Làm mẹ rồi mới hiểu, Tết là khi con về

Quang Vũ,
Chia sẻ

Tết của mẹ, là mong con dẫu rong ruổi biển khơi, vẫn không quên chuyến hành trình đặc biệt nhất trong năm, chuyến hành trình trở về nhà. Khi thấy con về, mẹ mới thấy Tết của mẹ về theo.

Những ngày cuối năm sắp đến, mẹ nhận ra mình sẽ lại bắt đầu những công việc của năm trước. Dọn dẹp nhà cửa, lau chùi bàn ghế, quét sân trước sân sau, bận rộn bên bếp. Mẹ sẽ phơi củ kiệu và củ cải cho món củ kiệu dưa món mà con thích ăn cùng bánh chưng. Không thể thiếu nồi thịt kho vẫn kêu lục bục mỗi lần con bật bếp hâm nóng lại, con nói món này càng để lâu càng ngon. Nhưng con vẫn thích ăn nhất là mứt dừa, nên mẹ sẽ lại sên dừa trong chảo, tiếng bếp lửa riu riu. Ngày con còn nhỏ, mẹ nhớ con vẫn thường quanh quẩn chân mẹ, để đợi mứt dừa xong thì nhón lấy vài miếng ăn vụng. Rồi con chạy ra sân chơi, đợi mẹ gọi, con lại chạy về.

Làm mẹ rồi mới hiểu, Tết là khi con về - Ảnh 1.

Mẹ nhớ con thích mẹ dẫn con cùng đi chợ Tết. Con hay đứng rất lâu trước quầy hàng bánh mứt, thử bốc một nắm hạt dưa rồi thả xuống nghe tiếng lạo xạo. Con học theo mẹ cách vỗ vào quả dưa, nghe tiếng bộp bộp giòn vang mong rằng quả chín ngọt. Con hay chỉ trỏ cho mẹ xem những chiếc xe ba gác chở đầy những chậu hoa Tết, hoa cúc vàng thắm, hoa vạn thọ rực rỡ, hoa mào gà đỏ chói… và hỏi năm nay nhà mình sẽ mua hoa gì. Con nắm tay mẹ rất chặt những chỗ đông người, vì giữa những âm thanh rộn ràng của chợ Tết, con có chút e dè sợ mình bị lạc.

Giờ con đã lớn, những hành trình của con không ngắn như quãng đường con chạy từ bếp ra trước sân nữa. Và mẹ cũng không thể nắm tay con cùng đi như quãng đường đi ngắm chợ Tết, mà con giờ đây đã không còn dễ dàng sợ bị lạc nữa rồi. Những hành trình của con nay đã dài hơn, nên tiếng mẹ gọi con về nhà cũng không dễ dàng cất lên như từ chái bếp nữa.

Làm mẹ rồi mới hiểu, Tết là khi con về - Ảnh 2.

Người ta nói có làm ba mẹ mới hiểu nỗi lòng họ, bây giờ khi đã là mẹ của con thì mẹ mới hiểu bà ngoại hơn. Hiểu nụ cười của bà ngoại lúc đón mẹ ở cửa nhà khác gì với nụ cười của bà ngoài lúc tiễn mẹ đi sau Tết. Một là mừng vui được đoàn tụ, một là chút nuối tiếc không nỡ nhưng nén lại để mẹ không bận lòng mà lại lên đường khám phá những chặng đường mới. Mẹ hiểu được bà ngoại đã nôn nao những gì khi Tết sắp đến. Mẹ hiểu được bà ngoại đã nghĩ gì, cảm thấy thế nào khi gọi điện cho mẹ hỏi đã mua vé Tết chưa, Tết này có thể về sớm hơn không? Vì giờ đây, mẹ đang ở vị trí của bà ngoại, và con là hình ảnh phản chiếu mẹ của những ngày còn trẻ.

Làm mẹ rồi mới hiểu, Tết là khi con về - Ảnh 4.

Ngày còn trẻ mẹ cũng giống con muốn khám phá, muốn chinh phục những thử thách mới của cuộc đời, nên mẹ hiểu con. Mẹ cũng muốn con trở thành một người như vậy, không sợ hãi những con đường mới, luôn sẵn sàng cho những thử thách mà cuộc đời sẽ đưa cho. Mẹ cũng thích nghe con kể về những điều mới mẻ mà con đã trải qua. Mẹ tin những chuyến đi sẽ làm con trưởng thành và vững vàng. Nhưng mẹ mong con dẫu rong ruổi biển khơi, vẫn không quên chuyến hành trình đặc biệt nhất trong năm, chuyến hành trình trở về nhà mùa Tết. Bởi khi thấy con về, mẹ mới thấy Tết của mẹ về theo. Không phải đêm ba mươi hay mồng một, mà khoảnh khắc nghe thấy tiếng con về trước cửa, đối với mẹ Tết mới thực sự bắt đầu.

Làm mẹ rồi mới hiểu, Tết là khi con về - Ảnh 5.

Con đã có một năm dài gặp gỡ những người mới, đặt chân đến những địa điểm mới. Mẹ mong là Tết đến, con sẽ dành những ngày ấy cho mẹ. Để mẹ nấu cho con nồi thịt kho, gắp củ kiệu ra khỏi lọ để dọn cùng bánh chưng, pha ấm trà mẹ con mình cùng ăn với mứt dừa. Tiếng nhạc xuân vang lên từ nhà hàng xóm đã đủ rộn ràng, nên mẹ con mình sẽ chẳng cần phải mở. Mẹ mong con ngồi bên mẹ, và kể cho mẹ nghe những gì đã qua, cả những điều con muốn làm sắp tới. Bằng cách đó, trong hành trình tiếp theo khi năm mới bắt đầu, dẫu bàn tay mẹ không nắm lấy tay con, con vẫn sẽ biết luôn có mẹ bên cạnh.

Làm mẹ rồi mới hiểu, Tết là khi con về - Ảnh 6.

Mẹ chẳng biết mình còn bao cái Tết nữa để sên mứt dừa cho con, nên mỗi cái Tết trôi qua lại càng thêm đáng quý. Mẹ cẩn trọng giữ gìn tất cả. Tết này về nhà sớm hơn một chút, con nhé!

Chia sẻ