Lận đận những đứa trẻ mưu sinh trên biển

Mai Linh, nguồn ảnh: afamily.vn,
Chia sẻ

Quá nửa đêm, khi con nước lớn bắt đầu rút xuống cũng là lúc mưu sinh của hàng trăm đứa trẻ nghèo vùng ven biển.

Trong khoảng không gian tối đen vùng ven biển, gió mạnh mang theo hơi nước mặn mòi từ biển cả, hàng trăm đứa trẻ vùng bãi Triều (Nghĩa Hưng, Nam Định) theo cha mẹ bắt đầu một ngày mưu sinh đầy vất vả. Với chúng, công việc nhọc nhằn này không chỉ đem lại miếng cơm, manh áo, mà còn viết tiếp giấc mơ đến trường còn dang dở.
 
Mưu sinh trên cát
 
Quá nửa đêm, tôi chợt tỉnh giấc ngủ vì nghe tiếng gọi í ới của lũ trẻ cùng xóm, chúng đã chuẩn bị những chiếc cào dài, đèn pin, túi lưới buộc gọn gàng quanh người và đứng đợi tôi. Leo lên chiếc xe đạp cũ kĩ, đạp thật lực qua những con đường đất gồ ghề, mồ hôi chảy ròng ròng vì đạp ngược cơn gió... mãi chúng tôi cũng tới được bãi Triều.

Lúc còn ngáp ngủ, tôi đinh ninh rằng mình đi như thế này là quá sớm, lại trách lũ trẻ không để tảng sáng hãy đi, đến sớm, lủi thủi chỉ có mấy chị em, nhỡ may con nước lên không kịp chạy. Hơn nữa, bãi biển hoang vu rộng lớn thế này, nghĩ tới đã thấy rợn người...
 
Nhưng thực tế hoàn toàn khác hẳn khi chúng tôi đặt chân tới đây, hàng trăm ngọn đèn pin sáng lóa, tiếng cười nói rộn ràng của các bà, các chị, và lũ trẻ đi cào vạng (một loại hải sản giống ngao) khuấy động cả một vùng biển.
 
Đào vạng là nghề tay trái của những người dân ven biển

Thằng cu Hải (11 tuổi) (tên chúng tôi thường gọi em Nguyễn Văn Hải cùng xóm) là đứa “sành” nhất trong nghề, nó theo mẹ đi cào vạng từ lúc mới lên 7, lúc mà cái sào vẫn còn cao hơn cả đầu nó, đến bây giờ cũng được 5 năm.
 
Lũ trẻ trong xóm, ai cũng phục tài nhanh mắt, nhanh tay và sức khỏe của thằng bé đen nhẻm này. Ra dáng thủ lĩnh, nó bảo: “lội qua sông đi, lên bè mà kéo, kẻo bọn hà lại xẻ vào chân thì có trời mới băng bó được lúc này. Nhanh chân không... hội khác chiếm mất chỗ “ngon””, nghe nó, chúng tôi bước lên cái bè nhỏ, ra sức kéo sang bờ bên kia.

Gió mỗi lúc một mạnh, kéo phăng cả cái bè, dáng nhỏ thó của thằng cu Hải đang cầm chiếc đèn pin chiếu sáng cho chúng tôi dường như cũng liêu xiêu trước mỗi cơn gió mạnh đang gào thét.

Phải khó khăn lắm mới len qua được qua rừng cây vẹt, chúng tôi mới tới được bãi vạng. Chủ vạng (người thả giống vạng ở vùng biển này) phân chia cho 5 đứa chúng tôi một khoảng đất trống đã được vạch sẵn, việc còn lại là dùng sức để cào thật lực, càng nhiều càng tốt.
 
Lũ trẻ cũng theo cha mẹ đi đào vạng từ lúc còn nhỏ.

Lũ trẻ trong nhóm bắt đầu cởi đống đồ nghề đã buộc sẵn trên người. Mỗi đứa cầm một bàn cào nhỏ, có những thanh sắt nhọn, và một chiếc sào dài cao quá đầu. “Ở chỗ nhiều như thế này thì dùng bàn cào nhỏ, cào tay mới được nhiều, chỗ nào ít thì mới dùng đến cây sào này. Lúc cào, nhớ dùng hai tay thọc sâu bàn cào vào đất, ấn thật lực vào, rồi kéo lên, nước biển sẽ tự đãi cát đi, còn lại những con vạng thì bỏ trong giỏ. Nhớ mang theo giỏ của mình để lúc chủ vạng còn cân lên trả tiền nhé”, thằng bé Thắng tỉ mỉ hướng dẫn.

Nói rồi cả lũ cắm cúi làm, mỗi đứa tỏa đi một hướng, làm cật lực như sợ khi con nước lên sẽ không thể cào tiếp được nữa, đồng nghĩa với việc tiền công trong ngày cũng vơi đi.

Tôi bắt đầu cắm cúi làm, nhưng chiếc cào sắt vốn đã nặng, lại thêm cát, và những con vạng khiến tôi không đủ sức nhấc lên... cơn gió mạnh cũng không làm khô nổi những giọt mồ hôi thi nhau túa ra...

Trong ánh đèn lờ mờ, tôi nhận thấy có hàng trăm đứa trẻ đang lao động tại đây, chúng đi theo cha mẹ, hoặc lập thành hội chuyên rủ nhau đi cào thuê như hội của lũ trẻ trong xóm tôi. Nhiều đứa, mới chỉ lên 7, còn lại đa phần cũng 11, 12 tuổi.
 
Công việc vất vả, lại chẳng kiếm được bao nhiêu tiền,
nhưng đêm nào chúng cũng xách cào đi.

Mỗi ngày, trung bình mỗi đứa trẻ cào được 2-3 kg vạng. Chủ vạng trả với giá 6.000 -8.000 đồng/kg tùy theo từng loại. Ngày nào nhiều nhất cũng kiếm được 30.000 đồng. Còn bình thường chỉ được 15.000 -20.000 đồng/ngày. Số tiền ít ỏi cũng đủ để chi tiêu cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của những gia đình nghèo ven biển.

Cào vạng phải biết căn theo lịch con nước. Khi con nước rút thì cào và phải trở về thật nhanh khi con nước bắt đầu lên cao. Những đứa trẻ vùng biển thuộc lịch con nước như lòng bàn tay từ khi còn bé. Có khi, con nước lên lúc nửa đêm cũng phải thức dậy, nắm cơm mang đi ăn cho đỡ đói. Đến 7, 8 giờ sáng mới chịu về.
 
Đưa tay múc dòng nước mặn chát rửa mặt, thằng bé tên Minh hồ hởi bảo: “hôm nay nhiều vạng ghê, mới làm đã được hơn năm cân, chắc cũng được vài chục nghìn bỏ túi rồi chị ơi. Nhất định sáng mai em sẽ đưa tiền cho mẹ mua một con cá, làm hẳn bữa cơm thịnh soạn cho cả nhà”.

Nghe câu nói của thằng nhỏ, tôi không khỏi chạnh lòng...
 
Trời bắt đầu tảng sáng, dòng người hối hả mang từng túi vạng lớn tới chỗ chủ vạng cân để lấy tiền. Lũ trẻ xóm tôi mỗi đứa cũng được vài ba chục nghìn, cầm những tờ tiền trên tay, chúng hét lên vì sung sướng.
 
Thằng bé Hải dáng người nhỏ thó, nhưng đã có thâm niên
 trong nghề cào vạng thuê.

Con nước bắt đầu lên, tất cả đều vội vàng vơ đống đồ nghề nhanh chân... chạy. Riêng tôi hụt hơi không theo kịp, đành bỏ đoàn đứng lại phía sau nghỉ lấy sức. Thằng bé Hải đi được một đoạn khá xa, không thấy tôi đâu phải quay lại, nó gắt: “chị không rảo chân lên, con nước lên chết đuối bây giờ. Nhanh đưa tay cho em kéo”.

Nhìn dòng nước mới còn xâm xấp mắt cá chân, giờ đã lên tới đầu gối, tôi không khỏi hốt hoảng, biết bao người cũng vì chậm chân không chạy kịp lúc con nước lên mà bị biển cả nuốt chửng. Chỉ nghĩ đến cảnh đó, là tôi cố sức lê theo thằng Hải cho kịp về tới bờ.
 
Lúc đến được rừng vẹt, tạm an toàn, cũng là lúc con nước đã lên tới ngực. Chỉ mười phút sau khi chúng tôi đứng trên đê nhìn xuống, cả bãi vạng đã ngập chìm trong con nước lớn. Kết thúc một ngày mưu sinh đầy vất vả...

Nhọc nhằn con chữ

Ở vùng ven biển này, cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng khao khát được đến trường của những đứa trẻ này lúc nào cũng cháy bỏng.
 
Cô Nguyễn Thị Lý (giáo viên tiểu học Nam Điền) tâm sự: “bọn trẻ ở đây ngoài thời gian đi học, còn phải giúp cha mẹ kiếm tiền. Tội nghiệp chúng, cả đêm đi cào vạng, đến tảng sáng lại tới lớp. Nhiều hôm, có đứa đến muộn, tay vẫn còn cầm cây sào lí nhí xin cô giáo cho vào lớp. Lại có lần, con nước rút sớm, chúng tạt qua trường chờ đến giờ học, nhìn các em tím tái vì lạnh, tôi thương lắm”.

Đã có một thời gian dài, cũng vì cuộc sống khó khăn mà hàng chục đứa trẻ bỏ học để ở nhà mưu sinh. Các thầy, cô giáo trong trường phải đến từng nhà vận động để các em tiếp tục đến trường.

Thậm chí, để động viên các em tới lớp, các thầy cô giáo phải góp tiền, mua bút, sách tặng các em nhỏ, dạy kèm thêm những em còn học yếu...
 
Nhưng đó là chuyện của những ngày xưa, sự học đang đổi thay trên vùng đất khó. “Các em dù vất vả đến mấy cũng cố gắng đến trường học đầy đủ, em nào cũng học rất khá. Đó chính là động lực để những người giáo viên như chúng tôi dạy tốt hơn nữa”, cô Lý cho hay.

Không còn cảnh những gia đình vì nghèo mà ép con phải bỏ học, dân vùng bãi Triều đã nhìn xa hơn biển cả, việc học hành của những đứa trẻ được đặt lên hàng đầu.
 
Những giỏ vạng đầy, kiếm vài đồng lãi một ngày để bỏ lợn tiết kiệm
sẽ nuôi giấc mơ được đến trường của Thắng.

“Em chỉ đi cào vạng mùa hè thôi, vào năm học mới mẹ bắt em ở nhà nghỉ để sáng hôm sau còn tới lớp. Nghe lời mẹ, lời cô giáo, em sẽ chăm chỉ học thật giỏi, để sau này có công việc ổn định, sẽ đỡ vất vả hơn”, thằng bé Thắng liến láu nói.

Thành tích học tập nhiều năm liền là học sinh giỏi của em đã chứng minh điều đó. Dù mưu sinh nhọc nhằn, nhưng cha mẹ em quyết tâm cho các con ăn học thành tài. Như hai chị gái của em, học đại học và đã ra trường có công việc ổn định.

Còn cậu bé Lê Văn Quân lại hớn hở khoe với tôi: “hai tháng hè mỗi ngày em kiếm được 30 nghìn đấy. Số tiền đó, em đem bỏ lợn tiết kiệm, đến đầu năm học, em đập lợn đưa tiền cho mẹ sắm sách vở vào năm học mới. Chị gái em đã bỏ học từ sớm để em được tới trường, thương bố mẹ, thương chị, nên em phải học thật giỏi để không phụ công mong mỏi của cả nhà”, nói rồi cậu bé cười tươi.

Nhìn vào bảng thành tích học tập của mỗi đứa trẻ vùng bãi Triều, và niềm vui khi mỗi năm lại có hàng chục em thi đỗ các trường Đại học danh tiếng, anh Phi, một người dân ở đây cho biết: “cào vạng cả đời có mà nghèo kiết xác, suốt đời chỉ là đời vạng thôi, nhọc nhằn lắm. Nhiều đứa trẻ ở đây học thành tài, đi làm bác sĩ, giáo viên, chúng về làng trông oách lắm. Chúng lại còn xây nhà mới, nuôi bố mẹ già. Mình thấy thế nên dù có nghèo cũng phải cố cho con ăn học nên người”.

Nhìn những tia sáng hy vọng lóe lên trên gương mặt người đàn ông miền biển khắc khổ này, tôi tin vào sự đổi thay tươi sáng trên vùng đất khó.
Chia sẻ