoan ngoãn bao nhiêu, về nhà biến hình, hư gấp 1000 lần - Ảnh 1.

Ở lớp, trẻ cư xử như những thiên thần (Ảnh minh họa).

"Trẻ đã phải kiềm chế cảm xúc và hành vi của mình suốt cả ngày ở trường. Khi trở về nhà, trẻ cứ thế bộc lộ hết, bùng nổ theo chiều hướng thiếu sự kiểm soát bản thân so với mong đợi", Tiến sĩ Jennifer Hartstein, nhà tâm lý học về gia đình và tuổi trưởng thành, kiêm tác giả cuốn sách "Princess Recovery: A How-To Guide to Raising Strong, Empowered Girls Who Can Create Their Own Happily Ever Afters" (Tạm dịch: Nuôi dạy những cô gái mạnh mẽ, có thể tự mang lại hạnh phúc cho mình), giải thích.

Những đứa trẻ thiếu kiểm soát bản thân khi ở nhà có thể hành xử theo kiểu trẻ con hơn so với tuổi thực. Chúng có thể đùng đùng nổi giận, đòi hỏi quá đáng (muốn được chú ý, yêu thương thật nhiều), khóc lóc, mè nheo, bám dính lấy cha mẹ không chịu rời hoặc biểu hiện một cơn bùng nổ cảm xúc dữ dội.

Suy sụp khả năng kiềm chế xảy ra phổ biến ở trẻ dưới 12 tuổi, đặc biệt vào thời điểm bắt đầu năm học mới hoặc khi trẻ vừa khởi động một lịch trình mới.

Lý giải hiện tượng không ít trẻ gặp phải: Trên lớp ngoan ngoãn bao nhiêu, về nhà biến hình, hư gấp 1000 lần - Ảnh 2.

Ngay khi đi học về, trẻ dễ dàng khóc lóc, mè nheo, bám dính lấy cha mẹ không chịu rời hoặc biểu hiện một cơn bùng nổ cảm xúc dữ dội (Ảnh minh họa).

Tiến sĩ Hartstein lý giải: "Khi trẻ xây dựng được bản lĩnh vững vàng hơn về mặt cảm xúc và khả năng kiểm soát hiệu quả hơn các rối loạn cảm xúc của mình, những hành vi trên có xu hướng giảm dần. Tình hình cũng có thể được cải thiện theo chiều hướng tốt hơn khi thời gian trôi qua, lịch trình trở nên ổn định và trẻ quen với điều đó".

Cha mẹ có thể làm gì để giúp con khi rơi vào giai đoạn khủng hoảng này?

Mặc dù ngay khi trẻ từ trường về nhà, nhiều cha mẹ sốt sắng muốn hỏi con mọi thứ về buổi học hôm đó, cũng như muốn con bắt đầu làm bài tập về nhà luôn, đây lại không phải là thời điểm tốt nhất làm những việc này. Tiến sĩ Hartstein cho biết: "Nếu bạn để ý con có những biểu hiện thiếu kiềm chế sau khi tan học về, hãy trao cho con không gian và để trẻ có thời gian thư giãn, xả hơi. Thậm chí, bạn có thể tìm một hoạt động thể chất nào đó để trẻ tham gia lúc về nhà. Nhờ đó, trẻ có thể giải tỏa căng thẳng".

Tiến sĩ Hartstein cũng lưu ý rằng, cha mẹ nên làm gương những hành vi mà họ mong muốn con mình có được. Nếu cha mẹ từ chỗ làm về nhà với tâm trạng bực bội, căng thẳng, bị kích động thì trẻ cũng có nguy cơ lặp lại y hệt. "Bạn có đang phải vật lộn với tình trạng suy sụp khả năng kiểm soát sau giờ làm? Bạn đang xử lý nó như thế nào? Hãy tìm kiếm những lời khuyên cho chính bạn", Tiến sĩ Hartstein nhấn mạnh.

Lý giải hiện tượng không ít trẻ gặp phải: Trên lớp ngoan ngoãn bao nhiêu, về nhà biến hình, hư gấp 1000 lần - Ảnh 3.

Nếu cha mẹ từ chỗ làm về nhà với tâm trạng bực bội, căng thẳng, bị kích động thì trẻ cũng có nguy cơ lặp lại y hệt (Ảnh minh họa).

Điều quan trọng là nhận biết tình trạng suy sụp khả năng kiềm chế có xảy ra liên tục không hay chỉ là biểu hiện nhất thời.

Tiến sĩ Hartstein chia sẻ: "Ai cũng từng trải qua một ngày tồi tệ, không lúc này thì lúc khác. Nhưng nếu nó thường xuyên xảy ra, có thể con bạn đang gặp phải vấn đề lớn". Như vậy, việc rất cần làm đối với cha mẹ là dành thời gian để trò chuyện với con, đặt cho con những câu hỏi mở (Kể cho mẹ về các bạn con đi; Con nghĩ sao về dạng toán mới học hôm nay?).

Ngoài ra, Tiến sĩ Hartstein cũng gợi ý "Hãy liên hệ với giáo viên và nhà trường để xem con có hành vi nào khác lạ trên lớp hay có bất cứ thay đổi nào đáng chú ý không. Đừng ngại hỏi và tìm hiểu vấn đề này. Con bạn có lẽ cũng hi vọng bạn sẽ làm như thế".

Nguồn: Mom

Chia sẻ