Không cho con đi học lớp 1, mẹ Việt tự dạy con hoàn toàn tại nhà

Lam Hồng,
Chia sẻ

Dù miệt mài áp dụng homeschool cho con, nhưng chị Kellan Hà Phạm chưa bao giờ quên đi việc phải đỡ đần chồng trong gánh nặng kinh tế.

Nhắc đến việc dạy con tại nhà (homeschool), nhiều người vẫn lầm tưởng rằng bố hoặc mẹ, một trong hai người sẽ phải gác lại sự nghiệp hoàn toàn mới có đủ thời gian để theo sát chương trình học của con. Nhưng với trường hợp chị Kellan Hà Phạm (Thảo Điền, Q.2, TP HCM) thì lại khác. 

Trong hơn 3 năm dạy con gái đầu tại nhà toàn phần, chị vẫn luôn cố gắng nỗ lực hết mình để vừa dạy con, vừa có thể làm việc freelancer, đỡ đần gánh nặng kinh tế cho gia đình. Chị quan niệm: “Người dạy con tại nhà phải chấp nhận rằng công việc không diễn ra ở văn phòng từ 8g sáng đến 5g chiều cùng những đồng nghiệp khác”.

Hành trình homeschool của mẹ con chị bắt đầu từ khi con gái lớn được 2,5 tuổi. Với những lợi ích nhận được, sự phù hợp với hoàn cảnh gia đình và có tính thống nhất giữa hai vợ chồng, nên chị Kellan Hà Phạm quyết định áp dụng homeschool tại nhà từ mẫu giáo và hiện tại, khi bé lớn đã ở tuổi học lớp 1, bé vẫn được dạy hoàn toàn tại nhà.

Kellan Ha Pham -1
Chị Kellan Hà Phạm bên 2 cô công chúa đáng yêu của mình.

Cuộc trò chuyện với chị Hà chắc hẳn sẽ truyền cảm hứng cho rất nhiều ông bố, bà mẹ khác trong việc định hướng phương pháp dạy học cho con để không bị ảnh hưởng đến sự nghiệp của mình: 

Hơn 3 năm tiếp xúc với một cô giáo duy nhất là chính mẹ, bé nhà chị phản ứng thế nào với phương pháp homeschool?

Hai bé đều rất cộng tác và nghiêm túc tham gia giờ học. Bé thể hiện hứng thú rõ ràng với những môn bé thích. Còn với những môn học không phải ưu thế của bé thì cũng cần nhiều sự động viên, sự thay đổi cách trình bày/giải thích vấn đề từ mẹ để bé có thể nắm bắt được.

Chẳng hạn như môn vẽ, thay vì dạy con vẽ trên giấy, mình bày ra hộp cát và chỉ cho con cách vẽ trên cát, trên lá cây... Qua đó mình dạy con hiểu được cách thức để tạo nên một bức tranh và quan trọng hơn cả là sự hứng thú, kiên trì với mọi việc.

Chị đã làm gì để nâng cao khả năng giao tiếp, sự tự tin cho các con khi suốt ngày phải ngồi học ở nhà với mẹ? 

Mình thường dẫn các con đi theo mẹ thăm ông bà, gặp bạn bè, đi chơi, đi siêu thị, đi ra ngân hàng… Trong mỗi dịp, mình chủ động yêu cầu bé cởi mở và giao tiếp với những người mình cần tiếp xúc. Khi bé mắc cỡ với người lớn, hay có bất đồng với bạn cùng chơi thì mình sẽ thảo luận với bé: “Vì sao con lại mắc cỡ? Vì sao con cảm thấy sợ? Vì sao con cảm thấy tức giận?”, đồng thời hướng dẫn cho bé cách thức phù hợp giúp bé khắc phục vấn đề trong giao tiếp của mình. 

Ngoài ra mình có tham gia một nhóm các mẹ cùng áp dụng phương pháp này. Nhờ đó, thỉnh thoảng mình có gửi con qua nhà mẹ khác để học môn học hoặc mảng kiến thức mà mẹ đó giỏi hơn. 

Chị dạy con theo những giáo trình nào và có lộ trình thực hiện cụ thể cho từng giai đoạn nhất định hay không ạ?

Mình đang theo chương trình của Veritas Press. Đây là chương trình theo trường phái Classical Education sử dụng phương pháp Trivium. Trong đó, việc phát triển trí tuệ được chia thành 3 giai đoạn: 

Grammar – Cấu trúc căn bản: Lớp Lá đến hết lớp 6.

Logic or dialectic – Duy vật biện chứng: Lớp 7 đến hết lớp 9.

Rhetoric -  Thuật hùng biện: Lớp 10 đến hết lớp 12.

Chương trình có chỉ ra từng môn và cung cấp giáo trình học cho mỗi cấp lớp. Ngoài ra, chương trình cũng hỗ trợ thêm lựa chọn học online đối với các môn khó, đặc biệt cho các lớp lớn. 

Kellan Hà Phạm-2
Hai bé nhà chị dù theo homeschool toàn phần, nhưng vẫn thường được mẹ đưa ra ngoài đi chơi, gặp gỡ nhiều người để tăng sự tự tin, khả năng giao tiếp.

Theo chị, điều quan trọng nhất của homeschool là gì?

Điều quan trọng nhất trong quá trình homeschool, đầu tiên là cha mẹ cần xác định được mục đích giáo dục cho con cái mình là gì. Mục đích này không chỉ là kiến thức, mà còn cả đạo đức, thái độ, trách nhiệm của con với công việc và cuộc sống của bản thân mình trong tương lai. 

Một điều khác không kém phần quan trọng là người dạy cần bình tĩnh giúp người học thấy được thế mạnh và đam mê của mình, từ đó phát triển những thế mạnh đó làm tiền đề cho nghề nghiệp trong tương lai. Điều đó cũng có nghĩa là người dạy phải chấp nhận cả những yếu điểm của người học và đưa ra được những tiêu chuẩn phù hợp hơn.

Chị nghĩ sao về câu nói: “Nếu muốn áp dụng chương trình homeschool cho con, thì bố hoặc mẹ gần như phải bỏ việc hoàn toàn”? 

Như câu trả lời phía trên thì việc homeschool không nhất thiết phải thực hiện toàn thời gian, hoặc phải thực hiện cho đến khi con mình hết lớp 12. 

Vì vậy, người dạy con hoàn toàn có thể chọn một công việc kiểu freelancer, những công việc quản lý dựa trên chất lượng, hiệu quả sản phẩm… để có thể sản xuất kinh tế. Bởi trong thời gian ở nhà, bạn hoàn toàn có thể sắp xếp được một thời khóa biểu thật thông minh để vừa hướng dẫn con học, vừa làm được việc của mình.

Kellan Hà Phạm -3
Trong gia đình chị, mọi vai trò đều được sắp xếp, phân bổ rõ ràng.

Trong gia đình chị thì sao, gánh nặng kinh tế có đặt nặng lên vai chồng chị hay không?

Homeschool nên là quyết định chung của cả gia đình. Nó là lựa chọn mà cả hai vợ chồng cùng phải thống nhất để đưa ra vì đòi hỏi sự hy sinh của cả hai. Xác định được như thế rồi, thì mọi chuyện trong gia đình có thể dễ dàng được cân bằng. Và nhà mình cũng vậy.

Thêm nữa là người dạy con ở nhà không phải là không có khả năng sản xuất kinh tế, chỉ là công việc của người đó sẽ không diễn ra ở văn phòng từ 8g sáng đến 5g chiều cùng những đồng nghiệp khác mà thôi. Tất nhiên, homeschool sẽ có những giai đoạn rất căng thẳng đòi hỏi người dạy tập trung toàn bộ thời gian của mình cho việc dạy con. 

Khi hai bé bắt đầu đến tuổi phải đi học lớp 1, chị có dự định sẽ tiếp tục áp dụng homeschool cho các con không ạ?

Hiện giờ bé lớn đã bắt đầu vào chương trình lớp 1, nhưng mình vẫn đang áp dụng phương pháp homeschool hoàn toàn tại nhà cho con. Và mình xác định sẽ tiếp tục lộ trình này trong một thời gian nữa cho đến khi có định hướng khác. 

Dù là homeschool nhưng bé có thế mạnh ở môn nào thì gia đình sẽ tạo điều kiện hết sức để bé phát huy thế mạnh đó. Còn lại những môn học khác bé vẫn cần đảm bảo chuẩn yêu cầu. Vợ chồng mình quan niệm việc phát triển tiềm năng của bé là điều vô cùng quan trọng. 

Cảm ơn chị! Chúc chị luôn hạnh phúc, vui vẻ và giữ được niềm say mê trong việc dạy các con học ạ!

Chia sẻ