Làm việc "kỳ lạ" này, các bác sĩ Sài Gòn đã cứu tân binh 21 tuổi tiên lượng tử vong vì căn bệnh tấn công trực tiếp vào não

Hoàng Lê,
Chia sẻ

Trước tình huống ngàn cân treo sợi tóc khi chàng trai Đắc Lắc vừa vào quân ngũ rơi dần vào nguy kịch, tiên lượng sẽ tử vong, các bác sĩ ở Bệnh viện Quân y 175 đã làm một việc "kỳ lạ" trên quãng đường suốt 500 km để giành lại mạng sống cho bệnh nhân.

Ngày 17/8, bác sĩ Vũ Đình Ân, Phó khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện (BV) Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) cho biết, nơi đây vừa thực hiện một ca "lọc máu dạo" ngoạn mục, cứu sống một bệnh nhân bị viêm não mô cầu rất nặng.

Theo bệnh sử, chàng trai L.H.T (21 tuổi, quê Đắc Lắc) vừa vào bộ đội sau 3 tháng huấn luyện tân binh ở Quân đoàn 3, đóng quân cách nhà 130 km.

Ngày 5/6 bệnh nhân lên sốt, đau đầu, lơ mơ, tri giác xấu đi. Các bác sĩ quân y của đơn vị theo dõi, xác định nhiều khả năng T. nhiễm não mô cầu. Đây là một bệnh truyền nhiễm cấp tính có thể gây tử vong nhanh vì gây tổn thương trực tiếp vào não.

Làm việc kỳ lạ này, các bác sĩ Sài Gòn đã cứu tân binh 21 tuổi tiên lượng tử vong vì căn bệnh tấn công trực tiếp vào não - Ảnh 1.

Bệnh nhân L.H.T.

Bệnh nhân nhanh chóng diễn tiến xấu, sốt nặng lên, da nổi những mảng da xuất huyết (gọi là tử ban). Hội chẩn xuyên đêm, nam tân binh được chuyển từ BV trực thuộc Quân đoàn 3 về BV 211 trong tình trạng rất nặng, mạch nhanh, huyết áp tụt.

Tại đây các bác sĩ đánh giá tình trạng sốc nhiễm khuẩn, là một dạng của nhiễm khuẩn huyết nhưng ở giai đoạn sau. Các bác sĩ ở BV 211 thành lập ngay tổ điều trị đặc biệt, hồi sức nâng được huyết áp nhưng mạch vẫn rất nhanh.

Nhận được tin báo, Cục Quân y chỉ đạo BV 175 sẵn sàng hỗ trợ, bằng mọi cách phải cách ly, hồi sức tại chỗ tốt nhất. Nhận được mệnh lệnh 9 giờ xuất phát, 11 giờ 55 ekip hỗ trợ phải tới nơi.

"Bắt đầu xem lại toàn bộ bảng lâm sàng thì thấy ca này quá nặng, cực kỳ nặng, mạch quá nhanh, toàn bộ ngoài da các mảng xuất huyết rất nhiều, đặc biệt là tại những điểm đặt catheter hồi sức. Xét nghiệm thấy rối loạn đông máu cực mạnh, sốc nhiễm khuẩn có suy đa cơ quan" - thành viên ekip điều trị nhớ lại.

Làm việc kỳ lạ này, các bác sĩ Sài Gòn đã cứu tân binh 21 tuổi tiên lượng tử vong vì căn bệnh tấn công trực tiếp vào não - Ảnh 2.

Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng).

Trước tình hình này, các bác sĩ BV 175 vừa phải hội chẩn với BV 211, vừa tham vấn thêm bác sĩ hồi sức từ BV Chợ Rẫy, BV Nhân dân 115. Đến trưa ngày 6/6, tình trạng bệnh nhân nặng lên và tiên lượng sẽ tử vong.

Không bỏ cuộc, các bác sĩ động viên nhau còn cách nào cũng cố gắng cứu bằng được chàng trai.

Ekip điều trị hội chẩn lại và thay hết thuốc vận mạch, làm sao nhịp xuống mà huyết áp vẫn giữ được. Họ truyền huyết tương tươi cho bệnh nhân để cố gắng xử lý tình trạng rối loạn đông máu.

Thời điểm 20 giờ, làm lại toàn bộ xét nghiệm, ekip nhận thấy tình trạng có cải thiện, huyết động cơ bản được kiểm soát nên quyết định cho bệnh nhân lọc máu liên tục.

Tuy nhiên vấn đề lúc này lại xảy ra: Các BV ở cả 4 tỉnh Tây Nguyên ko nơi nào có máy lọc máu.

Không còn lựa chọn vì tình thế quá nguy cấp, Giám đốc BV 175 quyết định sẽ vận chuyển máy lọc máu từ TP.HCM vượt hơn 500km lên Gia Lai ứng cứu chàng tân binh.

"Có thể nói đây là lần đầu tiên chúng tôi đi "lọc máu dạo", triển khai kỹ thuật hồi sức công nghệ cao ở nơi xa tít tắp mù khơi" - bác sĩ Ân kể lại.

Dọc đường di chuyển dốc uốn lượn quanh co, sợ máy bị trục trặc ekip vận chuyển gồm 4 y bác sĩ, kỹ sư trang thiết bị tính toán hết sức cẩn thận. Họ đưa ra sáng kiến vừa độc đáo vừa kỳ lạ: Cho máy nằm lên băng ca, cố định máy vào băng ca để giảm sốc. Máy lọc máu lúc này như một bệnh nhân được chăm sóc từng chút một.

6h30 sáng hôm sau, máy lọc máu đến nơi trong tình trạng tốt, không trục trặc. Sau 6 giờ lọc máu liên tục, tiểu cầu bệnh nhân tăng từ 4.000 lên hơn 11.000. Ròng rã liên tục 80 giờ lọc máu, bệnh nhân rút được ống thở luôn và cần thêm vài ngày điều trị tăng cường để qua cơn nguy kịch.

Làm việc kỳ lạ này, các bác sĩ Sài Gòn đã cứu tân binh 21 tuổi tiên lượng tử vong vì căn bệnh tấn công trực tiếp vào não - Ảnh 3.

Bệnh nhân qua cơn nguy kịch, có thể cử động được tay chân dù trước đó tiên lượng tử vong.

Lo ngại khả năng có xuất huyết não, phải điều trị lâu dài nên bệnh nhân sau đó được chuyển về BV 175. Hiện bệnh nhân nằm ở khoa Hồi sức vài ngày để theo dõi tình trạng viêm phổi.

Viêm não mô cầu - bệnh nguy hiểm có thể cướp đi sinh mạng bệnh nhân chỉ trong vòng 24 giờ

Các bác sĩ cho biết, viêm não mô cầu là một bệnh rất nguy hiểm, thường gặp ở lứa tuổi trẻ và có khả năng thành dịch. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp và diễn tiến rất nhanh, có thể cướp đi sinh mạng bệnh nhân chỉ trong vòng 24 giờ sau khi xuất hiện triệu chứng.

Ở thể tối cấp, tỷ lệ tử vong bệnh nhân lên đến 60-70%. Ở thể viêm màng não mủ, tỷ lệ tử vong 30-40% nếu điều trị không kịp thời. Ngoài ra bệnh nhân còn sống cũng có thể để lại di chứng nặng nề như bại liệt, điếc...

Triệu chứng của bệnh rất đa dạng có thể liệt kê như viêm họng, mũi đến nhiễm khuẩn huyết, viêm não... Thời kỳ ủ bệnh từ 1-10 ngày.

Bệnh có 3 thể là thể viêm mũi họng, thể nhiễm khuẩn huyết và thể viêm màng não mủ.

Dấu hiệu đặc trưng nhất là ban xuất huyết "hình sao" do hoại tử nội mạch dưới da. Ban xuất hiện sớm khoảng từ 5-15 giờ hoặc muộn hơn. Ban có thể xuất hiện toàn thân và thường ở các đầu ngón chân, tay, vành tai, cánh mũi.

Đặc biệt các nốt ban to và ở trung tâm có nốt đen, sau đó tạo thành nốt phỏng rồi hóa thành mủ. Ngoài ra, gan, lách to ra nhanh.

Huyết áp giảm dần và có thể tụt trong trường hợp sốc nhiễm khuẩn. Nếu bị phù nề não, thường có vật vã, mạch chậm, huyết áp tăng vọt, rối loạn hô hấp và hôn mê.

Bệnh nhân có thể tử vong do suy hô hấp vào những giờ đầu (trong vòng 48 giờ) hoặc 2-3 ngày sau.

Làm việc kỳ lạ này, các bác sĩ Sài Gòn đã cứu tân binh 21 tuổi tiên lượng tử vong vì căn bệnh tấn công trực tiếp vào não - Ảnh 4.

Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh phải tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm não mô cầu cho trẻ.

Do bệnh dễ lây qua tiếp xúc gần và qua đường hô hấp, do đó các bác sĩ khuyên người dân luôn đeo khẩu trang khi tiếp xúc và không dùng chung vật dụng sinh hoạt hàng ngày với người bệnh.

Cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi làm việc. Chủ động tiêm phòng vắc xin phòng bệnh.

Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được can thiệp kịp thời.

Chia sẻ