Lo sốt vó mỗi khi con mắc chứng rối loạn tiêu hóa thì giờ mẹ đã có 19 trợ thủ đắc lực để “cầu cứu”

Khánh Vân,
Chia sẻ

Trẻ nhỏ thường khó tránh khỏi các căn bệnh phổ biến liên quan đến đường tiêu hóa. Dưới đây sẽ là những hành trang hữu ích cho mẹ chăm sóc trẻ bị rối loạn tiêu hóa đúng cách, hiệu quả và khoa học.

Mỗi lần con bị ốm là mẹ lại cuống cuồng chạy khắp nơi hỏi han cách thức chữa trị, chăm sóc con thật khoa học để giúp bé mau khỏi bệnh và khỏe mạnh. Trong vô số những căn bệnh dễ gặp ở trẻ em, chứng rối loạn tiêu hóa sớm đã trở thành nỗi lo của không ít các bà mẹ có con nhỏ với hệ thống tiêu hóa chưa hoàn thiện. Hiểu được điều này, chị em hãy cùng nhau “năng nhặt chặt bị” những kiến thức chăm sóc trẻ bị rối loạn tiêu hóa hiệu quả và khoa học nhé!

Những biểu hiện rối loạn tiêu hóa thường gặp

Nhìn chung, trẻ bị rối loạn tiêu hóa sẽ gặp phải các triệu chứng cơ bản như sau:

- Phân không có hoặc ít mùi thối.

- Da xanh, nhợt nhạt và ít vận động.

- Đi ngoài phân sống, nước có mùi tanh và sủi bọt.

- Bị ợ, nôn ói và không chịu ăn.

- Chậm tăng cân, còi cọc…

Lo sốt vó mỗi khi con mắc chứng rối loạn tiêu hóa thì giờ mẹ đã có 19 trợ thủ đắc lực để “cầu cứu” - Ảnh 1.

Những biểu hiện rối loạn tiêu hóa ở trẻ.

Nguyên nhân chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ em

Nhìn chung, chúng ta sẽ có 5 nguyên nhân chính dẫn đến chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ em như sau:

Lo sốt vó mỗi khi con mắc chứng rối loạn tiêu hóa thì giờ mẹ đã có 19 trợ thủ đắc lực để “cầu cứu” - Ảnh 2.

Nguyên nhân chính dẫn đến chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ em.

Chế độ ăn uống không hợp lý

Các món ăn hằng ngày đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển về thể chất và trí tuệ ở trẻ. Thế nhưng, nếu thực phẩm chế biến không đảm bảo an toàn vệ sinh, nguồn nước bị nhiễm khuẩn và sữa uống chưa đạt chất lượng sẽ tạo ra mầm mống gây các bệnh như đầy bụng, tiêu chảy - những tác nhân của chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ.

Dùng thuốc kháng sinh

Một thực trạng trớ trêu khi sử dụng thuốc kháng sinh điều trị bệnh viêm nhiễm cho trẻ chính là gia tăng nguy cơ cao mắc phải chứng rối loạn tiêu hóa. Sở dĩ thuốc kháng sinh có tính khử khuẩn, giúp tiêu diệt vi sinh nên trong quá trình đó đã vô tình loại trừ cả những vi sinh có lợi trong đường ruột và dẫn đến các vấn đề tiêu biểu của rối loạn tiêu hóa như đầy bụng, chán ăn, khó tiêu và tiêu chảy… Mẹ cũng nên lưu ý rằng chứng rối loạn tiêu hóa do thuốc kháng sinh sẽ không gây đau bụng hay sốt ở trẻ em.

Một số bệnh lý liên quan đến đường ruột

Các bệnh lý như viêm đại tràng, viêm dạ dày, viêm ruột hay viêm dạ dày sẽ tác động tới hệ thống tiêu hóa và gây ra những triệu chứng rối loạn. Nếu trường hợp này xảy ra thì mẹ cần giúp con điều trị khỏi các bệnh liên quan đến đường ruột để chứng rối loạn tiêu hóa từ đó cũng được khắc phục hoàn toàn.

Thói quen ăn uống không điều độ

Thực tế, có nhiều trẻ đang thực hiện thói quen ăn uống không hợp lý như ăn quá no, không đúng giờ và hấp thụ nhiều loại thực phẩm khó tiêu (thịt và chất béo) khiến cho thức ăn bị giữ lại ở dạ dày. Điều này dễ dẫn đến lên men sinh ra các khí gây rối loạn tiêu hóa chướng bụng và đầy bụng.

Môi trường sống không vệ sinh

Nếu môi trường sống xung quanh tồn tại nhiều vi khuẩn thì bé cũng có nguy cơ cao mắc chứng rối loạn tiêu hóa.

Chăm sóc trẻ bị rối loạn tiêu hóa

Lo sốt vó mỗi khi con mắc chứng rối loạn tiêu hóa thì giờ mẹ đã có 19 trợ thủ đắc lực để “cầu cứu” - Ảnh 3.

Cách chăm sóc trẻ bị rối loạn tiêu hóa.

Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ

Để hạn chế con đường xâm nhập của vi khuẩn vào cơ thể của trẻ, cha mẹ nên thực hiện những thói quen tốt cho con như sau:

1. Tránh cho bé ngậm, mút tay và đưa đồ chơi không sạch vào miệng.

2. Rửa tay cho bé thường xuyên hoặc sau khi chơi đồ chơi, tiếp xúc với động vật, đi vệ sinh… bằng xà phòng diệt khuẩn.

3. Vệ sinh đồ chơi cho trẻ khoảng 2 lần/tuần. Lưu ý rửa sạch bằng nước, xà phòng rồi phơi khô với những đồ chơi nhựa và lau bụi sạch sẽ những món bằng gỗ hoặc giấy trước khi cho bé cầm.

4. Người lớn hay tiếp xúc với trẻ thì cần giữ sạch sẽ, đặc biệt là tay.

Lo sốt vó mỗi khi con mắc chứng rối loạn tiêu hóa thì giờ mẹ đã có 19 trợ thủ đắc lực để “cầu cứu” - Ảnh 4.

Rửa tay sạch để đuổi hết bọn vi khuẩn đáng ghét nha con.

Chế độ dinh dưỡng

Nhìn chung, các bé còn nhỏ nên hệ tiêu hóa chưa được hoàn thiện, chị em nên:

5. Cho con ăn uống vừa đủ và tránh ép vượt quá khẩu phần hằng ngày.

6. Thực phẩm nấu nướng mỗi bữa cũng nên được lựa chọn kỹ lưỡng sao cho còn tươi sống. Khi chế biến cần lưu ý thực hiện đúng cách và tuyệt đối tránh gây nhiễm bẩn thức ăn.

7. Đặc biệt, nếu bé con không may mắc chứng rối loạn tiêu hóa, mẹ cần lưu tâm hạn chế chất béo và đạm gây khó tiêu trong bữa ăn của bé.

Trẻ bị rối loạn tiêu hóa ăn gì?

Dưới đây sẽ là các loại thực phẩm hữu hiệu cho mẹ giúp con ăn ngon miệng và giảm thiểu các triệu chứng đầy hơi, đau bụng…

Lo sốt vó mỗi khi con mắc chứng rối loạn tiêu hóa thì giờ mẹ đã có 19 trợ thủ đắc lực để “cầu cứu” - Ảnh 5.

Mẹ ơi cho con thêm rau.

8. Thực phẩm từ gạo có chứa nhiều tinh bột dễ tiêu hóa. Đồng thời, nó cũng giúp hỗ trợ tiêu hóa các thực phẩm khác tốt hơn.

9. Rau xanh với hàm lượng chất xơ sẽ giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa khỏe mạnh và đào thải những thực phẩm không tiêu hóa tốt.

10. Chuối là loại quả chứa nhiều vitamin, khoáng chất với các enzyme quan trọng trong hệ thống tiêu hóa.

11. Thịt gà khá giàu chất béo bão hòa thấp, dễ tiêu hóa và protein giúp thuyên giảm chứng khó chịu cho dạ dày.

12. Sữa chua chứa nhiều vi khuẩn có lợi giúp duy trì cân bằng hệ tiêu hóa và cải thiện rối loạn đường ruột.

13. Hạt ngũ cốc gồm các axit béo Omega 3, các loại dầu thực vật tự nhiên và chất đạm giúp thúc đẩy hệ thống tiêu hóa khỏe mạnh.

Các món cháo cho bé bị rối loạn tiêu hóa

14. Đối với các bé bị mắc chứng rối loạn tiêu hóa, mẹ có thể bổ sung vào thực đơn cho con những món cháo bổ dưỡng và dễ ăn như cháo hạt sen, cháo rau sam, cháo cà rốt ô mai hay cháo gừng.

Lo sốt vó mỗi khi con mắc chứng rối loạn tiêu hóa thì giờ mẹ đã có 19 trợ thủ đắc lực để “cầu cứu” - Ảnh 6.

Măm măm măm.

Trẻ bị rối loạn tiêu hóa có nên uống sữa?

Tùy vào độ tuổi của con mà mẹ sẽ có những cân nhắc nhất định về việc có nên bổ sung sữa cho bé hay không. Cụ thể:

15. Đối với những em bé còn đang bú mẹ, nếu không may bị mắc rối loạn tiêu hóa thì vẫn cần bú sữa bình thường, thậm chí còn nhiều hơn một chút vì trong sữa mẹ có nhiều dưỡng chất và kháng thể rất tốt.

16. Với những bé lớn hơn một chút, chị em nên tạm thời giảm lượng sữa động vật và đường lactozo trong sữa vì nó có thể khiến cho bệnh tình của bé trở nên nghiêm trọng và khó kiểm soát hơn.

Lo sốt vó mỗi khi con mắc chứng rối loạn tiêu hóa thì giờ mẹ đã có 19 trợ thủ đắc lực để “cầu cứu” - Ảnh 7.

Trẻ bị rối loạn tiêu hóa có nên uống sữa?

Những sai lầm khi chăm sóc trẻ bị rối loạn tiêu hóa

17. Nếu nghĩ rằng các thực phẩm như thịt, cua, cá, tôm… sẽ ảnh hưởng xấu tới tình trạng tiêu chảy của bé thì mẹ đã lầm. Theo các chuyên gia y tế, chị em nên đảm bảo chế độ ăn uống bình thường cho con để tránh tình trạng thiếu dinh dưỡng, suy nhược cơ thể vì thiếu chất. Tuy nhiên, mẹ cần đặc biệt lưu tâm cho trẻ ăn những thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh và dễ tiêu hóa.

18. Mẹ nên cho trẻ ăn từ từ, tránh bắt ép khi vừa thấy có tiến triển tốt hơn vì chứng rối loạn tiêu hóa rất dễ trở lại nếu việc điều chỉnh hệ vi khuẩn đường ruột chưa được hoàn chỉnh.

19. Chị em nên kiên định điều trị bệnh cho con, chớ nên nóng ruột muốn thu hái thành quả ngay lập tức vì chứng rối loạn tiêu hóa cần sự theo dõi, thăm dò mới tìm ra được phương thuốc thích hợp giúp mau khỏi. Chị em cũng không nên quá nôn nóng mà cho con uống nhiều loại thuốc khác nhau.

Lo sốt vó mỗi khi con mắc chứng rối loạn tiêu hóa thì giờ mẹ đã có 19 trợ thủ đắc lực để “cầu cứu” - Ảnh 8.

Một người khỏe, ba người vui.

Cuối cùng, chăm con là cả một hành trình dài mà ở đó mẹ cần trang bị sớm nhất những kiến thức và kỹ năng toàn diện về các căn bệnh dễ mắc ở trẻ nhỏ. Với 19 cách chăm sóc trẻ bị rối loạn tiêu hóa trên đây, hy vọng mẹ đã có thêm hành trang nuôi con khôn lớn và khỏe mạnh mỗi ngày.

Nguồn: Tổng hợp

Chia sẻ