Lạm dụng thuốc kích trứng: Nhập viện vì lời rỉ tai

Theo ThegioiPhunu,
Chia sẻ

Nghe lời mấy chị đồng nghiệp rỉ tai: “Dùng thuốc kích trứng đi, hiệu quả lắm”, chị Nguyễn Thu Trà (Hà Nội) liền đi tìm mua thuốc về uống, sau đó không lâu chị phải đi bệnh viện cấp cứu.

Thử một lần không sao? 

Vợ chồng chị lấy nhau đã gần 2 năm mà vẫn chưa có thai nên chị Trà cảm thấy rất sốt ruột. Nghĩ mình đã 31 tuổi, sợ có trục trặc gì, chị Trà đã định đi khám nhưng lại e ngại. Chia sẻ nỗi lòng với mấy đồng nghiệp cùng phòng, chị Trà được một người bạn cho đơn thuốc kích thích rụng trứng mà trước đây người nhà từng dùng và đã mang thai

Nghĩ việc uống thuốc rất đơn giản, thử một lần cũng không sao, ngay chiều đó chị Trà mua thuốc về uống. Không ngờ, mấy ngày sau khi uống thuốc cả nhà chị Trà được phen tá hỏa, phải đưa chị nhập viện trong tình trạng bụng trướng đau, khó thở... Qua thăm khám, các bác sĩ cho biết chị Trà bị biến chứng buồng trứng quá kích, hiện đang có quá nhiều trứng trưởng thành... 

TS Nguyễn Xuân Hợi, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết, tại trung tâm đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị biến chứng do dùng thuốc kích thích rụng trứng như trường hợp của chị Trà. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là do sự thiếu hiểu biết của người bệnh về sử dụng thuốc nói chung và thuốc kích thích rụng trứng nói riêng, nên đã tự ý sử dụng thuốc. Ngoài ra, có một số trường hợp bị biến chứng do sử dụng thuốc theo sự hướng dẫn của các thầy thuốc không có chuyên môn về hỗ trợ sinh sản ở các phòng khám tư nhân. 

Lạm dụng thuốc kích trứng: Nhập viện vì lời rỉ tai 1
Ảnh minh họa

Hậu quả khó lường

Cũng theo TS Nguyễn Xuân Hợi, hiện thuốc kích thích rụng trứng có 2 dạng, dạng uống hoặc tiêm, nhằm giúp trứng phát triển đến trưởng thành và rụng (còn gọi là phóng noãn) để có thể thụ thai. Thuốc được dùng để điều trị vô sinh cho các trường hợp rối loạn phóng noãn hoặc để thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. 

Thông thường, cứ khoảng 1 tháng, cơ thể người phụ nữ sẽ có 1 lần phóng noãn. Tuy nhiên, những người bị rối loạn phóng noãn, hoạt động này trở nên thất thường. Do đó, kinh nguyệt của họ cũng không theo một chu kỳ cụ thể, có thể tháng 2 lần hoặc có khi 2-3 tháng/lần... dẫn đến khó thụ thai.

Phương pháp sử dụng thuốc kích thích rụng trứng nhằm khắc phục những nguyên nhân này. Ngoài ra, thuốc kích thích rụng trứng còn được áp dụng để phối hợp một cách chủ động khi thực hiện kỹ thuật bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) hoặc thụ tinh trong ống nghiệm... 

Tuy nhiên, thuốc kích thích rụng trứng là nhóm thuốc đặc biệt, do đó khi dùng yêu cầu phải có sự theo dõi kiểm soát đặc biệt của thầy thuốc. Không phải thầy thuốc nào cũng có thể chỉ định cho bệnh nhân thuốc này, mà phải là thầy thuốc được đào tạo về nội tiết và có chuyên môn trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản. Bên cạnh đó, khi thầy thuốc chỉ định cho bệnh nhân dùng thuốc cần phải theo dõi, thăm dò đáp ứng của bệnh nhân với thuốc một cách sát sao. 

Mỗi người bệnh là một cá thể khác nhau, nên có khi cùng một loại thuốc, cùng một liều lượng nhưng có bệnh nhân không ra nang noãn nào, có bệnh nhân ra rất nhiều nang noãn. Nếu không thăm dò, dẫn đến dùng quá liều hoặc tình trạng bệnh nhân đáp ứng quá mức với thuốc gây nhiều hậu quả, thậm chí dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: Suy thận, vỡ hay xoắn các nang noãn, phù phổi... mà nếu không được điều trị sớm và đúng cách sẽ ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. 

Một hậu quả khác do dùng thuốc kích trứng là nguy cơ đa thai, do có nhiều nang noãn trưởng thành cùng lúc. Các nghiên cứu cho thấy, những phụ nữ mang đa thai thường chuyển dạ sớm, do đó, trẻ nguy cơ đẻ non, nhẹ cân thiếu tháng, mắc dị tật bẩm sinh và có tỷ lệ tử vong sơ sinh, chu sinh cao. Đối với người mẹ, ngoài sự căng thẳng về thể chất và cảm xúc vì phải mang thai đôi, thai ba... còn tăng nguy cơ bị các biến chứng thường gặp của thai nghén như: Tiền sản giật, cao huyết áp, bong nhau non... 

“Thông thường trong vòng 1 năm chung sống sẽ có khoảng 80%-90% các cặp vợ chồng có thai một cách tự nhiên. Có người có thai ngay những tháng đầu, có trường hợp phải đến tháng cuối... Nếu sau 1 năm chung sống mà chưa có thai, các cặp vợ chồng nên khám tổng thể về sức khỏe sinh sản tại các cơ sở y tế chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân chậm có con và điều trị kịp thời”-TS Nguyễn Xuân Hợi khuyên. 



Tìm hiểu cách tính ngày rụng trứng để tăng cơ hội đậu thai
Lạm dụng thuốc kích trứng: Nhập viện vì lời rỉ tai 2
Chia sẻ