Lăng mạ, vu vạ CSGT: Rất cần những cái nhìn khách quan từ hai phía

Minh Khôi,
Chia sẻ

Thời gian qua, tình trạng người tham gia giao thông vi phạm chống đối Cảnh sát giao thông (CSGT) diễn ra khá phức tạp. Tình trạng này càng trở nên đáng báo động khi tính chất và hệ lụy gây ra cũng phát triển theo hướng nghiêm trọng.

Ngày qua ngày, chúng ta phải ra đường, người đi học, kẻ đi làm. Giao thông chính là lĩnh vực gắn bó và có ảnh hưởng trực tiếp đến con người trong đời sống thường nhật dù ở nông thôn hay thành thị. Chính vì lẽ đó, CSGT cũng là lực lượng chức năng tương tác thường xuyên nhất với người dân, góp phần quan trọng bảo vệ quyền lợi cũng như sự an toàn của người dân khi tham gia giao thông.

Gần đây, xã hội xảy ra nhiều trường hợp một số người dân khi bị CSGT thổi phạt đã phản ứng quyết liệt, tấn công lại người thi hành công vụ. Gặp những đối tượng quá khích như thế, thường thì CSGT đều phải từ tốn, kiên nhẫn giải quyết vụ việc, thậm chí, trong nhiều trường hợp các đồng chí CSGT không thể không phản ứng lại.

Trong đó, một số vụ việc được đăng lên mạng xã hội khiến dư luận bức xúc vì hành vi côn đồ, vu vạ, xúc phạm CSGT của những người sai phạm khi tham gia giao thông.

Lăng mạ, vu vạ CSGT: Rất cần những cái nhìn khách quan từ hai phía - Ảnh 1.

Theo Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn quốc xảy ra gần 30 vụ chống đối lại lực lượng CSGT khi làm nhiệm vụ, khiến 2 cảnh sát hy sinh, nhiều chiến sĩ bị thương. Ảnh: V.H.

Điển hình như vụ việc một nhóm thanh niên đi xe máy, đầu không đội mũ bảo hiểm lạng lách, đánh võng trên đường vào Tràng An (Ninh Bình) đã bị Cảnh sát giao thông phát hiện, truy đuổi. Tuy nhiên, khi dừng xe nhóm thanh niên này còn lớn tiếng la lối, thách thức, gọi đồng bọn đến, thậm chí vu vạ CSGT đánh người.

Lăng mạ, vu vạ CSGT: Rất cần những cái nhìn khách quan từ hai phía - Ảnh 2.

Nhóm thanh niên đầu không đội mũ bảo hiểm, lạng lách đánh võng còn vu vạ cho CSGT đánh người khi bị buộc dừng xe để xử lý vi phạm. Ảnh cắt từ clip

May mắn toàn bộ sự việc đã được người đi đường ghi lại. Đặt trường hợp nếu vụ việc không có người chứng kiến từ đầu, chắc hẳn những chiến sĩ CSGT sẽ bị "oan" khi mang tiếng "đánh phụ nữ mang thai" qua lời hai đối tượng vi phạm giao thông cố lái sự việc theo ý của mình, gào to “kêu oan” giữa đường phố.

Trước đó đã có khá nhiều vụ việc, người vi phạm giao thông cầm dao, vỏ chai bia và... xích sắt tấn công CSGT. Đơn cử như vụ việc xảy ra tại khu vực đường Tạ Quang Bửu (Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng) vào khoảng 2h30 ngày 19/9/2017 vừa qua. Khi đang làm nhiệm vụ tại địa điểm nói trên, thì CSGT phát hiện xe ô tô container biển số 86C-014.74 do tài xế Trần Văn Nam (trú Phù Mỹ, Bình Định) điều khiển chạy lấn làn đường nên yêu cầu dừng kiểm tra.

Lăng mạ, vu vạ CSGT: Rất cần những cái nhìn khách quan từ hai phía - Ảnh 3.

Trung tá Bùi Hòa bị thương. Ảnh: Plo.vn

Thế nhưng tài xế không chịu dừng mà nhấn ga bỏ chạy. Trung tá Bùi Hòa, Phó đội CSGT Kim Liên dùng xe mô tô đặc chủng đuổi theo. Lái xe container đã hai lần ép và "hất" trung tá Hòa ngã xuống đường khiến Trung tá Hòa bị thương và xe CSGT hư hỏng nặng.

Không những thế, phụ xe là Phạm Văn Định còn cầm dao nhảy xuống đe dọa Trung tá Hòa, đạp ngã xe mô tô đặc chủng xuống đường. Với sự trợ giúp của các lực lượng, khi bị bắt, cả lại xế và phụ xe đã đóng cửa cố thủ nhiều giờ liền.

Thậm chí có không ít trường hợp vi phạm còn sẵn sàng đấm vào mặt, nhổ nước bọt, đấm đá CSGT. Điển hình như vụ việc xảy ra vào tối ngày 9/9/2017 vừa qua, tổ tuần tra kiểm soát giao thông của Đội CSGT Rạch Chiếc phối hợp với lực lượng Cảnh sát cơ động TP.HCM tổ chức kiểm tra, đo nồng độ cồn với những người điều khiển xe say xỉn tại ngã tư Bình Thái (phường Trường Thọ, quận Thủ Đức). Trong thời điểm này, Trung úy CSGT Trần Đình Nam (SN 1987) nhận thấy người điều khiển xe Vespa mang biển kiểm soát 59X1 – 161.70 do chị Nguyễn Trung Tâm điều khiển lưu thông không đội mũ bảo hiểm, có nhiều dấu hiệu say xỉn nên đã mời vào để kiểm tra.

Lăng mạ, vu vạ CSGT: Rất cần những cái nhìn khách quan từ hai phía - Ảnh 4.

Một người phụ nữ chỉ mặt, lăng mạ CSGT. Ảnh minh hoạ cắt từ clip.

Qua kết quả đo nồng độ cồn từ máy cho thấy, chị Tâm có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép. Khi tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, chị này đã liên tục có thái độ chửi bới, lăng mạ, xúc phạm Trung úy Nam. Không những thế, Tâm đã bất ngờ dùng tay đấm thẳng vào mặt của Trung úy Nam. Rất may, cú đấm của Tâm chỉ trúng vào mũ bảo hiểm CSGT chuyên dụng, làm mũ bảo hiểm rơi xuống đất, còn miệng của Trung úy Nam chảy máu...

Hay trước đó tại Hà Nội, ngày 25-8, khi được báo tin có vụ va chạm giữa hai xe ô tô tại ngã tư Xuân Thủy - Nguyễn Phong Sắc - Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội), lực lượng CSGT đã có mặt và yêu cầu tài xế hai xe xuống giải quyết sự việc. Tuy nhiên, tài xế ngồi trên một trong hai chiếc xe đã ngồi lì trong xe mặc cho CSGT nhiều lần gõ cửa và yêu cầu người này xuống hợp tác giải quyết. Sự việc đã khiến giao thông tại ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Xuân Thủy ùn tắc nghiêm trọng.

Khoảng 15 phút sau, tài xế chiếc ô tô KIA bước xuống xe nồng nặc mùi rượu bia. Người này lập tức chửi bới, nhổ nước bọt và lao vào đấm đá lực lượng CSGT, buộc các chiến sĩ CSGT phải khống chế. Sự việc phải nhờ tới sự hỗ trợ của lực lượng 113 mới được giải quyết

Lăng mạ, vu vạ CSGT: Rất cần những cái nhìn khách quan từ hai phía - Ảnh 5.

CSGT vật lộn với tài xế say xỉn. Ảnh: Zing

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, cần xem xét lại trong các vụ chống đối có hay không một "chất xúc tác" đã thổi bùng cơn giận, kích động người vi phạm chống lại lực lượng chức năng?

Đó có thể là văn hóa giao tiếp ứng xử, kỹ năng xử lý, giải quyết tình huống còn hạn chế hay những mặt tiêu cực khác… khiến cho người tham gia giao thông và người vi phạm ức chế dẫn đến hành vi cản trở, chống đối.

Có lẽ không vô lý mà mới đây, Bộ Công an ban hành dự thảo quy tắc ứng xử của Công an nhân dân với người dân. Cho dù người dân có phạm luật, họ vẫn cần được tôn trọng. Nếu CSGT không giữ được bình tĩnh, hay có thái độ quát nạt, căng thẳng kể cả những hành vi tiêu cực... thì một số người sẽ lấy đó làm lý do để tự vệ. Đây sẽ là một tiền lệ rất xấu nếu phía CSGT không xem xét, điều chỉnh hành vi.

Chính vì lẽ đó, trong mọi trường hợp, CSGT không được nổi nóng, phải có thái độ nhã nhặn, nhẹ nhàng và rèn luyện thêm kỹ năng xử lý tình huống nhanh nhạy để dần dần đẩy lùi được những mặt trái không đáng có.

Chia sẻ