Không phải cứ đẻ, phụ nữ sẽ biến thành "bà điên", đừng vin vào trầm cảm sau sinh để được chồng chiều

Huyền Trang,
Chia sẻ

Sự thay đổi cảm xúc mãnh liệt, cảm giác hụt hẫng, nỗi đau khổ không lời, những giây phút không còn là chính mình... mà phụ nữ sau sinh trải qua là hoàn toàn có thật, nhưng không phải vì thế mà chúng ta biến thành những kẻ cuồng loạn không kiểm soát nổi mình. Và quan trọng hơn cả, đừng vin vào trầm cảm sau sinh để dọa nhau.

Những ngày qua, câu chuyện người mẹ nghi bị trầm cảm sau sinh thừa nhận đã ra tay hạ sát con trai 33 tuổi đã khiến dư luận rúng động. Mẹ giết con sơ sinh, điều ấy hẳn nhiên khó chấp nhận, dù bằng bất cứ lời bao biện, lý do nào, nhưng với những người đã và đang làm mẹ, từng sinh nở, từng ôm ấp một hình hài bé bỏng của riêng mình, nó chênh vênh giữa hai luồng, một bên là thương vô ngần người mẹ trẻ, một bên là oán trách. Cũng tương tự như người bắt cóc bị hội chứng Stockholm, vừa căm giận vừa yêu thương kẻ bắt cóc mình, những người mẹ từng trải qua các cơn "lên đồng" sau thời gian sinh nở hiểu, trầm cảm sau sinh là "bóng ma" có thật.

Nỗi u uất sau sinh - "bóng ma" có thật

Bạn sẽ thấy "bóng ma" này ám ảnh mình, nếu bạn từng phải kiêng tắm gội trong ít nhất 1 tuần liền, áo quần chua lòm mùi sữa lên men; nếu bạn bị nhốt vào bốn bức tường, cả ngày bế con, thay tã, cho bú, ru ngủ, không được ló mặt ra ngoài đường, không được đi dạo cùng, không được ôm ấp chồng; nếu bạn từng ăn liên tục ròng rã những món chán ngắt và nếu ý kiến thì sẽ nhận được câu trả lời: "gái đẻ chẳng ăn thế thì ăn gì"; nếu bạn đau ê ẩm cả lưng, thèm ngủ đến bệ rạc tinh thần, mắt thâm như gấu trúc mà con vẫn ra rả khóc không thể nín, ấm ức nhìn chồng ngủ ngon lành trên một chiếc giường khác, hoặc phòng khác...

Bỗng dưng một đứa bé bước vào đời bạn, đột nhiên trở thành trung tâm sự chú ý, và mọi sự "bất thường" xung quanh đứa trẻ đều khiến bạn trở thành tội đồ. Người ta sẽ xét nét, đòi hỏi, yêu cầu và đổ lỗi bạn, từ mọi phía. "Sao em bé nhỏ thế?", "Sao em bé không giống bố?", "Mẹ bế kiểu gì mà con khóc ngằn ngặt thế kia?", "Nó đói rồi, mẹ không đủ sữa cho bú à?", "Ôm con vừa thôi, nó bện hơi rồi chẳng làm ăn gì được", "Có mỗi việc ăn, ngủ với chăm con thôi mà cũng không xong, ai làm gì mà khóc"... Hàng loạt những câu tương tự thế sẽ được nói với bạn, và tất cả sẽ bị quy chụp là lỗi của bạn.

Trầm cảm sau sinh có thật, nhưng không phải cứ đẻ, phụ nữ lập tức biến thành bà điên! - Ảnh 1.

Cảm giác đơn độc và yếu đuối là có thật. Bạn có thể bị hoảng loạn vì tiếng con khóc, không dám ngủ khi con đã ngủ say vì sợ mình sẽ ngủ quên mà nằm đè lên con, hoặc ngồi canh khi con ngủ vì sợ ngộ nhỡ con... không thở nữa. Bạn sẽ có lúc yêu con đến mức không muốn bất cứ ai trên đời ngoài bạn đụng vào đứa bé, vì lo ai đó sẽ làm con bạn tổn thương. Bạn cũng sẽ có lúc giận hờn đứa trẻ ấy vô cùng, vì sao mà nó khóc lắm thế, sao mà ngủ ít thế, sao mà ị nhiều thế, tại nó mà chồng bạn và bạn bị cách ly, tại nó mà bạn bị cả thế giới bỏ rơi, cả thế giới lên án... Bạn nghi ngờ bản năng làm mẹ của mình.

Đó là những điều hoàn toàn có thật. Khi nói người mẹ cảm thấy vỡ oà và hạnh phúc và yêu con vô ngần, tôi tin, đó là những lời có cánh. Bởi ngay khi đứa trẻ vừa chào đời, cái ập đến với nhiều người không phải là niềm hân hoan, tuyệt nhiên thế, mà là sự mất mát, và lần gặp con đầu tiên là lúc họ bắt đầu sống với guồng cảm xúc hỗn loạn của mình...

Dầu vậy, đừng lôi nó ra như một cái cớ để dọa nhau

Câu chuyện có thật này "phổ biến" đến mức, những ngày này, ta lướt newsfeed và thấy hàng loạt lời "tự thú" trên mạng rằng mình đã từng bị trầm cảm sau sinh, mình từng không yêu con, mình từng muốn tự sát, mình từng muốn giết chồng... Những lời bình luận và những status công bố bí mật động trời bấy lâu khiến các mẹ ôm nhau thông cảm.

Còn các bố thì giật mình thon thót, kháo nhau "phụ nữ là một sinh vật đáng sợ. Hãy yêu thương họ và quan tâm họ thật nhiều, trước khi bị giết vào một đêm nào đó". Các ông bố cũng bảo nhau, cần đưa vợ đi chơi, cần thức đêm trông con cùng vợ, cần hỏi han xem vợ thèm gì, muốn gì, bảo nhau giữ mồm giữ miệng, đừng buông những lời cay đắng (mà trong trường hợp bình thường thì nó cũng chẳng cay đắng lắm) kẻo nhỡ cơn sóng ngầm bỗng hóa thành sóng thần, nàng làm gì phương hại đến con, đến mình, đến chồng thì hối hận không kịp.

Sự hoang mang và mối quan tâm về trầm cảm sau sinh được đẩy lên đến độ, dường như những người đàn ông đã có con giật thót tim, lục lại trí nhớ những ngày "cuồng loạn" của vợ và cảm thấy may mắn vì mình còn sống, vợ mình còn vui khỏe tung tăng.

Trầm cảm sau sinh có thật, nhưng không phải cứ đẻ, phụ nữ lập tức biến thành bà điên! - Ảnh 2.

Quan tâm và hiểu biết về trầm cảm sau sinh là đúng, nhưng nói một cách công bằng, dường như nhiều mẹ đang vin vào câu chuyện kinh khủng kia, vin vào sự quan tâm của dư luận và những ông chồng mà dọa nhau? Trầm cảm sau sinh là một BỆNH về thần kinh, nó kéo dài và cần có liệu pháp tâm lý, hoặc nặng hơn là dùng thuốc để có thể giúp người bệnh ổn định tâm lý. Nếu 100% phụ nữ sau sinh tự nhận mình bị trầm cảm sau sinh mắc BỆNH thật, mà chỉ một số ít (phải chăng vì quá yếu đuối) không thể vượt qua, còn phần lớn đã thoát khỏi, nhờ sự vi diệu nào đó của tinh thần mà chẳng cần chuyên gia tâm lý?

Các mẹ bớt giỡn đi! Thế này nhé, các bác sĩ tâm lý đã nghiên cứu, cảm xúc thay đổi và những tâm lý tiêu cực của phụ nữ sau khi sinh con là có thật, do hormone thay đổi (mà các cụ ngày xưa đã biết thừa, gọi la thay máu gái đẻ) và do tác động từ phía bên ngoài, gọi là hội chứng "nỗi buồn thoáng qua sau sinh". Hội chứng này ảnh hưởng đến đa phần các mẹ và sẽ kéo dài từ 3 ngày đến 3 - 4 tuần. Đa phần chị em bảo mình bị "trầm cảm sau sinh" khớp với thời gian này. Những cảm xúc tiêu cực sẽ bớt dần khi em bé tròn tháng, và các mẹ dần ổn định tâm lý, do mình hoặc do người chăm sóc hỗ trợ, khi nhìn thấy em bé "ngoan" hơn và xinh đẹp dần lên, bắt đầu giống những em bé chụp hình trong tạp chí.

Trầm cảm sau sinh có thật, nhưng không phải cứ đẻ, phụ nữ lập tức biến thành bà điên! - Ảnh 3.

Còn trầm cảm sau sinh thật, nó kinh khủng hơn thế, tàn phá khốc liệt hơn thế. Tôi từng biết những người nửa đêm bật dậy cắn cấu chồng vì tội dám... ngủ ngon, mắng chửi bất cứ ai dám sờ vào em bé khi chưa được mẹ đồng ý, khóc lóc suốt ngày suốt đêm, không ngủ được một chút nào, cuồng ăn hoặc biếng ăn... Nhiều người trong số họ đã phải can thiệp y tế và điều trị vài năm mới có thể tạm ổn định.

Tôi chẳng nói các mẹ giả vờ. Là một người mẹ từng trải qua những ngày ấy, từng nghe thấy tiếng nói bên tai xui tôi hãy vứt đứa bé ra ngoài đường, bịt gối vào mặt để khỏi nghe nó khóc, từng quát con (mấy ngày tuổi) ầm ĩ trong đêm rằng tôi không thể chịu nổi nó nữa và sẽ đem nó vứt đi cho ai nuôi thì nuôi... đến mức chồng tôi sợ hãi lao vào giằng con ra khỏi tay và bế bé chạy ào ra chỗ khác, tôi hiểu những chia sẻ các mẹ đang nói là hoàn toàn thật. Nhưng đừng phóng đại điều đó!

Những trường hợp bị trầm cảm sau sinh đến mức điên loạn là rất hiếm. Bạn buồn, bạn thay đổi, bạn cô đơn, bạn đau khổ, bạn mất ngủ, bạn muốn hóa điên, bạn cuồng chân... ok, sẽ có thể có hết đấy, nhưng đừng để những ám ảnh trong quá khứ sống dậy như một "phong trào" tự thú, tự vơ vào mình để dọa những ông chồng, rằng nếu họ không tinh tế, không ngọt ngào, không chiều chuộng, lần sinh con thứ hai, thứ ba có thể trầm trọng hơn.

Trầm cảm sau sinh có thật, nhưng không phải cứ đẻ, phụ nữ lập tức biến thành bà điên! - Ảnh 4.

Đừng để đàn ông nhìn chúng ta như những-sinh-vật-tiềm-ẩn-nguy-hiểm mà sợ nhiều hơn yêu thương. Đừng lấy cớ sợ bị "trầm cảm sau sinh" lần nữa mà chối từ đón vào lòng thêm một sinh linh. Đừng dọa nhau để khiến những người chưa từng có con sợ hãi trải nghiệm tuyệt vời này... Chẳng ai muốn mình biến thành "bà điên" trong mắt kẻ khác, nên hãy ngừng dọa dẫm và tuyên truyền về nỗi đau "phổ biến" như thể nó là chuyện không thể tránh được.

Có con, đó là trải nghiệm tuyệt vời nhất của phụ nữ, và đừng dọa, để những người phụ nữ khác, hoặc chính bạn, bỏ lỡ nó. Tôi sẵn sàng đón nhận tất cả điều đó (và giải quyết nó), thêm một lần nữa, để đón vào lòng một thiên sứ tình yêu lớn của đời mình, để nối rộng hơn tình yêu vợ chồng, để làm một gia đình.

Trầm cảm sau sinh có thật, nhưng không phải cứ đẻ, phụ nữ lập tức biến thành bà điên! - Ảnh 5.

Những nỗi đau và nỗi khổ bạn vấp phải khi nuôi con, đó là cách bạn học tính cách, học ngôn ngữ của con, học cách làm mẹ và là cách bạn hiểu về mẹ mình. Là cách để bạn học về sự kiên nhẫn, bao dung, vị tha, và học giao tiếp. Là cách để bạn khám phá năng lượng trong mình. Điều quan trọng là đừng làm tất cả một mình. Hãy yêu cầu trợ giúp, và để người khác trợ giúp khi bạn cần. Đó cũng là trải nghiệm cần thiết cho bạn và chồng bạn.

Thế nhé, hãy nhận thức và lường trước những gì bạn có thể gặp phải, nhưng đừng thấy một chút gai mà từ bỏ hoa hồng đằng sau. Có con sướng lắm, và dù ai đó có thể thề "sẽ không dại có con thêm lần nữa" vì những tháng ngày kinh khủng, dù họ tuyên bố 2 vạch là ác mộng lớn nhất cuộc đời, tin tôi đi, chỉ khi đứa trẻ bắt đầu lớn, họ sẽ quên ngay lời thề ấy thôi!

Chia sẻ