Khó tìm quà lưu niệm đậm chất Việt Nam

Đặng Tuyền, nguồn ảnh aFamily.vn,
Chia sẻ

Có một điều dễ nhìn thấy nhất ở rất nhiều khu du lịch tại Việt Nam là mặt hàng quà lưu niệm vừa xấu, vừa ít và không đặc trưng. Hơn thế, nhiều mặt hàng lại có xuất xứ ngoại lai.

 Đi du lịch ở một địa điểm nào đó, mua một món quà lưu niệm về để cất giữ hoặc tặng cho người thân trở thành một thói quen của rất nhiều du khách. Thế nhưng, thực tế ở nhiều điểm du lịch tại Việt Nam hiện nay còn quá ít những mặt hàng đặc trưng của vùng miền. Đồ lưu niệm từ miền núi tới miền biển là cùng chung một đặc điểm: có xuất xứ từ vùng biên giới gần đó, cùng một kiểu mẫu mã, giá rất rẻ, số lượng nhiều.
 
Cũng có rất nhiều sản phẩm do chính tay người Việt sản xuất một cách kỳ công, tinh xảo, nhưng đem bán tại các điểm du lịch lại bị chính khách hàng Việt Nam... từ chối vì quá giống của Trung Quốc. Nhiều khách du lịch mua sắm ở khu chợ Bãi Cháy - Quảng Ninh mua những đồ như: cây đón giầy, bộ kê ấm chén, hộp đựng con dấu, đồ giả cổ… đều nghĩ rằng đây là đồ nhập từ bên Trung Quốc sang.
 
Thậm chí, một vài người đã từng đi Quảng Châu, Thâm Quyến, mua những đồ lưu niệm dễ thương như la bàn hình con rùa, hộp gạt tàn… về làm quà. Không ai biết rằng, đó là những đồ lưu niệm được sản xuất tại những làng nghề truyền thống của Việt Nam.
 

Hộp đựng giấy bằng gỗ, vừa cổ, vừa hiện đại.
 

Hộp đựng thuốc lá.
 
Ngay chính tại Thủ đô, hiện nay vẫn còn rất nhiều làng nghề ở khu vực Chuyên Mỹ - Phú Xuyên đang sản xuất mấy trăm loại đồ lưu niệm, quà tặng bằng gỗ cho ngành du lịch. Nhưng có một điều oái oăm, các sản phẩm đó làm theo đơn đặt hàng ở Trung Quốc, rồi chẳng hiểu tại sao khi qua biên giới, nó lại "lội ngược" về Việt Nam tới các khu du lịch.
 
Anh Phạm Văn Đồng, thôn Trung, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, một trong những người gom hàng lớn nhất của xã Chuyên Mỹ cho biết: “hầu hết những sản phẩm này được xuất sang Trung Quốc. Khách đặt hàng ở Việt Nam là các cửa hàng lưu niệm như ở Văn Miếu, phố cổ cũng đặt hàng rất hạn chế. Không hiểu bên Trung Quốc họ tiêu thụ như thế nào, nhưng khách du lịch đến Trung Quốc rất thích các mặt hàng này”.
 

Hình ảnh này có thể phân biệt hàng made in Việt Nam.


Nhưng những đôi đũa này nhiều người nhầm tưởng là hàng của Trung Quốc.
 
Cũng theo anh Đồng, những quà tặng kiểu như thế này khi xuất sang Trung Quốc, những người chủ như anh chỉ có mối lợi duy nhất là doanh thu chứ không có lợi về mặt thương hiệu. Hầu hết các sản phẩm tinh xảo được chạm, khắc cẩn thận đều không được mang thương hiệu của Việt Nam.
 
Giá một hộp đựng card dành cho khách du lịch tại nơi sản xuất chỉ từ 8.000 đồng – 10.000 nghìn đồng một cái. Nhưng khách du lịch sẽ phải bỏ ra 30.000 đồng đến 50.000 đồng để có được món quà tặng dễ thương này ở Trung Quốc. Tất cả những đồ lưu niệm nhỏ như hộp card, vòng, gương, hộp nữ trang, hộp giấy ăn… bạn đều có thể mua rất rẻ tại Việt Nam. Nhưng ai cũng nghĩ đó là những đồ xa xỉ chỉ có ở… Trung Quốc.
 
 
Những người thợ thủ công ở các làng nghề rất khéo tay. Khu vực Thường Tín, Phú Xuyên, Thạch Thất (Hà Nội)… đều có những làng nghề nổi tiếng: đan lát, thêu thùa, làm gỗ… Nhưng bây giờ, rất hiếm các làng nghề còn có thể tồn tại do các mặt hàng họ làm ra tốn nhiều công sức lại không tìm được đầu ra. Trong khi đó, thị trường đồ lưu niệm và quà tặng dành cho du lịch tại Việt Nam lại cực kỳ nghèo nàn sản phẩm. Đó là một nghịch lý hết sức khó chấp nhận của ngành du lịch.
 
Tại làng nghề thêu thuộc xã Quất Động, Thắng Lợi, Lê Lợi của Thường Tín – Hà Nội, hầu hết mọi người đã bỏ nghề thêu tay để đi… buôn gà, vịt. Trước đây, khu vực này là nơi xuất phát nghề thêu tay truyền thống với ông tổ nghề thêu ở xã Quất Động. Những nghệ nhân thêu tay nổi tiếng ở xưởng thêu XQ Đà Lạt có rất nhiều người xuất phát từ vùng Thường Tín này. Những sản phẩm thêu tay ở đây tinh xảo đến mức người xem không phân biệt được đó là tranh vẽ hay tranh thêu giờ đã vắng dần.
 
Điều này cũng không thể trách được những người thợ thủ công vì nếu cứ duy trì nghề, họ sẽ rất khó sống vì sản phẩm làm ra khó tiêu thụ vì dù đẹp và đặc trưng nhưng giá quá đặt thì không thể phổ biến tới nhiều tầng lớp người mua.
 
Tiêu biểu cho làn sóng hàng lưu niệm ngoại lai ở Hà Nội chính là làng lụa Vạn Phúc. Ở đây, tìm được một sản phẩm lụa Hà Đông trứ danh rất khó cho dù ở làng vẫn có máy dệt. Nhưng nguyên liệu chủ yếu lại từ nơi khác chuyển qua, còn những đồ như khăn quàng, vải lụa... thì lại có nguồn gốc khắp nơi và chủ yếu từ Trung Quốc vì mẫu mã phong phú, giá cả rất hợp lý. Nhiều cửa hàng ở đây còn có chiêu "rửa" nguồn gốc bằng cách cắt mác, hoặc "mông má" lại sao cho hàng nhìn đỡ công nghiệp để khách hàng đỡ thắc mắc.
 
Ngay cả làng gốm Bát Tràng- nơi được coi là thành công và phát huy gần như trọn vẹn nghề truyền thống từ bao đời nay của cha ông thì dạo gần đây cũng bị "lẫn lộn" bởi hàng Trung Quốc. Nhiều du khách "ngán ngẩm" chẳng lẽ tới đây, cứ phải vào tận lò, tự tay nặn đất để đỡ bị... lừa!
 
Sản phẩm quà tặng du lịch vẫn thiếu, các làng nghề thủ công vẫn “chết”. Và các khu du lịch của Việt Nam vẫn nhan nhản các mặt hàng giống hệt nhau và có cùng xuất xứ từ Trung Quốc. Quà tặng "made in Việt Nam" bán ở Trung Quốc lại chẳng giữ được thương hiệu.
 
Bao giờ khách du lịch mới tìm được quà tặng made in Việt Nam một cách dễ dàng?
 
Chia sẻ