Lật tẩy hàng trăm công ty thực phẩm chức năng thần thánh hóa công dụng

Minh Ngọc,
Chia sẻ

Thực phẩm chức năng được các công ty quảng cáo sai sự thật, cường điệu hóa, thần thánh hóa công dụng, sản xuất ở mọi nơi, không đảm bảo vệ sinh .

TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng,  Cục an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết như vậy tại hội thảo: “Bảo vệ người tiêu dùng sử dụng thực phẩm chức năng” do Văn phòng Ban chỉ đạo 389 và báo Lao động đã tổ chức ngày 29/12.

Theo khảo sát của Hiệp hội TPCN Việt Nam, hiện nay, sản phẩm này nhanh chóng phát triển sôi động tại thị trường Việt Nam. Đến năm 2015, Việt Nam đã có hơn 3.000 cơ sở sản xuất và kinh doanh nhóm TPCN, bao gồm cả thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng và thực phẩm bảo vệ sức khỏe. 

Tỷ lệ sản phẩm sản xuất trong nước chiếm hơn 60%, nhập khẩu hơn 30%. Số người sử dụng TPCN hiện nay tại TP Hà Nội là khoảng 63% người trưởng thành, tại TP HCM là khoảng 43% người trưởng thành.

Tỷ lệ người trưởng thành tại Nhật Bản sử dụng TPCN hàng ngày khoảng 80%, Mỹ khoảng hơn 60%.

Doanh số bán TPCN tại Nhật Bản năm 2012 đạt gần 20 tỷ USD. TS Nguyễn Thanh Phong đã chỉ ra những vi phạm khá phổ biến như: sản xuất, kinh doanh TPCN không đúng chất lượng đã công bố. 

Ông Phong cũng thông tin, TPCN được các công ty sai sự thật, cường điệu hóa, thần thánh hóa công dụng của TPCN. Sản xuất TPCN ở mọi nơi không đảm bảo vệ sinh. 

tpcn
Lực lượng chức năng phát hiện nhiều sản phẩm bị làm giả

Trong 7 tháng đầu năm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã thực hiện thanh tra, phát hiện vi phạm và xử lý 105 cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN với tổng số tiền phạt là 1.895.000.000 đồng; xử lý 102 có sở vi phạm về quảng cáo (chiếm 97,1% số cơ sở vi phạm) với tổng số tiền là 1.838.000.000 đồng và xử lý 03 cơ sở vi phạm khác như kiểm nghiệm định kỳ, công bố, ghi nhãn mác  với tổng số tiền là 57 triệu đồng. 

Về thực trạng TPCN giả, nhái, kém chất lượng ông Trần Hùng, Văn phòng Ban chỉ đạo 389 cho biết: "Tình trạng sản xuất TPCN giả (giả về chất lượng, giả về thương hiệu và giả về nguồn gốc, xuất xứ) đang khá phổ biến.

Từ 15/7/2015 đến 15/10/2015, cơ quan chức năng đã thanh tra, kiểm tra phát hiện, xử lý 3.823 vụ việc vi phạm liên quan đến dược phẩm, mỹ phẩm, TPCN; thu nộp NSNN 22,319 tỷ đồng; trị giá hàng hóa, tang vật tiêu hủy 19,803 tỷ đồng; trị giá hàng hóa chưa tiêu hủy và tang vật bị tịch thu là 14,895 tỷ đồng; khởi tố 04 vụ án hình sự với 5 đối tượng", Ông Hùng nói.

tpcn

Thực phẩm chức năng giả tràn lan trên thị trường

Cơ quan chức năng công bố, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm liên quan tới việc sản xuất, kinh doanh TPCN giả, kém chất lượng.  

PGS, TS Lê Văn Truyền nhận định: “Mặc dù thị trường TPCN bùng nổ trên thế giới, khái niệm về TPCN còn rất mơ hồ do thiếu sự thống nhất và rõ ràng trong định nghĩa TPCN.

Chính bởi sự thiếu định nghĩa chính xác, thống nhất và quy chế quản lý khác nhau, thiếu hòa hợp giữa các quốc gia chính là những yếu tố góp phần làm cho thị trường TPCN rối loạn".

Ông Truyền nhấn mạnh: "Đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, nơi mà hệ thống thể chế còn chưa hoàn chỉnh, năng lực của các cơ quan thực thi còn hạn chế, quy mô của các cơ sở sản xuất kinh doanh còn nhỏ lẻ, manh mún, không đỉ năng lực về khoa học, công nghệ, đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp còn thấp. 

Tình hình này còn có thể thấy rõ ở Việt Nam, theo một số đánh giá, khoảng 50% sản phẩm TPCN được kiểm tra trên thị trường có vi phạm về chất lượng với những hình thức tinh vi…”.

Chia sẻ