Nếu có nghề nào đòi hỏi và thử thách tính chuyên nghiệp ở cấp độ cao nhất, đó chỉ có thể là nghề trông nom, chăm sóc trẻ nhỏ. Với những người trông trẻ tại gia, thứ "lương bổng" lớn nhất họ nhận được không phải chỉ có tiền bạc, mà còn là tình cảm, sự gắn kết, lòng quý trọng của đứa trẻ dành cho mình. Rồi khi có một lí do nào đó, chủ quan hay khách quan xuất hiện, người trông trẻ sẽ buộc phải dừng công việc của mình. Khi ấy, sự biến mất của họ chắc chắn sẽ để lại không ít sự hẫng hụt, buồn bã trong lòng đứa trẻ. Và đó là lúc bố mẹ đứa trẻ nhận ra, nói lời chia tay với một người đã từng giúp mình trông nom, chăm sóc con không bao giờ là một việc dễ dàng.


Con nhỏ, mẹ và người trông trẻ - Mối quan hệ tay ba... đầy phức tạp - Ảnh 1.

Mỗi khi bước ra khỏi nhà đến công sở làm việc, hẳn ông bố bà mẹ nào cũng cảm thấy rất biết ơn người giúp việc ở nhà khi đã giúp mình chăm sóc con cái. Nhưng cũng chính vì thế, mà đôi khi bố mẹ phải đối mặt với những mâu thuẫn trong cảm xúc: Cảm thấy áy náy, day dứt khi mình không thể tự tay chăm sóc, quan tâm con, mà phải nhường việc đó cho người khác. Con cái cần người chăm sóc, bố mẹ cần có người trông nom con cái, cho con ăn uống, ngủ nghỉ để yên tâm công tác, người giúp việc cần việc làm để có thu nhập, duy trì cuộc sống. Mối quan hệ "cộng sinh" ấy đã tạo ra một "cuộc tình tay ba" cực kỳ phức tạp với đứa trẻ là nhân vật trung tâm. Và hai người đứng hai bên chính là mẹ và người giúp việc.

Con nhỏ, mẹ và người trông trẻ - Mối quan hệ tay ba... đầy phức tạp - Ảnh 2.

Một người mẹ luôn cảm thấy an tâm khi tìm được người giúp việc, trông nom con cẩn thận, yêu thương con hết lòng; nhưng vào chính khoảnh khắc ấy, bất cứ người mẹ nào cũng có đôi chút cảm giác bị đe dọa. Họ e sợ rằng theo thời gian, con mình sẽ quấn và quý người giúp việc hơn cả mình. Chính vì thế, thời gian người giúp việc đến và làm trong bao lâu, sẽ phụ thuộc cực kỳ lớn vào mối quan hệ cảm tính giữa người mẹ và chính họ.

Đối với người giúp việc, yêu cầu công việc mà người chủ dành cho họ luôn cực kỳ cao, tất nhiên là với một mức lương xứng đáng. Đó là lí do mà nghề trông trẻ hay giúp việc là nghề rất dễ "mặc cả" và đội giá vì bố mẹ nào cũng mong muốn tìm được một người giúp việc năng nổ, hoạt bát, sạch sẽ, vui vẻ và quan trọng nhất là yêu thương con mình thật lòng.

Tuy nhiên, họ cũng phải đối mặt với một sự thật: Sẽ có thể có "biến" bất cứ lúc nào. Dù là lí do khách quan hay chủ quan, thì cũng sẽ đến một ngày, người chủ không cần thuê họ nữa. Cuối cùng, dù có tình cảm sâu đậm đến mấy, yêu thương đứa trẻ và được chúng yêu lại nhiều thế nào, trông trẻ cũng vẫn chỉ là một công- việc. Mà công việc thì đầy rẫy những rủi ro.

Con nhỏ, mẹ và người trông trẻ - Mối quan hệ tay ba... đầy phức tạp - Ảnh 3.

Con nhỏ, mẹ và người trông trẻ - Mối quan hệ tay ba... đầy phức tạp - Ảnh 4.

Có rất nhiều lí do để một người trông trẻ chủ động hay bị động từ bỏ công việc của mình.

Gia đình chị Ngọc Lan (30 tuổi, Hà Nội) đã từng rất phấn khởi khi cuối cùng cũng đã tìm được người giúp việc để trông đứa con nhỏ của mình. Con tròn hai tuổi, chị nhận dự án quan trọng của công ty. Chồng đi công tác xa cả năm về nhà được một, hai lần, chị vừa làm bố, vừa làm mẹ luôn thể. Công việc khi đó đã ngốn phần lớn thời gian và sức lực của chị, khién chị không thể chuyên tâm chăm sóc con. Vậy là thuê người giúp việc. Bà Hằng, người giúp việc cho nhà chị là một người hiền lành, chăm chỉ và chịu khó học hỏi. Mới ở được ba tuần mà con chị, bé Bông đã quý bà ra mặt, chỉ bám bà chứ không thèm bám mẹ như trước. Chị Lan, phần nhẹ nhõm hơn vì con không còn quấn mình, phần lại thấy hụt hẫng với câu hỏi "Ơ, con không gần mình nữa sao?". Rồi vấn đề lớn hơn xuất hiện. Con chị đang ở tuổi tập nói, và người dạy bé nói cả ngày, không ai khác chính là bà Hằng. Một chiều đi làm về, chị thấy bé bập bẹ "Mịe, mịe ơi!". Nỗi mừng vui vì con biết nói chưa kịp phồng lên đã xẹp ngay xuống như quả bóng bị xì hơi. Rõ ràng gia đình chị là người Hà Nội gốc, ấy vậy là con lại gọi mẹ là "mịe", nghe mới "địa phương" làm sao. Rồi chị nhận ra, con đang nói y hệt bà Hằng. Giọt nước tràn ly là khi chị nghe thấy con mình nói "Tiên sư!" rồi cười khanh khách ra vẻ rất đắc chí, thích thú. Ngay lập tức, chị gọi bà Hằng vào nói chuyện, và buộc cho bà thôi việc.

Con nhỏ, mẹ và người trông trẻ - Mối quan hệ tay ba... đầy phức tạp - Ảnh 5.

Hay như gia đình anh Thanh cũng chọn thuê người giúp việc trông con trong ba tháng con nghỉ Hè. Bé vừa học lớp một, đang nghỉ để chuẩn bị lên lớp hai nên cũng không có quá nhiều bài tập. Cả ngày, bé ở nhà chơi, ngủ, ăn uống cùng người giúp việc. Tình cảm ba bên (người giúp việc, bé con và phụ huynh) dành cho nhau rất tốt. Nhưng đến khi bé đi học lai, gia đình anh lại không muốn thuê người giúp việc nữa, vì thời gian bố mẹ đi làm thì bé cũng đã học bán trú ở trường.

Rồi còn rất nhiều lí do khác, như gia đình chuyển sang thành phố khác, đất nước khác sinh sống; như người trông trẻ không đáp ứng được yêu cầu của bố mẹ; hoặc người trông trẻ gặp vấn đề sức khỏe hay muốn dừng làm việc để xây dựng gia đình riêng…

Tất cả đều dẫn đến một kết quả: Người giúp việc sẽ rời đi.

Và cơn "địa chấn" mang tên những cú sốc cảm xúc chính thức bắt đầu.

Con nhỏ, mẹ và người trông trẻ - Mối quan hệ tay ba... đầy phức tạp - Ảnh 6.

Người sốc đầu tiên, chắc chắn là trẻ nhỏ. Chúng còn quá nhỏ để có thể hiểu được những mâu thuẫn (nếu có) giữa bố mẹ và người giúp việc, vốn là những người mà chúng yêu thương, tin tưởng nhất. Đã có những gia đình, khi người giúp việc nghỉ, đứa trẻ đã có những phản ứng vô cùng tiêu cực: Bỏ ăn uống, suốt ngày quấy khóc, liên tục gọi tên người trông trẻ, không ngủ hoặc ngủ không ngon giấc. Đón nhận phản ứng này, chắc hẳn phụ huynh nào cũng rất đau đầu và bối rối. Nhưng lời khuyên tốt nhất cho các ông bố bà mẹ lúc này là đừng để cảm xúc cá nhân của mình chi phối hay ảnh hưởng đến sự buồn bã ấy của con.

Người sốc thứ hai, chính là người giúp việc, nhất là khi theo thời gian, họ cũng đã dần hình thành tình cảm yêu mến đối với đứa trẻ. Dù thứ tình cảm ấy không trong trẻo, hồn nhiên không vụ lợi như của những đứa bé, nhưng nó cũng là một thứ tình cảm đáng trân trọng. Khi bạn ở với ai đó quá lâu, tiếp xúc với người đó quá nhiều, họ sẽ trở thành một phần quan trọng của cuộc đời bạn. Điều này hoàn toàn đúng với những người trông trẻ. Khi họ bị buộc thôi việc, chắc chắn họ cũng sẽ thấy rất buồn đau và hụt hẫng.

Con nhỏ, mẹ và người trông trẻ - Mối quan hệ tay ba... đầy phức tạp - Ảnh 7.

Oanh, một người từng làm giúp việc và trông con cho một gia đình ở Sài Gòn tâm sự: "Mình ở Biên Hòa lên Sài Gòn để làm nghề giúp việc và trông trẻ, may mắn được gia đình chị chủ thuê ngay. Nhà họ rất hiền lành, dễ mến, nhất là bé Khôi. Mình ở cùng gia đình ba năm, trông bé Khôi từ ngày bé mới sáu tháng tuổi. Thế rồi anh chị ấy li hôn, mỗi người một nơi. Chị chuyển sang Singapore, mang theo cả bé Khôi. Mình bị buộc phải nghỉ việc. Đó là một cú sốc lớn. Khi đang ngày nào cũng được bế, được chăm sóc, cưng nựng, chơi với bé rồi bỗng dưng bé biến mất, có thể sẽ không bao giờ gặp lại nữa. Một lần đi siêu thị, trong lúc tìm ví tiền, mình vô tình thấy một chiếc vớ của bé Khôi ở trong ngăn túi. Vậy là đứng ở giữa siêu thị khóc hết nước mắt".

Bố mẹ, tất nhiên cũng sẽ cảm thấy hụt hẫng, nhất là khi người giúp việc tự chủ động xin thôi việc. "Ai sẽ trông con cho mình đi làm đây?", "Liệu con mình có yêu quý người giúp việc mới không?", "Mình phải giải thích với con thế nào đây?", "Mình phải mất bao lâu để tìm ra người ưng ý bây giờ?"… Hàng loạt câu hỏi sẽ xuất hiện trong đầu những ông bố bà mẹ bận rộn khi đó. Và hẳn nhiên cũng không ít ông bố bà mẹ đã có tình cảm, thói quen sống cùng người giúp việc đó. Nên khi họ đột ngột xin nghỉ việc, tất nhiên sẽ là một sự bất ngờ không hề nhỏ.


Con nhỏ, mẹ và người trông trẻ - Mối quan hệ tay ba... đầy phức tạp - Ảnh 8.

Con nhỏ, mẹ và người trông trẻ - Mối quan hệ tay ba... đầy phức tạp - Ảnh 9.

Không có sự chia ly nào là dễ dàng, nhất là với những người mà trẻ nhỏ và bố mẹ đã có những sợi dây liên kết tình cảm vững chắc. Khi người giúp việc đi mất, nó giống như việc cướp mất chiếc chăn ấm của trẻ nhỏ trong mùa Đông lạnh giá. Chúng sẽ khóc than, buồn đau vì nó, tất nhiên.

Nhưng theo nghiên cứu, trẻ dưới ba tuổi vẫn chưa hình thành vùng kí ức một cách hoàn thiện, chúng vẫn nhớ, nhưng sẽ dễ quên và làm quen với người giúp việc mới (nếu có). Việc bố mẹ cần làm là không nên cấm cản con buồn.

Hãy để trẻ được tự do bộc lộ cảm xúc. Gợi ý trẻ làm một tấm thiệp tạm biệt người giúp việc cũng là cách rất ổn để trẻ ý thức được rõ ràng sự ra đi của họ. Lấy tạm một lí do nào đó, "cô phải đi chữa bệnh, cô bị ốm", "bà phải đi làm mua thịt cá"… để hợp lí hóa sự ra đi. Một con gấu bông mới cũng sẽ giúp trẻ ngủ ngon, có cảm giác an tâm và đỡ bị giật mình hơn.

Những cuộc trò chuyện mở và không có quá nhiều khoảng cách giữa ông bà chủ - người giúp việc cũng sẽ khiến họ cảm thấy thoải mái mà bày tỏ những bức xúc của mình. Khi ấy, bố mẹ sẽ có cách xử lí, xoa dịu sớm trước khi tình hình trở nên tệ thêm. Người trông con mình mà bức xúc, khó chịu, thì con mình sẽ là người "hứng" nỗi bức xúc ấy đầu tiên. Bố mẹ đừng quên điều đó. Điều cần thiết nhất là giữ cho tâm lí của người trông trẻ luôn được thoải mái, vui vẻ và không có nhiều bất an.

Sau khi người giúp việc rời đi, bố mẹ cũng có thể mời họ đến nhà chơi (nếu thời gian, hoàn cảnh cho phép). Điều này sẽ khiến trẻ thấy rất vui mừng, thích thú, người trông trẻ cũng sẽ bớt nhớ đứa bé hơn.

Ai cũng sẽ buồn, nhưng ai rồi cũng sẽ ổn!

Con nhỏ, mẹ và người trông trẻ - Mối quan hệ tay ba... đầy phức tạp - Ảnh 10.

Khúc Cẩm Huyên
Tất Sỹ
Bi
Theo Trí Thức Trẻ13/10/2017