Kiểu dạy con của bố nóng tính

K.Minh,
Chia sẻ

“Choang”, cái bát vỡ tan tành. Đứng bên cạnh là khuôn mặt hầm hầm vì bực mình của anh Hùng – bố cu Bon.

Cu Bon 3 tuổi khép nép đứng sát cánh cửa, miệng méo xệch, mếu máo, muốn khóc mà không dám phát ra tiếng.

Anh Hùng gầm gừ: “Mày muốn chết hả con? Nhặt hết đồ chơi vào mau rồi ngồi ra kia ăn hết bát cơm đi”. Lúc này chị Hằng – mẹ Bon mới lật bật chạy từ trong bếp ra. Thấy mẹ, thằng bé ôm chầm lấy, lúc này nó mới dám òa lên khóc nức nở.

Cảnh tượng này không còn lạ gì ở nhà Bon. Bố Bon đi làm thì chớ, về đến nhà là thế nào cũng gây chuyện ầm ĩ cả nhà. Mà người làm bố Bon bực mình nhất bao giờ cũng là Bon.

Bố Bon vốn nóng tính, chưa nói đã quát. Đã vậy lại dễ bực mình. Còn Bon thì tính tình mải chơi, hay bày bừa đồ chơi và đặc biệt luôn tảng lờ những gì bố mẹ nói. Không ít lần, bố đi làm về, người vô cùng mệt mỏi mà nhìn nhà cửa bừa bãi như “chiến trường”, bố nhắc Bon dọn đồ chơi vào nhưng cu cậu tỏ ra như không nghe thấy bố nói gì, thế là bố lại quát tháo ầm ĩ làm Bon… xanh mắt. Có lần khác, Bon vừa ăn cơm vừa xem tivi, xúc được một miếng cơm lại để bát xuống đất, bố đi qua không chú ý đá bay cả bát cơm vào góc nhà. Bố bực quá quát, Bon lại thút thít mà không dám khóc to…

Những lúc như vậy, Bon nhìn bố như nhìn… cọp. Bố quát, Bon sợ nhưng cũng không dám khóc to. Chỉ đến khi mẹ bế cu cậu mới òa lên như để giải tỏa.

Khỏi phải nói, Bon sợ bố đến thế nào. Chỉ cần có bóng dáng bố ở nhà là Bon đã ngồi nghiêm chỉnh một chỗ. Nhưng dù có cố gắng đến mấy thì Bon vẫn bị bố mắng không vì tội này thì tội khác. Dần dần, Bon tỏ ra không yêu bố. Những lần bố gọi cu cậu ra bố bế, Bon đều lảng tránh. Tối đến đi ngủ, Bon đòi nằm cạnh mẹ chứ không nằm cạnh bố. Mẹ có hỏi thì Bon thật thà: “Tại bố toàn mắng con, con sợ bố đánh chết”.

Những lúc như vậy, bố Bon lại xuýt xoa nói rằng bố làm vậy chỉ vì muốn con ngoan hơn, không nghịch ngợm nữa… Nhưng Bon thì quả quyết: “Mẹ vẫn bảo con ngoan mà, mẹ có dọa giết con đâu”.

Có thể nói, trong hai người bố hoặc mẹ, có một người có cái uy để con biết mà sợ cũng là điều tốt. Nhưng để con sợ đến nỗi lấm lét, không dám gần gũi thì có thể lại là sai lầm của bố mẹ.

Vẫn biết công việc mệt mỏi khiến các bậc cha mẹ khó kiên nhẫn được với con khi về nhà, nhưng điều đó không có nghĩa là mọi bực tức có thể trút lên đầu con, hoặc chỉ cần một sai lầm nhỏ của con cũng làm ầm lên. Trẻ con còn nhỏ rất dễ bị tổn thương và chưa phân biệt được bố mẹ mắng vì ghét con hay đơn giản chỉ vì tính bố mẹ như vậy. Cho nên, để dạy con nghe lời, thay vì chỉ biết dọa nạt, quát mắng, bố mẹ hãy thử làm theo những cách sau đây xem sao:

- Tuyệt đối không nên mắng con bằng những câu, những từ ngữ nặng lời, bởi tâm hồn con trẻ rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương.

- Nhẹ nhàng phân tích, chỉ ra cho con cái biết rằng chúng đã sai ở đâu, phải làm như thế nào thì mới tốt, mới đúng. Không nên mắng con thậm tệ, nhất là trước mặt người khác.

- Khi con cái biết sửa chữa, đừng quên dành tặng con những lời khen ngợi. Tạo sự gần gũi, thường xuyên trò chuyện để lắng nghe, hiểu con cái hơn và có sự uốn nắn kịp thời, đúng đắn khi con mắc lỗi.

 
Mẹ tham gia trò chơi, rinh quà về cho bé!
 

Phần thưởng của tuần này là một combor trị giá 500 nghìn đồng, gồm:
 
- 01 gối vuông và 02 gối trái tim xinh xắn cho cả gia đình

Chia sẻ