Không tiêm vaccine viêm não Nhật Bản cho trẻ, nhiều cha mẹ bất lực nhìn con bị đe dọa tính mạng

Hoàng Lê,
Chia sẻ

Viêm não Nhật Bản - căn bệnh nguy hiểm mà ước tính cứ 10 trẻ em mắc bệnh này thì có 3 trẻ tử vong, thế nhưng không phải bố mẹ nào cũng tiêm vaccine phòng ngừa đầy đủ cho con.

Mới đây, BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM) đã phát lên thông báo về tình trạng bệnh nhi nhập viện điều trị viêm não Nhật Bản (VNNB) tăng đột biến, khiến nơi đây lâm vào cảnh quá tải. Dù bệnh thường khởi phát vào tháng 6 và kết thúc vào tháng 10 hàng năm nhưng đến thời điểm cuối tháng 6, nhiều giường bệnh tại BV phải cho 2-3 bé nằm chung, thậm chí phải chuyển bớt bệnh nhi sang khoa khác.

Không tiêm vaccine viêm não Nhật Bản cho trẻ, nhiều cha mẹ bất lực nhìn con bị đe dọa tính mạng - Ảnh 1.

Hai trẻ bị VNNB phải nằm cùng giường tại BV Nhi Đồng 1.

Không tiêm vaccine, trẻ lãnh hậu quả

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cho biết, đến thời điểm hiện tại khoa đã hết máy thở. Nhiều trẻ phải nằm tạm ở khoa cấp cứu vì nơi đây không còn phòng. Trong đó, có 6 bé đang phải thở máy rất nặng vì bệnh VNNB.

So với cùng kỳ năm 2016, lượng bệnh nhi phải thở máy nhiều hơn, di chứng bệnh cũng tăng nhiều hơn trước. Đáng chú ý, trong số này, có nhiều trẻ mắc bệnh nặng vì một sự thật không ngờ: Cha mẹ không tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa VNNB cho trẻ.

Ngồi tại giường bệnh, chị T.T.Y.N. (quê Bến Tre) rớm nước mắt kể lại, con trai 10 tuổi của chị đã điều trị căn bệnh VNNB tại đây từ tận tháng 10 năm ngoái. Đến nay cháu vẫn còn thở máy, ăn uống qua đường tĩnh mạch.

Không tiêm vaccine viêm não Nhật Bản cho trẻ, nhiều cha mẹ bất lực nhìn con bị đe dọa tính mạng - Ảnh 2.

Đến cuối tháng 6, có 6 trẻ còn phải thở máy rất nặng tại Khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi Đồng 1.

Khai thác bệnh sử, người mẹ cho biết, con chị đang rất khỏe mạnh bỗng dưng bị sốt, ói. Gia đình đưa đến BV địa phương, các bác sĩ chẩn đoán cháu bị sốt siêu vi. Tuy nhiên, về nhà uống thuốc vẫn không hết sốt, có dấu hiệu co giật, lúc này chị đưa ngay đứa bé lên BV Nhi Đồng 1 kiểm tra. Khi nghe các BS chẩn đoán cháu bị viêm não, phải nhập viện cấp cứu, chị mới tá hỏa. Tiến hành xét nghiệm dịch não tủy, các BS xác định cháu bị VNNB.

Không tiêm vaccine viêm não Nhật Bản cho trẻ, nhiều cha mẹ bất lực nhìn con bị đe dọa tính mạng - Ảnh 3.

Nhiều trường hợp phát bệnh nặng vì không tiêm vaccine.

"Bác sĩ nói cháu sẽ không mắc bệnh này nếu đã được chích ngừa, nhưng ở quê tui có biết gì chuyện tiêm ngừa này đâu. Không biết khi nào thì bé được xuất viện, sợ cháu không qua khỏi quá" – chị N. nghẹn ngào.

Tương tự là trường hợp của bé N.L.T. (12 tuổi, quê Long An). Mẹ bé cho biết, bé đã nằm thở máy tại Nhi Đồng 1 từ tháng 8/2016 đến nay. "Các bác sĩ nói, nếu cháu có bình phục thì cũng mang di chứng nặng nề, có khi phải sống thực vật. Gia đình đau khổ lắm, cả năm qua có làm gì được đâu". Hỏi ra mới biết, người mẹ cũng chưa tiêm đủ liều ngừa VNNB cho con.

Ngại tiêm chủng vì sợ trẻ… chết?

Nguy hiểm hơn khi ngoài lý do nhà nghèo, không biết gì về căn bệnh, nhiều cha mẹ còn ngại tiêm ngừa cho con bởi đọc nhiều tin đồn thất thiệt trên mạng, rằng tiêm vaccine VNNB sẽ khiến con chết. Bên cạnh đó là một bộ phận nhỏ các phụ huynh đang nuôi con theo trào lưu "anti vaccine".

Mới đây, một bác sĩ chuyên khoa Nhi đã viết trên trang cá nhân của mình về câu chuyện sai lầm tai hại này của các phụ huynh. Cụ thể, vị BS kể lại, có một người mẹ gọi điện đến xin gửi gắm đứa con bị viêm não đang nằm điều trị tại BV. Khi BS hỏi bé đã được chích ngừa chưa, hai vợ chồng vô tư nói: "Đọc trên mạng thấy chích thì chết, không chích nhưng chăm con kỹ chút thì không sao". Vị BS lập tức vào viện thăm thấy bệnh của đứa bé đã nặng, hôn mê sâu, biến chứng sang não úng thủy... Khi gia đình hối hận thì mọi chuyện đã muộn.

Không tiêm vaccine viêm não Nhật Bản cho trẻ, nhiều cha mẹ bất lực nhìn con bị đe dọa tính mạng - Ảnh 4.

Nhiều cha mẹ vì thiếu hiểu biết mà không tiêm ngừa bệnh cho con. (Ảnh minh hoạ).

"Thuốc gì cũng có 1 tỷ lệ nhỏ tác dụng phụ. Nhiều bố mẹ chỉ chăm chăm vào 1% tác dụng phụ của nó mà bỏ qua 99% tác dụng tuyệt vời của vaccine" – BS này nói về sai lầm của phụ huynh khi cho rằng tiêm vaccine là gây hại.

Theo BS Trương Hữu Khanh, bệnh nhân mắc VNNB thường rất khó phát hiện sớm. Những triệu chứng ban đầu của bệnh này cũng giống như các bệnh thông thường khác như sốt, ói, nhức đầu... Do đó thường lúc đầu, các bác sĩ hay chẩn đoán bị sốt siêu vi. Viêm não diễn tiến rất nhanh, có thể sau 3 ngày, thậm chí 1 ngày, bệnh nhân đã có biểu hiện co giật. Và khi bệnh nhân co giật thì bệnh đã nặng, rơi vào hôn mê, phải thở máy.

Không tiêm vaccine viêm não Nhật Bản cho trẻ, nhiều cha mẹ bất lực nhìn con bị đe dọa tính mạng - Ảnh 5.

Có nhiều cha mẹ sợ vaccine gây biến chứng cho con mà không dám tiêm chủng (Ảnh minh họa).

Cũng theo Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh BV Nhi Đồng 1, VNNB có thể phòng ngừa bằng cách tiêm vắc xin và đã được nghiên cứu kỹ càng để đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng.

"Di chứng bệnh VNNB rất nặng nề. Có trẻ thì sống đời sống thực vật, cuối cùng bị bội nhiễm phổi và tử vong. Có trẻ thì chậm phát triển về trí tuệ, khả năng hòa nhập cộng đồng rất kém. Thậm chí có trẻ bị động kinh hoặc liệt chi.

Không tiêm vaccine viêm não Nhật Bản cho trẻ, nhiều cha mẹ bất lực nhìn con bị đe dọa tính mạng - Ảnh 6.

BS Trương Hữu Khanh giải thích hậu quả nặng nề của bệnh VNNB và khuyên người dân nên tiêm chủng cho trẻ đầy đủ.

Hiện nay chương trình tiêm vaccine VNNB đã nằm trong chương trình tiêm chủng quốc gia. Vì vậy, phụ huynh nên lưu ý mũi chích này từ khi các cháu còn nhỏ. Hiện tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để phòng VNNB. Vắc xin VNNB được tiêm mũi 1 lúc trẻ 12 tháng, mũi 2 được tiêm sau mũi 1 từ 1-2 tuần, mũi 3 sau mũi 2 một năm. Sau đó cứ 3 năm tiêm nhắc lại 1 lần ít nhất đến năm 15 tuổi. Nếu chích hai mũi đầu mà bỏ mũi thứ ba sẽ không có tác dụng. Bên cạnh đó, ngành y tế địa phương phải có trách nhiệm tuyên truyền, chích ngừa tốt, chích ngừa sớm cho người dân, tạo được thói quen diệt muỗi, ngăn bệnh ngay từ ban đầu" - BS Trương Hữu Khanh đưa ra lời khuyên cho người dân.

Chia sẻ