Lo ngại nạn bắt cóc trẻ sơ sinh trong bệnh viện, Bộ y tế lên tiếng cảnh báo

Minh Ngọc,
Chia sẻ

Bộ Y tế vừa có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, TP về việc triển khai một số nội dung nhằm hạn chế việc buôn bán trẻ sơ sinh.

Theo đó, Công văn do Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em Lưu Thị Hồng ký thừa lệnh Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến gửi các Sở Y tế tỉnh, thành phố trên cả nước đã nêu rõ:

Thời gian vừa qua, tại một số cơ sở y tế trực thuộc các tỉnh, thành phố đã xảy ra tình trạng một số kẻ xấu trà trộn vào, dùng các thủ đoạn để bắt có trẻ sơ sinh nhằm nhiều mục đích khác nhau, trong đó có mục đích buôn bán.

Nhằm đảm bảo an ninh, trật tự trong các cơ sở y tế, an toàn cho trẻ sơ sinh và sức khỏe cho bà mẹ, Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện nghiêm túc trong việc tăng cường kiểm tra, giám sát để chấn chỉnh thực hiện chuyên môn, nội quy bệnh viện.

bắt cóc
Một bé bị bắt cóc được công an giải cứu, trao trả về cho gia đình (ảnh Tuổi Trẻ).

Tăng cường công bảo vệ an ninh, an toàn trật tự trong các cơ sở y tế, theo dõi, phát hiện, để phối hợp, xử lý kịp thời các hành vi xâm hại đến trẻ sơ sinh trong các cơ sở y tế.

Chủ động, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan trên địa bàn, tăng cường tuyên truyền, thông tin về âm mưu, thủ đoạn của kẻ xấu đến với các bà mẹ và người nhà của sản phụ.

Từ đó, nâng cao ý thức, cảnh giác, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, chống các tội phạm.

Trước đó, vào năm 2011, tại Bệnh viện phụ sản Trung ương (Hà Nội) cũng xảy ra vụ bắt cóc trẻ em chấn động. Chia tay chồng cũ sau khi đã con 5 tuổi, Nguyễn Thị Lệ về sống với Nguyễn Mạnh Tường như vợ chồng. Trong thời gian sinh sống giữa Lệ và gia đình nhà chồng thường xảy ra mâu thuẫn.

Sợ bị đuổi ra khỏi nhà, Lệ bịa chuyện có thai để níu kéo tình cảm. Lấy lý do cần dưỡng thai, Lệ xin chồng về quê mẹ đẻ ở Bắc Giang. Lệ sau đó nhiều lần đến các bệnh viện phụ sản để săn lùng trẻ sơ sinh để bắt cóc đem về nhận làm con.

Cơ hội đến với Lệ vào 10h ngày 3/11/2011 sau khi sản phụ Trần Thị Thơm (ở tỉnh Hưng Yên) sinh mổ được bé trai kháu khỉnh nặng 3,4kg. Để chiếm đoạt bé, Lệ lên kế hoạch sau khi nắm bắt rõ quy định thăm nuôi của bệnh viện.

Lệ lẻn vào bệnh viện đánh cắp bộ quần áo blouse, bịt khẩu trang y tế, đeo thẻ giả vờ làm nhân viên y tế đến bảo chị Thơm đưa con để bế đi xét nghiệm. Rời khỏi bệnh viện bằng cửa sau, Lệ thuê xe ôm rồi bắt taxi đi về nhà bố mẹ đẻ ở Bắc Giang.

Hàng trăm cảnh sát đã vào cuộc truy tìm kẻ bắt cóc. Gần 7 ngày sau, tung tích của Lệ bị phát hiện. Khi cảnh sát ập vào, Lệ đang cho đứa bé đi ngủ, cô ta nói dối khiến cả gia đình tin rằng đó là con của mình. Bị khép tội Chiếm đoạt trẻ em, ngày 9/4/2012, Lệ bị TAND Hà Nội tuyên phạt 4 năm tù.

Một vụ bắt cóc trẻ sơ sinh tại bệnh viện cũng gây chấn động khác là tại BV Q.7, TP.HCM vào ngày 8/1/2014. Thủ phạm là Nguyễn Thị Bích Trâm (25 tuổi). Để thực hiện ý đồ, Trâm xách một giỏ đồ, trong đó có quần áo trẻ em, tã lót, giấy vệ sinh và một hộp sữa đến Bệnh viện Đa khoa quận 7, giả như người thăm nuôi rảo quanh các phòng tìm sơ hở của sản phụ vừa sinh để bắt con.

17h30, khi đến phòng hậu sản số 4 trên tầng 2, Trâm gặp chị Nguyễn Thị Minh Tâm vừa sinh bé trai 3,2kg. Trâm lân la làm quen, khen bé đẹp rồi lợi dụng khi mẹ cháu bé không để ý đã bế bé đi mất.

Sau 4 ngày truy tìm, công an đã đưa cháu bé trở về với gia đình. Trâm bị khởi tố với tội danh bắt cóc.

Chia sẻ