Lạm dụng thuốc uống tăng cân cho trẻ: Vô cùng nguy hiểm!

An Nhiên,
Chia sẻ

​Lạm dụng thuốc "đề xa" hay corticoid để hy vọng mập ra, nhất là đối với trẻ em, là điều hết sức nguy hiểm.

 Lạm dụng thuốc uống tăng cân cho trẻ: Vô cùng nguy hiểm! - Ảnh 1.

Một trẻ bị hội chứng Curshing tại Bệnh viện Nhi đồng 1

Nhập nhèm thuốc đông dược và thuốc tự kê đơn

Mới đây, một bác sĩ chuyên khoa Nhi đã chia sẻ một trường hợp bé gái 7 tuổi được gia đình cho uống thuốc để tăng cân. Chỉ trong 6 tháng, bé tăng 10kg và mọc râu, lông đầy mình.

Gia đình cho biết, bác sĩ đó kê toa cho bé là 10 bịch thuốc gồm 5 viên nhiều màu sắc, không tem, không vỏ, không toa, trong đó có 1 viên Dexamethasone.

UBND TP.HCM cũng mới ký quyết định phạt một chủ nhà thuốc đông y 140 triệu đồng.

Nhà thuốc này bị phạt vì cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động, kinh doanh thuốc không còn nguyên vẹn bao bì, bán thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc không được phép lưu hành.

Nhiều người đến đây mua những gói thuốc bột màu trắng, không nhãn hiệu để chữa chứng biếng ăn cho trẻ cho biết, sau khi uống, trẻ thích ăn, ăn nhiều và mập mạp hơn hẳn. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm cho thấy bột này có chứa đề xa rất nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ.

Vô cùng có hại cho trẻ

Theo PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức (ĐH Y dược TP.HCM), "đề xa" hay thuốc corticoid có tên gọi đầy đủ là glucocorticoid.

Thuốc corticoid dùng trong điều trị gồm nhiều loại: Dexamethason (thường gọi nôm na là "đề xa" hay thuốc "hạt dưa" vì có dạng viên hình hạt dưa), Prednison, Prednisolon, Methylprednisolon…

Về phương diện chữa bệnh, corticoid là thuốc rất quý do có tác dụng chống viêm, chống dị ứng, ức chế hệ miễn dịch. Corticoid dùng để chống viêm, giảm đau, trị các bệnh xương khớp, các bệnh tự miễn, dị ứng ngoài da và hệ hô hấp (biểu hiện là hen suyễn nặng), bệnh suy tuyến thượng thận.

Bên cạnh đó, corticoid còn có nhiều tác dụng, ảnh hưởng đến sự chuyển hóa chất đường, chất đạm, chất béo, đến sự cân bằng nước và muối khoáng, hệ tim mạch, thần kinh, cơ xương cùng nhiều cơ quan khác nhau.

Chính do cơ thể có vẻ như mập ra, tăng trọng khi uống thuốc này liên tục và kéo dài (mà một số người cứ tưởng là tốt) là biểu hiện của một tác dụng phụ nguy hiểm.

Do corticoid có tác dụng giữ nước và chất khoáng natri trong cơ thể gây phù, gây rối loạn chuyển hóa lipid và làm đọng mỡ lại ở trên mặt, cổ và lưng nên người dùng thuốc lâu ngày sẽ béo phì, mặt tròn như mặt trăng nhưng thật ra cơ thể lại bị teo cơ (đây là các biểu hiện trong hội chứng có tên là Cushing).

Corticoid làm tiết nhiều dịch vị ở dạ dày, gây cảm giác đói, ăn ngon nhưng có thể làm loét dạ dày, gây xuất huyết tiêu hóa.

Song song đó, corticoid còn có các tác dụng phụ nguy hiểm khác như làm loãng xương, tăng huyết áp, gây huyết khối làm nghẽn mạch, làm giảm sự đề kháng của cơ thể dễ dẫn đến nhiễm trùng (dễ bị lao, nếu đã bị lao sẽ làm bệnh nặng thêm, hoặc các bệnh nấm).

Đặc biệt, nếu dùng corticoid trong thời gian dài sẽ có nguy cơ teo tuyến thượng thận - do tuyến này quen với tình trạng có thuốc trong cơ thể sẽ ngưng hoạt động, không còn duy trì chức năng nội tiết, rất nguy hiểm cho sức khỏe.

Đối với trẻ con, do cơ thể chưa phát triển hoàn chỉnh nên càng bị tác hại bội phần do corticoid.

Theo các bác sĩ, khi trẻ mắc hội chứng Curshing không chỉ có các biểu hiện như béo phì do tích nước, rậm lông mà còn khiến trẻ suy tuyến thượng thận, chậm lớn, loãng xương.

Đây là một bệnh lý rất phức tạp, đòi hỏi việc chữa trị lâu dài bởi thời gian để phục hồi lại chức năng của tuyến thượng thận rất khác nhau, từ vài tháng đến vài năm. Cá biệt, một số trường hợp chức năng tuyến thượng thận có thể không hồi phục được.

Việc chữa trị còn tuỳ thuộc vào thời gian người bệnh dùng các thuốc có chứa corticoid trước đó. Nếu dùng càng lâu thì thời gian để phục hồi chức năng tuyến thượng thận càng dài.

Chia sẻ