Làm sếp nữ, cần tránh thể hiện điều gì với nhân viên?

Sam ,
Chia sẻ

Xinh đẹp và có tài lãnh đạo, nhiều sếp nữ khiến nhân viên yêu mến, kính phục. Nhưng không ít người vẫn phải than thở rằng sếp hơi... khó hiểu.

Thiếu quyết đoán

Phụ nữ thường hay suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra quyết định. Nhưng trong công việc không phải lúc nào điều này cũng tốt. Vì nhiều việc cần quyết đoán nhanh nhưng sếp lại “cho tôi xin mươi phút suy nghĩ”, hay chần chừ “cân đo đong đếm” hợp đồng đang thương thảo thì dễ mất đi cơ hội ngàn năm có 1 như chơi.

Làm sếp nữ, cần tránh thể hiện điều gì với nhân viên? 1
Sếp mất điểm với nhân viên vì thiếu quyết đoán (Ảnh minh họa)

Chuyện sếp nữ của anh T, nhân viên ngân hàng quận 2 là một ví dụ: “Công ty tôi có một đối tác V.I.P lâu năm, đợt đó có hợp đồng lớn trị giá gần chục tỷ đồng nhưng vì sếp nữ mới về do dự trong việc deal giá bán nên đối tác này đã nhận lời một ngân hàng đối thủ khác”. Chuyện đó khiến anh nhân viên cấp dưới tiếc hùi hụi cả tháng trời.

Quyết đoán một chút, nhanh nhạy “bắt sóng” cơ hội sẽ giúp sếp nữ không bỏ phí chuyện gia tăng lợi nhuận cho công ty.

Không kiểm soát được cảm xúc

Phụ nữ vốn nhạy cảm hơn nam giới nên khó chế ngự được cảm xúc trong lòng, đặc biệt khi gặp phải chuyện buồn hay bị tổn thương. Không giống sếp nam giỏi giấu cảm xúc và chỉ “sổ” ra trên bàn nhậu lúc thật say, nhiều sếp nữ bình thường uy quyền và mạnh mẽ nhưng khi gặp phải thất bại quá lớn hay vượt qua ngưỡng bản thân có thể chịu đựng thì dễ bộc phát cảm xúc khó kiểm soát như suy sụp, tuyệt vọng, đôi khi cáu giận vô lý.

Làm sếp nữ, cần tránh thể hiện điều gì với nhân viên? 2
Cảm xúc của sếp ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý làm việc của nhân viên (Ảnh minh họa)


Lúc này nhân viên dưới quyền sẽ lo lắng vì không biết làm sao để “vừa lòng sếp”. Chị C.H, nhân viên bán hàng máy tính tâm sự: “Hai tuần nay sếp không cười nói, mặt mũi lúc nào cũng xù xụ buồn, trên Facebook thì than “So sad” suốt khiến cả team lo lắng. Vì bình thường sếp hay nói cười, buồn thì 1, 2 ngày là hết  nên nhân viên chả bao giờ lo. Giờ đã 2 tuần mà nhìn sếp vẫn như hoàng hôn ảm đạm thế này khiến tụi tôi lo sốt vó, chẳng tập trung bán hàng được”.

Tám chuyện quá đà
 

Sếp thích trò chuyện với nhân viên? Thật lý tưởng! Vì khúc mắc được giải đáp, khó khăn công việc được chia sẻ... Đây là lợi thế hơn hẳn của sếp nữ so với sếp nam, vì lắng nghe và đưa ra lời khuyên là sở thích và thói quen của đa phần chị em, không riêng gì sếp nữ.

Làm sếp nữ, cần tránh thể hiện điều gì với nhân viên? 3
"Buôn dưa lê, bán dưa chuột" quá đà khiến sếp không còn đáng trọng trong mắt nhân viên (Ảnh minh họa)

Nhưng đó cũng là “con dao 2 lưỡi”, vì nếu chuyện trò không khéo sếp nữ sẽ có thể sa đà vào tâm sự thầm kín hay bật mí chuyện bí mật lẽ ra cần phải giấu... Do đó, để tránh “tai bay vạ gió”, sếp nữ cần giữ gìn lời ăn tiếng nói, tránh bộc bạch chuyện riêng tư của gia đình, công ty vì dễ trở thành đề tài câu khách của nhân viên.

Tôi nghĩ những chuyện thầm kín sếp không nên kể cho nhiều người nghe, vì thế nào cũng thành “tam sao thất bản” lắm”, chị Nga, nhân viên kế toán Quận 3 chia sẻ.

Tỏ thái độ ghen ghét với nhân viên


Nhiều nhân viên nữ tỏ ra khá ngán ngẩm với việc sếp nữ thường hay ghen ghét họ vì nhân viên... đẹp hơn sếp. Chân dài, da trắng hay thân hình quyến rũ... đều được sếp nữ đưa vào diện khó ưa. “Tâm lý phụ nữ là vậy, hiếm ai thích người khác đẹp hơn mình lắm”, chị Thanh, nhân viên hành chính Quận 7 cho biết.

Làm sếp nữ, cần tránh thể hiện điều gì với nhân viên? 4
Các ứng viên chân dài bị sếp loại thẳng tay (Ảnh minh họa)

Vì sợ tuyển 1 cô xinh đẹp vào thì sếp nghĩ mình sẽ lu mờ nên thường sếp nữ tự ti ngoại hình sẽ chọn một em chân không dài, mắt hí, da ngăm, năng lực vừa vừa để không lo mình bị mất địa vị ngôi sao. Tốt hơn là không để ý đến vẻ ngoài của người khác, tìm cách chăm chút cho ngoại hình của mình và chọn theo năng lực sẽ giúp sếp nữ tìm được nhân viên phù hợp.

Sếp nữ... quá nam tính

Nhiều nhân viên ở phòng kinh doanh một công ty truyền thông Quận 3 luôn than thở: “Ước gì sếp nữ tính hơn một tí”. Vì phòng chẳng thiếu đàn ông nhưng có lỡ hư cái bóng đèn hay hỏng van nước là sếp lại hý hoáy xắn tay lên sửa.

Đành rằng là sếp chủ động nhưng thấy mặt mũi sếp tèm nhem vết bẩn mà... oải, vì có giành sếp cũng ko cho làm vì “chị làm tí là xong, thêm bọn em vướng ra”.

Thỉnh thoảng không có khách hàng, sếp lại ngồi vắt chân chữ ngũ hay đi đứng khệnh khạng, mặt mộc không trang điểm cho hợp với mái tóc ngắn cực… manly khiến nhiều nhân viên choáng vì tìm mãi không thấy nét nữ tính nào ở sếp cả.

Làm sếp nữ, cần tránh thể hiện điều gì với nhân viên? 5
Sếp quá nam tính khiến nhân viên hoảng hốt (Ảnh minh họa)

Không quan tâm đến vẻ ngoài nên nhiều khi khách hàng hẹn bất chợt là sếp luống cuống chạy về nhà thay đồ, không thì lại ra tiệm sắm tạm 1 bộ trông tàm tạm đi cho nhanh, góp ý bao lần mà sếp bảo “miễn mình thấy thoải mái là được” khiến nhân viên bó tay”, anh Toàn, nhân viên dưới quyền tâm sự.

Đồng bóng

Sếp ăn mặc diêm dúa, ngấp nghé U40 nhưng vẫn thích sơn móng tay màu hồng, rồi thỉnh thoảng lại điệu đà nơ chấm bi cài đầu cho... hồi "teen". Lúc này nhân viên chỉ dám cười tủm tỉm, ít ai dám thẳng thắn bảo sếp “không hợp mốt”. Vì kiểu gì cũng bị sếp đưa vào danh sách đen.

Làm sếp nữ, cần tránh thể hiện điều gì với nhân viên? 6
Sếp đồng bóng làm trò cười cho nhân viên (Ảnh minh họa)

Tụi tôi chỉ dám bàn tán ngoài giờ, lúc cafe riêng mấy chị em với nhau thôi chứ đang làm nói sếp mặc gì mà gớm quá thì coi như mai tận thế luôn”, chị Mai, nhân viên hành chính công ty đồ lót Quận 1 chia sẻ.

Chưa hết, nhiều sếp bà còn mê phong thủy, nên luôn ép nhân viên nhất cử nhất động phải tuân thủ quy tắc của thầy (phong thủy) bảo. Chị Trang, lễ tân khách sạn H rất lớn ở Quận 5 bật mí: “Em không có kinh nghiệm làm lễ tân nhưng vẫn được tuyển vì bà chủ bảo em tuổi tỵ, hợp mệnh bà lên làm ăn mới phát”.

Thế nên, nhiều sếp bà thẳng tay loại không thương tiếc những hồ sơ có năm sinh khắc cung, mệnh hay tướng số nhìn “hãm” ra khỏi vòng sơ tuyển mà không cần để ý đến kinh nghiệm, năng lực hay bằng cấp của ứng viên.

Kết:

Làm sếp là một việc không đơn giản, đặc biệt là sếp nữ. Vì thế, ngoài việc trau dồi chuyên môn, bổ sung thêm kiến thức, chị em cần học cách lắng nghe, ra quyết định nhanh, chính xác trong các trường hợp khẩn cấp, hạn chế chuyện riêng tư và đối xử công bằng hơn để nhân viên thêm tin yêu và tự hào về vị lãnh đạo chân dài đẳng cấp.

Cũng nên tránh tuyển nhân viên theo cảm tính, không quan tâm đến bằng cấp, kinh nghiệm vì đây là những yếu tố quan trọng đánh giá năng lực của nhân viên.

Thế mới biết “Làm sếp rất khó, nhưng mà thật vui/ Ai yêu sếp thật thì hiểu được thôi”. Có một sếp nữ cũng thú vị lắm chứ, phải không các nhân viên 8h+ ?

Chia sẻ