Lên đường cùng con

Làm mẹ đôi khi cần yêu con bằng cái đầu chứ không chỉ trái tim

Dương Thanh Nga,
Chia sẻ

Đường dài trên xe hơi cùng bé, có lên kế hoạch tỉ mỉ đến thế nào thì lộ trình cũng không diễn ra theo đúng bản thảo. Tôi nghiệm ra rằng đồ đạc có quên gì cũng được, miễn đừng quên gói ghém kỹ nụ cười mang theo.

Mẹ Dương Thanh Nga hiện đang làm việc cho một công ty của Mỹ trong ngành Bản địa hóa. 

Con trai Liam, 2,5 tuổi, đã được chu du 46 thành phố tại 7 nước trên khắp thế giới. Các nước 2 mẹ con cùng đi: Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Romania, Việt Nam.


Di chuyển bằng xe hơi (xe nhà, tự lái, hoặc thuê) ngày càng trở thành lựa chọn phổ biến của các gia đình có con nhỏ. Có thể khởi hành bất cứ khi nào và lái cho đến khi không muốn lái nữa. Có thể tự do dừng đi vệ sinh khi có nhu cầu, dừng nghỉ ở công viên hay sân chơi dọc đường nếu bé bắt đầu “biểu tình”. Lại không cần lo lắng chuyện hành lý. Tha hồ đem theo cái gì cũng được mà không sợ giới hạn trọng lượng (nhớ đừng quên đồ chơi mà bé thích, và nước dự trữ nữa nhé!).

Lên đường cùng con
Mẹ Dương Thanh Nga và bé Liam.

Những mối nguy hiểm vô hình khi lái xe với bé, nhưng tránh được

Ba tôi kể rằng khi tôi khoảng 1 tuổi, ba tôi lái xe từ Nha Trang về Sài Gòn, trên xe chỉ có mình ba với tôi, ba để tôi ngồi ở ghế hành khách phía trước và… lấy mấy cái gối kẹp tôi lại. Nhiều người vẫn hay ẵm bé ngồi ở ghế trước bên cạnh tài xế mà không hề biết rằng đây là chỗ “cấm tuyệt đối” với bé từ 0 đến 12 tuổi. Lý do là khi xe va chạm, túi khí phía trước bung ra. Trong khi nó sẽ giúp người lớn tránh tổn thương, nhưng cũng chính túi khí này sẽ khiến bé tử vong ngay lập tức.

Lên đường cùng con
Làm mẹ đôi khi cần yêu con bằng cái đầu chứ không chỉ trái tim. 

Cả ngày ngồi trên ghế xe rõ ràng không thoải mái gì. Nhưng điều này có thể được khắc phục dễ dàng bằng cách lựa chọn cho bé một ghế ngồi trên ô tô phù hợp và đạt tiêu chuẩn. Việc trẻ sơ sinh/ trẻ em phải ngồi ở ghế an toàn riêng trên ô tô đã nằm trong quy định luật pháp ở nhiều nước về lưu hành giao thông đường bộ. Tuy nhiên tại Việt Nam, các gia đình di chuyển với bé bằng xe hơi đều rất xem nhẹ điều này.

Nhưng nếu như bạn biết rằng, trong trường hợp xảy ra tai nạn, một ghế ngồi trên xe hơi dành cho bé đúng tiêu chuẩn có thể giúp giảm 71% tỉ lệ tử vong cho các bé dưới 1 tuổi, chắc chắn bạn sẽ suy nghĩ về vấn đề này khác đi. Đó là chưa kể nhờ để bé ngồi ở ghế an toàn của bé trên ô tô, tôi không phải bị trói tay ôm bé suốt cả ngày trời trên chuyến hành trình gần cả ngàn km. Ngược lại, tôi vẫn có thể rảnh tay lái xe (nếu đi một mình), hay ăn uống, ngắm cảnh, xem bản đồ và tha hồ chụp hình qua cửa sổ xe.

Lên đường cùng con

Việc bó buộc trong xe lâu hoặc say xe sẽ khiến bé khóc quấy. Nhưng đây là lúc quan trọng nhất, an toàn và tính mạng của mọi người trên xe phải được đặt lên hàng đầu. Dù bé có khóc to gào thế nào bạn cũng không được sơ sểnh hay dừng xe đột ngột giữa đường. Luôn cần phải bình tĩnh để từ từ tấp vào lề đường kiếm chỗ đậu và xử lý. Làm mẹ đôi khi cần yêu con bằng cái đầu chứ không chỉ trái tim. 

Lên đường cùng con
Việc lên kế hoạch cho những chặng nghỉ giữa đường cũng không kém quan trọng hơn kế hoạch ở đích đến. 

Những khoảnh khắc vàng thu hoạch trên đường

Hồi nhỏ những lần ba tôi lái xe chở đi đâu tôi vẫn thích nhất cảm giác vừa nghe nhạc vừa nhìn qua cửa kính xe và mơ mộng thẩn thơ. Bây giờ khi có con, sự thẩn thơ ngày xưa đã nhường chỗ cho việc bận rộn chỉ chỏ và giải thích cho con. “Đó là nhà và cây. Ừ, Mặt Trăng treo nghiêng một nửa thì gọi là bán nguyệt. Kìa, đàn cừu đang lò dò đi qua đường…”. Những lúc lái xe mà tưởng như đang rượt đuổi Mặt Trời, cố bắt cho được hoàng hôn. Những lúc ráng chạy thoát cơn mưa để gặp cầu vồng, đường dẫu xa cũng bõ bèn. Hình như chỉ có những lúc nhớ nhà mới thấy con đường trở nên đáng ghét thôi.

Chuyến đi xa thật sự đầu tiên của cả nhà là hành trình lái xe 900 km từ Branson (Missouri) đến Chicago (Illinois) giữa gió tuyết mùa Đông khi con 7 tuần tuổi. Sau đó khi con 15 tháng tuổi, chúng tôi lái xe dọc những con đường nông thôn, đồi núi ở Romania, Trung Quốc. Và uốn lượn trên con đường kinh điển Highway 1 dọc bờ Tây California ở Mỹ. Con thích mê mệt cung đường xa lộ lượn lờ như dải lụa, một bên là biển trong mây trắng, một bên là những cánh đồng hoa vàng, những trang trại bò sữa, những thảo nguyên xanh mướt, những vườn nho tím rượi. Những lần “thực tập” di chuyển từ nhỏ cũng giúp con miễn nhiễm với các cơn say sóng.

Lên đường cùng con
Hai mẹ con trong sân chùa Shwedagon ở Yangon - Myanmar.

Nhưng kiểu gì thì con cũng vẫn biểu tình để ra khỏi chỗ ngồi.

Đi với con mà chạy xe một mạch như đi một mình là điều không tưởng. Nên việc lên kế hoạch cho những chặng nghỉ giữa đường cũng không kém quan trọng hơn kế hoạch ở đích đến. 

Ví dụ như cả ngày đi chặng đường 550 km từ San Jose đến Los Angeles mà chúng tôi dừng nghỉ hết 6 lần. Lần 1 dừng ăn sáng ở một tiệm McDonald có khu vui chơi cho trẻ em. Lần 2 dừng đổ xăng và thay tã. Lần 3 nghỉ chụp hình ngắm cảnh. Lần 4 nghỉ ăn trưa. Lần nghỉ thứ 5 tại mũi Piedras Blancas để ngắm sư tử biển là lần nghỉ được trông đợi nhất. Lần nghỉ thứ 6 là do… đi  lạc đường. Cuối cùng cũng đến nơi. Nhưng vào nửa đêm. Trễ hơn so với dự kiến gần 6 tiếng đồng hồ. 

Lên đường cùng con
Tôi nghiệm ra rằng đồ đạc có quên gì cũng được, miễn đừng quên gói ghém kỹ nụ cười mang theo.

Đường dài trên xe hơi cùng bé, có lên kế hoạch tỉ mỉ đến thế nào thì lộ trình cũng không diễn ra theo đúng bản thảo. Tôi vẫn tiếp tục lên kế hoạch, (để đề phòng trúc trắc mà), nhưng tôi thôi bớt cáu kỉnh bực bội nếu mọi thứ bị đảo lộn. 

Tôi nghiệm ra rằng đồ đạc có quên gì cũng được, miễn đừng quên gói ghém kỹ nụ cười mang theo. Những khoảnh khắc vàng thường hay thu hoạch được từ những lần nghỉ dọc đường, cớ gì cứ phải quan trọng chuyện có đến đích vào đúng hoàng hôn?
Chia sẻ