Lỡ duyên chỉ vì... hôi miệng

Theo VNE,
Chia sẻ

25 tuổi, dù thông minh và xinh đẹp nhưng Quỳnh vẫn chưa có mối tình vắt vai. Cô thà mang tiếng "chảnh" còn hơn bị các chàng trai chào tạm biệt vì miệng mình có mùi cực kỳ khó chịu.

Quỳnh, nhân viên thiết kế một công ty thương mại điện tử ở Hai Bà Trưng, Hà Nội kể, từ khi bước vào lớp 11, miệng cô có mùi rất khó chịu, dù đã vệ sinh rất kỹ. Đi khám răng miệng, cô cũng không phát hiện bị bệnh gì. Cũng vì "cái mùi mà tự mình ngửi đã thấy ghê" này mà Quỳnh thường sống khép mình, chỉ chúi đầu vào sách vở, ít khi trò chuyện với ai.

Lên đại học, ở ký túc xá, trong khi bạn bè lần lượt có đôi có lứa, Quỳnh vẫn một mình lẻ bóng. Cũng nhiều chàng trai tìm đến trồng cây si nhưng Quỳnh thường lảng tránh, hoặc nếu cô có tiếp xúc, thì chỉ sau vài lần, các chàng cũng tự động rút lui. Ngày càng đau khổ vì hơi thở khó chịu của mình, gần đây, Quỳnh đi khám một lần nữa thì được bác sĩ kết luận "thủ phạm" là bệnh hở van dạ dày. Điều khiến cô buồn hơn cả là cơ hội để chữa khỏi khỏi hoàn toàn không nhiều.

Khi miệng nặng mùi, nếu khám loại trừ do các bệnh về răng miệng, bạn nên nghĩ tới bị hở van dạ dày. Ảnh chỉ mang tính minh họa: Minh Thùy.

Cũng chỉ vì miệng có mùi "không thể ngửi được" mà anh Trung (Đào Tấn, Ba Đình, Hà Nội) không dám nghĩ tới chuyện lập gia đình. Chàng kỹ sư xây dựng 32 tuổi, có vóc dáng cao to này thường lặng lẽ ở nơi làm việc, ít khi tụ tập bạn bè và càng ngại khi có người muốn mai mối cho anh với cô gái nào đó.

"Tôi đi khám rồi, cũng biết mình bị hở van dạ dày, nhưng chưa biết cách chữa bệnh, và thực sự cũng bi quan lắm. Nói ra thì nhiều người cười chê, bảo mình nam tử hán mà hèn, nhưng thực sự, nhiều khi tôi còn muốn chết vì cái bệnh oái oăm này", anh Trung thổ lộ.

"Không dám mở miệng trước mặt người ta, thì làm sao mà có thể bày tỏ tình cảm. Giả sử họ có đáp lại mình, thì chỉ cần nghĩ đến cái đoạn lúc mình hôn mà nàng phát buồn nôn là lại thấy rùng mình", anh nói thêm.

Anh cho biết, hiện tại, kể cả khi anh không mở miệng nói, chỉ thở bằng mũi thì người bên cạnh cũng đã ngửi thấy mùi hôi. Và chính sự tự ti về hơi thở nặng mùi đã khiến anh mất đi nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển sự nghiệp, và không dám ngỏ lời với người mình thầm thương trộm nhớ.

Theo bác sĩ Nguyễn Hùng Mạnh, phòng khám nội, Khoa khám bệnh Trung tâm Y khoa Thái Hà, Hà Nội, mùi hôi cực kỳ khó chịu (các bác sĩ nội soi hay gọi đùa là 'mùi hố xí mở nắp') là dấu hiệu đặc trưng nhất của bệnh hở van dạ dày (hay còn gọi là hở tâm vị). Điều này khiến cho tất cả những người mắc bệnh này đều rất ngại giao tiếp, tự ti, ảnh hưởng tới công việc, đời sống tình cảm của họ. Ngay cả khi tới gặp bác sĩ, những người này cũng ngại bộc lộ mình và hạn chế hỏi han.

Ngoài hôi miệng, người bị hở van dạ dày có thể gặp một số triệu chứng khác như nóng rát vùng ức hay sau ức, hay ợ hơi, ợ nóng do trào ngược thức ăn từ dạ dày lên...

Theo bác sĩ, nếu bị hôi miệng, và đã đi khám để loại trừ các bệnh về răng miệng, thì bạn có thể nghĩ tới bị hở tâm vị. Để xác định chính xác bệnh này, bác sĩ sẽ tiến hành soi thực quản, dạ dày.

Bác sĩ Mạnh cho biết, có nhiều nguyên nhân gây hở van dạ dày: do người bệnh bị viêm dạ dày, tiêu hóa kém, dịch dạ dày trào ngược lên hoặc do van dạ dày bị lỏng, để càng lâu sẽ càng hở, tạo điều kiện cho thức ăn trào lên...

Theo các tài liệu y văn, bệnh này hay gặp ở các nước châu Âu hơn khu vực châu Á. Ở Việt Nam cũng ít có nghiên cứu về bệnh này.

Nếu bệnh để lâu không chữa, van dạ dày có thể bị hỏng, gây bỏng, viêm thực quản, thậm chí biến đổi tế bào vùng thực quản, thậm chí có nguy cơ biến chứng thành ung thư thực quản.

Theo bác sĩ Mạnh, điều khiến nhiều bệnh nhân tự ti vì nghĩ hôi miệng do hở van dạ dày sẽ không thể chữa khỏi. Thực tế, nếu phát hiện bệnh sớm, điều trị đúng cách, tình trạng có thể cải thiện tốt. Trước tiên, các bác sĩ phải xác định nguyên nhân gây bệnh và điều trị từ gốc. Tuy nhiên, nhiều người bệnh vì không biết, hoặc ngại đi khám, để bệnh kéo dài quá lâu, gây biến chứng, thì sẽ dứt khó trị dứt điểm.

Về phương pháp điều trị, hiện nay, người ta kết hợp nhiều cách.

Người bệnh sẽ phải điều chỉnh thói quen sinh hoạt, ăn uống: Nên ăn làm nhiều bữa, ăn vừa đủ, hạn chế các thức ăn có dầu mỡ; không nằm ngay sau khi ăn; không ăn no trước khi ngủ ít nhất 2 giờ; kiêng các chất kích thích...

Ngoài ra, bác sĩ có thể cho họ sử dụng các loại thuốc trung hòa axit, kích thích chức năng vận động thực quản dạ dày.

Bên cạnh đó, phương pháp mổ nội soi Nissen (khâu nhiều mũi trước và sau túi phình vị ôm lấy tâm vị và thực quản) cũng đem lại hy vọng cho nhiều người bị hở van dạ dày. Hiện tại, ở miền Bắc, có hai đơn vị là Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) có thể thực hiện phẫu thuật này.

Chia sẻ