Không phải hễ ngứa là dị ứng

,
Chia sẻ

Thuốc chống dị ứng thường được dùng cho bệnh nhân gõ cửa thầy thuốc vì ngứa. Éo le chỉ ở chỗ ngứa không đồng nghĩa với dị ứng.

Đừng tưởng hễ ngứa là dị ứng!

Cảnh báo là phải vì dị ứng với món ăn, dược phẩm… trước đây được dung nạp là dấu hiệu cho thấy hệ thống phòng thủ của cơ thể không còn hoạt động với hiệu năng như mong muốn. Không ai vui gì khi phải gãi lúc cần ngồi yên. Khổ hơn nhiều là ngứa ở vùng khó gãi như ngứa sau lưng! Tệ hơn nữa là không ít nạn nhân đã dùng thuốc dị ứng dài dài nhưng tiền mất mà vẫn mang tật gãi không ngơi nghỉ.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng dị ứng đang phát tán đến độ chen chân dễ dàng vào danh sách của các căn bệnh thời đại.

Lý do không còn khó hiểu nhờ các nhà nghiên cứu ở đại học Berkeley, California (Mỹ), đã phát hiện một điều tất nhiên lý thú cho thầy thuốc nhưng không vui gì cho người bệnh. Đó là tình trạng ngứa ngáy, nhất là khi đổ mồ hôi vì trời nóng, sau khi tắm nước nóng, khi đổ quạu… trong nhiều trường hợp thường không do dị ứng mà vì rối loạn dẫn truyền thần kinh.


Thầy thuốc ở Cali cũng đã chứng minh vai trò của yếu tố tâm lý trong nhiều trường hợp ngứa ngáy. Bằng chứng là, trái với hiện tượng dị ứng thông thường với thực phẩm, khi nghe người bị ngứa vì "thần kinh" kể về nỗi khổ ngứa ngáy thì người đối diện cũng cảm thấy nhột nhột ngoài da, cứ như bị lây hồi nào không hay dù không hề tiếp xúc, dù không hề có sự hiện diện của mầm bệnh trên mặt da của cả hai bên!

Theo chuyên gia ngành thần kinh ở Đại học Berkeley, nhiều trường hợp nay ngứa chỗ này mai nhột chỗ khác rõ ràng là hậu quả của rối loạn dẫn truyền thần kinh ngoại biên vì:

Tình trạng căng thẳng thần kinh (stress) kéo dài (đó là lý do tại sao ngứa là triệu chứng thường gặp ở người xin việc, sắp về hưu, chờ ly dị, đợi bản án tòa…); vết cắn của côn trùng hay do phỏng nắng dù trước đó rất lâu; bội nhiễm nấm mốc bắt đầu không nghiêm trọng ở kẽ móng tay, móng chân nhưng không được điều trị rốt ráo; đổ mồ hôi thái quá trên lớp da quá khô như thường gặp ở người giữ da quá sạch, nhất là vì dùng quá thường các loại mỹ phẩm chống da nhờn.

Đừng lạm dụng thuốc chống dị ứng!

Nếu ngứa nhưng không do dị ứng thì giải pháp tất nhiên không thể là thuốc chống dị ứng. Nên nhớ thuốc chống dị ứng tác dụng bằng cách ức chế hoạt động của hệ miễn dịch, nghĩa là mở ngỏ cho nhiều bệnh khác, đặc biệt là bệnh bội nhiễm, nếu dùng thuốc lâu dài.

Trong trường hợp ngứa do rối loạn dẫn truyền thần kinh, biện pháp phải là trấn an, hay khéo hơn nữa, phòng tránh các yếu tố kích ứng cảm thụ thần kinh dưới da như: Đừng tắm nhiều lần trong ngày, nhất là đừng tắm nước nóng vì khác biệt nhiệt độ là một trong các nguyên nhân khiến cảm thụ thần kinh trở nên nhạy cảm.

Đó cũng là lý do tại sao nhiều người dễ ngứa khi từ phòng máy lạnh bước ra ngoài; tránh các loại xà phòng với hương liệu tổng hợp; giặt áo quần cho sạch các chất làm mềm, chất có mùi thơm vì các chất này đứng hàng đầu về kích ứng da; dùng quần áo 100% vải bông thiên nhiên (cotton) thay cho các loại vải tuy không nhăn nhưng chứa nhiều sợi hóa học.

Ngoài ra, nên trợ lực hệ thần kinh giao cảm bằng thuốc kẽm trong thời gian dài. Thông thường, nếu đúng là ngứa không do dị ứng thì thuốc sẽ tác dụng thấy rõ sau vài ngày dùng thuốc; dùng tinh dầu cây thuốc để làm êm dịu chỗ ngứa vì nếu gãi quá nhiều đến độ trầy xước mặt da thì khi đó ngứa càng chiếm thế thượng phong do chất gây dị ứng xuất tiết từ nơi trầy xước.

Dị ứng thường thể hiện qua triệu chứng ngứa. Nhưng điều đó không có nghĩa hễ ngứa là dị ứng. Nếu đơn giản như thế thì thầy thuốc cần gì học tối thiểu đến 6 năm!

Theo Dân Việt
Chia sẻ