Lời cảnh tỉnh từ cái chết đau lòng của bé gái 2 tuổi chỉ vì một vật dụng nhà nào cũng có

Lam Phương,
Chia sẻ

Qua dòng nước mắt, ông bố nghẹn ngào kể về vật dụng nhà nào cũng dùng đã cướp đi mạng sống của cô con gái 2 tuổi: pin tròn hay còn gọi là pin cúc áo.

Mặc dù đang đau đớn tột cùng vì sự mất mát quá lớn nhưng ông bố 36 tuổi đến từ Hampshire, Anh, George Asan đã dũng cảm quyết định đứng ra chia sẻ về sự ra đi đầy đau đớn của cô con gái 2 tuổi, để góp phần cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ ngoài kia để bảo vệ trẻ tốt hơn.

Lời cảnh tỉnh từ cái chết đau lòng của bé gái 2 tuổi chỉ vì một vật dụng nhà nào cũng có - Ảnh 1.

Hình ảnh người bố đau đớn chia sẻ về sự ra đi của con gái để cảnh tỉnh các bậc cha mẹ khác.

Tháng 5 vừa qua, con gái của George đã không may mất đi mạng sống chỉ vì một chiếc pin cúc áo 2cm, thường được tìm thấy trong rất nhiều đồ vật gia dụng mà gia đình nào cũng đều sử dụng. Bé Francesca, 2 tuổi đã qua đời không phải vì bị nghẹn hay tắc đường dẫn khí dẫn tới thiếu khí ô-xi, mà là do xuất huyết dạ dày. Sau khi bé nuốt cục pin vào bụng mà bố mẹ không hề hay biết, cục pin này dần bị ăn mòn khi tiếp xúc với chất dịch trong ruột và dày, từ đó làm bỏng thực quản và động mạch, gây xuất huyết và dẫn đến tử vong.

Trong mắt bố mẹ, Francesca là cô bé luôn vô cùng vui vẻ và tràn đầy sức sống. Bé đã được gấp rút đưa đến bệnh viện nhưng tất cả đều đã quá muộn, bởi khi ấy sức khỏe của bé đã rơi vào tình trạng nguy kịch.

Lời cảnh tỉnh từ cái chết đau lòng của bé gái 2 tuổi chỉ vì một vật dụng nhà nào cũng có - Ảnh 2.

Bé Francesca tội nghiệp là một cô bé "luôn vui vẻ và tràn đầy sức sống".

Trong đoạn video với mục đích cảnh báo và nâng cao nhận thức cho các bậc phụ huynh của Quỹ Phòng chống Tai nạn Trẻ em Mỹ, George đau đớn chia sẻ: "Thật khó khăn đối với tôi để nói về việc mất đi Francesca. Tôi cảm thấy thật tội lỗi. Không may thay, chúng tôi đã không hề nhận ra một vấn đề hay một dấu hiệu nào cả. Đó là một cục pin cúc áo sơ cua cho chiếc kính 3D của TV."

Cảnh báo cho các bậc cha mẹ khác về mối nguy hiểm này, George nói: "Những gì xảy ra với Francesca đã chứng minh rằng bạn không thể luôn luôn để mắt mọi lúc mọi nơi được và bạn cũng không thể cướp đi quyền tự do cơ bản để khám phá thế giới xung quanh của một đứa trẻ, vì đó là thứ cần thiết cho trẻ con".

Lời cảnh tỉnh từ cái chết đau lòng của bé gái 2 tuổi chỉ vì một vật dụng nhà nào cũng có - Ảnh 3.

Những cục pin cúc khuy áo nhỏ nhưng lại vô cùng nguy hiểm.

Pin cúc áo có kích thước nhỏ nhưng những tổn thương mà nó có thể gây ra vô cùng kinh khủng. Trẻ có thể không nghẹn khi nuốt phải nhưng nó có thể đốt cháy họng trẻ, dẫn đến xuất huyết nghiêm trọng từ bên trong và khiến trẻ tử vong. Nguy hiểm hơn nữa là quá trình này có thể diễn ra rất nhanh, trong vòng 2 giờ đồng hồ. Loại pin này cũng có thể gây nguy hiểm nếu bị mắc kẹt trong tai hay mũi của trẻ. Đáng lo ngại ở chỗ có rất ít triệu chứng hay dấu hiệu để có thể phát hiện ra trẻ đã nuốt hoặc bỏ pin vào trong tai hay mũi.

Ước tính năm 2010, theo Bệnh viện Nhi Philadelphia (Mỹ), có đến hơn 3.400 trẻ nuốt phải pin cúc áo. Các triệu chứng bao gồm: trẻ đột nhiên khóc thét, chảy nước dãi, ăn uống ít đi, khan giọng, đau ngực và khoang bụng, khó nuốt, nôn mửa, nước dãi hoặc phân có máu...

Lời cảnh tỉnh từ cái chết đau lòng của bé gái 2 tuổi chỉ vì một vật dụng nhà nào cũng có - Ảnh 4.

Bố mẹ nên cẩn thận với bất kì đồ dùng gia đình nào, đặc biệt là những vật nhỏ và những món đồ có chứa pin.

George nói riêng và Quỹ Phòng chống Tai nạn Trẻ em Mỹ mong muốn nâng cao nhận thức cho các bậc phụ huynh không chỉ về mức độ nguy hiểm khôn lường của những cục pin cúc áo nhỏ bé mà còn về sự phổ biến và hiện diện khắp nơi của loại pin này trong mỗi gia đình. Từ những thiệp phát nhạc đến các loại đồ chơi, nhiệt kế, điều khiển,… vô số những đồ vật trong nhà đều sử dụng loại pin này nên bố mẹ lại càng phải đặc biệt cẩn trọng.

Theo các bác sĩ và chuyên gia, bố mẹ không nên chờ đợi hay do dự mà nên đưa con đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để khám cho con ngay khi nghi ngờ con đã nuốt phải pin, kể cả khi không thấy bất kì dấu hiệu mắc nghẹn hay đau ốm gì từ con. Và nhớ mang theo bao bì hay hộp đựng loại pin đó khi đưa con đi khám để bác sĩ có thể nhận diện loại pin.

Nguồn: Popsugar, Mirror

Chia sẻ