Lúng túng sinh lý và bệnh lý trẻ dậy thì

,
Chia sẻ

Tuổi dậy thì có những thay đổi về sinh lý rất dễ nhầm lẫn với bệnh lý. Ngược lại, có những dấu hiệu về bệnh lý lại bị bỏ qua do ngỡ đó chỉ là sự thay đổi bình thường.

Nhận biết đâu là sinh lý, đâu là bệnh lý sẽ giúp cha mẹ và bản thân trẻ ở lứa tuổi này đỡ hoang mang và phát hiện sớm những bất thường về sức khỏe để kịp thời can thiệp.

Dậy thì sớm

Các bé gái thường xuất hiện kinh nguyệt lần đầu lúc 11 - 12 tuổi. Với quan niệm trẻ ngày nay có xu hướng dậy thì sớm, nhiều bố mẹ thường cho rằng việc trẻ xuất hiện kinh nguyệt trước chín tuổi cũng là bình thường. Thật ra, theo bác sĩ (BS) CKI sản khoa Nguyễn Thụy Hương Thủy (BV Đa khoa Bưu Điện 2) thì trường hợp này lại là dấu hiệu của bệnh lý.

Một số trường hợp dậy thì sớm do nguyên nhân thực thể là dạng hiếm gặp, thường do các biến đổi thực thể tại não như  là dấu hiệu của những căn bệnh nguy hiểm dễ dẫn đến tử vong như  u não, não úng thủy, tổn thương não, teo não, động kinh, u nang buồng trứng, u tuyến thượng thận... Trẻ dậy  thì sớm có nguy cơ mắc các bệnh ung thư vú, ung thư dạ con, ung thư buồng trứng... cao hơn trẻ dậy thì đúng với lứa tuổi.

Những dấu hiệu bên ngoài giúp cha mẹ nhận biết các bé gái  bắt đầu dậy thì  là sự phát triển vú, lông mu, sự tăng trưởng cơ thể... Nếu những dấu hiệu này xuất hiện trước lúc tám tuổi cũng là những báo hiệu cho hiện tượng  dậy thì sớm.

Cần tham vấn ý kiến bác sĩ khi trẻ có những dấu hiệu phát triển bất thường

Dậy thì muộn

So với dậy thì sớm, hiện tượng dậy thì muộn cũng nguy hiểm không kém do có liên quan đến một bất thường trong cơ thể. Không ít bố mẹ cảm thấy an tâm khi con đã ở tuổi 14-15 nhưng vẫn còn là trẻ con. Trẻ dậy thì muộn có thể thuộc một trong ba nhóm sau: do tập thể thao quá mức hoặc chậm phát triển về thể tạng; có những vấn đề thuộc về bệnh lý như thiểu năng tuyến yên, bất thường về nhiễm sắc thể, rối loạn nội tiết tố; có vấn đề về buồng trứng, có các bệnh mạn tính về máu, ung thư...

"Nếu thấy trẻ 13 tuổi mà chưa có những dấu hiệu của dậy thì như chưa có kinh nguyệt, ngực chưa phát triển, cha mẹ phải nghĩ ngay đến chứng dậy thì muộn và nên đưa trẻ đến BS chuyên khoa để thăm khám. Nếu xác định trẻ chỉ dậy thì chậm đơn thuần, mới có thể yên tâm", BS Thủy khuyên.

Dấu hiệu bình thường và bất thường của chu kỳ kinh

Đau tức bụng dưới, căng ngực, mỏi lưng... là những dấu hiệu thường xuất hiện trong những ngày chu kỳ do sự thay đổi của các hormone sinh dục. Một số người có thể bị ra nhiều máu trong chu kỳ và máu bị vón cục. Đây không phải là những dấu hiệu bất thường. Các cục máu đông thường ra ngoài theo máu, chất lưu và màng nhầy bên trong dạ con trước khi chúng bị tan ra.

Nhiều bé gái ở tuổi dậy thì có chu kỳ kinh nguyệt không đều vì phát triển rất nhanh về thể chất, nhưng sự phát triển và điều hòa về thần kinh và thể dịch ở các em lại không theo kịp. Trục trặc này sẽ xảy ra trong một hai năm đầu. Khi cơ thể trưởng thành, kinh nguyệt của các em sẽ ổn định.

Hiện tượng trẻ gái vị thành niên không xuất hiện kinh nguyệt từ bốn-sáu tháng sau khi đã có kinh khiến nhiều bậc cha mẹ hốt hoảng, nhưng nguyên nhân có thể chỉ liên quan đến những căng thẳng về tâm lý, thể lực hoặc những rối loạn tiêu hóa...
 
Trường hợp này thường được gọi là vô kinh thứ phát. Tuy nhiên, nếu đã có sự điều chỉnh mà kinh nguyệt vẫn không xuất hiện thì lại là dấu hiệu không bình thường, có thể liên quan đến một khối u ở buồng trứng hoặc teo tuyến yên, cường giáp, bệnh tuyến thượng thận.

BS Thủy khuyến cáo cha mẹ nên lưu ý các dấu hiệu sau đây để cho con đi khám BS chuyên khoa kịp thời: Trẻ bị những cơn đau bụng dữ dội và kéo dài trong suốt chu kỳ kinh. Máu ra quá nhiều trong chu kỳ, máu bị vón cục nhiều, kích thước lớn. Nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến viêm đường sinh dục, làm hẹp hoặc tắc vòi trứng, gây ra tình trạng thai ngoài tử cung hoặc vô sinh khi trưởng thành. Rong kinh cũng có thể gây rối loạn phóng noãn dẫn đến vô sinh.

Những cơn đau đầu xuất hiện khi bước vào tuổi vị thành niên

Đau đầu tuổi vị thành niên
 
Nhiều trẻ chưa bao giờ bị nhức đầu bỗng liên tục xuất hiện những cơn đau đầu khi bước vào tuổi vị thành niên. BS Phạm Anh Tuấn (BV Nguyễn Tri Phương) phân tích hiện tượng này như sau: Tần suất xuất hiện của những cơn đau đầu có thể nhiều hơn khi trẻ  bước sang tuổi 15.
 
Nguyên nhân gây ra chứng đau đầu hiện còn đang tranh cãi. Những cơn đau đầu của lứa tuổi này thường do sự thay đổi đột ngột những hoạt động của các neuron thần kinh trong não, hoặc sự thay đổi áp suất trong các mạch máu có nhiệm vụ cung cấp máu lên não.

Một số trẻ gái tuổi dậy thì cũng cảm thấy đau đầu trong thời gian hành kinh, hoặc có cảm giác choáng váng khi đứng dậy... Những dấu hiệu này chỉ là sự phát triển bình thường của sinh lý lứa tuổi.

Tuy nhiên, không loại trừ việc đau đầu là dấu hiệu của những thương tổn nghiêm trọng trong não như u não, áp lực trong não tăng cao, viêm màng não, viêm não... bởi đó là những căn bệnh có thể gặp ở tuổi dậy thì.
 
Do vậy, cha mẹ cần sớm đưa con đến BS khi trẻ có các cơn đau kéo dài liên tục và có xu hướng tăng dần; khi trẻ thường xuyên có cảm giác choáng váng lúc đứng dậy hay đi lại; thường xuyên bị đau đầu hoặc nôn mửa khi thức dậy vào buổi sáng.
 
 
Theo Hoàng Cúc
Phụ nữ
Chia sẻ